10/07/2023 15:13 GMT+7

Ông Biden sẽ không kịp sang Trung Quốc trong nhiệm kỳ?

Mỹ cũng muốn sớm "tan băng" với Trung Quốc. Dù có những hòa hoãn gần đây nhưng còn nhiều thứ "ngáng chân" ông Biden bước sang Bắc Kinh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin ngày 21-3-2023 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin ngày 21-3-2023 - Ảnh: REUTERS

Mối quan hệ giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc sau 5 năm đóng băng đã dần dần được kết nối lại khi hai nhân vật cao cấp nhất trong nội các của Tổng thống Joe Biden lần lượt đến Trung Quốc.

Đầu tiên là Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken vào tháng 6 và chuyến thăm Bắc Kinh 4 ngày mới đây của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. 

Liệu quan hệ giữa hai nước sẽ bắt đầu khởi sắc thành "cầu vồng sau mưa" như lời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường? Liệu sự kết nối lại các kênh liên lạc chính trị và kinh tế đang "đi đúng hướng" như nhận xét của Tổng thống Joe Biden hồi tháng 6?

Các nhà quan sát đánh giá nó sẽ mở toang cánh cửa cho ông Biden đến thăm Trung Quốc trong những tháng ít ỏi còn lại của nhiệm kỳ. Nếu không, ông sẽ trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên không đặt chân đến Trung Quốc trong nhiệm kỳ, trong vòng hơn 40 năm nay.

Giao thương đang chạy trở lại

Chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken một tháng trước đây nghiêng nặng về chính trị. Tuy cũng có những lời xã giao tốt đẹp từ hai phía, thế nhưng Bắc Kinh vẫn tỏ thái độ khá cứng rắn khi nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, ông Vương Nghị đã "nắn gân" phía Mỹ "cần phải lựa chọn giữa đối thoại và đối đầu, hợp tác hay xung đột".

Nhưng tại chuyến thăm vừa kết thúc của bà Yellen, cả hai bên đều khá cởi mở. Trong khi Bộ Tài chính Trung Quốc nêu quan điểm "hai bên cùng có lợi" thì bà bộ trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh việc hai nước "cần có nhau".

"Chúng tôi tìm cách đa dạng hóa chứ không phải tách rời. Việc tách rời hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu và điều đó hầu như không thể thực hiện được", bà Janet Yellen tuyên bố hôm 7-7.

Bộ trưởng Tài chính Yellen và các đồng cấp Trung Quốc chắc chắn hiểu rõ hơn ai hết câu tuyên bố "không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại hay tách rời và đứt gãy các chuỗi liên kết".

Những đòn trừng phạt thuế quan qua lại, cấm vận liên miên kể từ thời tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cho hai bên cùng thấm đòn, thiệt hại rất lớn, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc bị ảnh hưởng, dân Mỹ phải mua hàng hóa với giá rất cao. 

Bà Yellen được coi là có quan điểm khá thực dụng khi dám nhìn thẳng vào vấn đề. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 4, bà đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ với Trung Quốc khi tuyên bố: "Tách rời kinh tế hai nước sẽ là sai lầm lớn".

Tuy nhiên, bà cũng nói thêm rằng "cần phải giải quyết" các hoài nghi về chính sách thương mại của Bắc Kinh.

Và thực tế đã chứng minh, bất chấp những căng thẳng về chính trị, hậu quả của những khó khăn do các cấm vận về kinh tế, giao thương giữa hai nền kinh tế lớn nhất và lớn nhì trên thế giới vẫn cao kỷ lục. 

Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 7-2-2023 cho thấy tổng thương mại hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng lên 690,6 tỉ USD vào năm 2022, vượt qua mức kỷ lục từng được ghi nhận vào năm 2018 (659 tỉ USD).

Giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ sang Trung Quốc tăng thêm 2,4 tỉ USD lên 153,8 tỉ USD, còn giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ tăng 31,8 tỉ USD lên 536,8 tỉ USD trong năm ngoái.

Trước đó, các nhà quan sát quốc tế tin rằng không có nhiều đột phá trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh 4 ngày của bà Yellen, và chúng ta gần như không có nhiều thông tin về các vấn đề kinh tế cụ thể nào đã được khai thông, liệu các đòn thuế quan 300 tỉ USD mà trước đó Mỹ đã áp lên hàng hóa Trung Quốc có được đem ra thảo luận?

Và chuyến công du đã kết thúc với những nhận định na ná như cách của ông Blinken một tháng trước là "thẳng thắn, thực chất và hiệu quả", nối lại các kênh liên lạc nhằm "tăng cường việc trao đổi thông tin và phối hợp giải quyết các thách thức toàn cầu".

Việc ông Biden sang thăm Trung Quốc trên cương vị tổng thống đang còn là dấu hỏi - Ảnh: ILLUST

Việc ông Biden sang thăm Trung Quốc trên cương vị tổng thống đang còn là dấu hỏi - Ảnh: ILLUST

Nhiều gút mắc trong các quan hệ chính trị

Nhiều bất đồng chính trị vẫn âm ỉ và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt có vẻ đang cản bước Tổng thống Biden thăm Trung Quốc.

Giữa hai bài toán kinh tế và chính trị thì rõ ràng giải bài toán kinh tế sẽ đơn giản hơn, việc thống nhất hai bên cùng có lợi sẽ bôi trơn được rất nhiều những khúc mắc.

Những bài toán kinh tế nào có liên quan đến chính trị thì sẽ khó khăn hơn chút xíu, dạng như những cáo buộc "đe dọa an ninh" từ những thiết bị điện tử chẳng hạn, thế nhưng nó cũng không quá khó khăn để hai bên có thể đạt được những thỏa thuận.

Căng thẳng và mệt mỏi nhất vẫn là những vấn đề bất đồng về chính trị và những mối quan hệ địa chính trị phức tạp của cả hai cường quốc.

Mối quan hệ ngoại giao gây nhiều tranh cãi, phiền phức nhất chính là Đài Loan. Mỹ vừa công nhận chính sách "một Trung Quốc", lại vừa viện trợ vũ khí và tuyên bố bảo vệ Đài Loan khiến cho Trung Quốc không ít lần nổi đóa và nhiều lần đẩy căng thẳng đến mức "lằn ranh đỏ".

Việc Mỹ hợp tác quân sự và tình báo với Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là một mối lo địa chính trị với Trung Quốc.

Ông Vương Nghị đã thẳng thắn nhắn nhủ người Nhật và Hàn phải nhớ về "nguồn cội của mình": "Người châu Âu và người Mỹ không thể phân biệt giữa người Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Dù nhuộm tóc vàng hay sửa mũi cao ra sao, chúng ta cũng không thể trở thành người phương Tây. Chúng ta nên nhớ rõ cội nguồn của mình ở đâu".

Trong khi đó thì vụ khinh khí cầu được coi là "do thám" của Trung Quốc bị Mỹ bắn rơi, hay nghi vấn Trung Quốc đặt cơ sở do thám bí mật ở Cuba, ngay sân sau của Mỹ do tờ Wall Street Journal loan tin ngày 8-6 cũng làm cho Washington lo lắng. 

Tướng Mỹ Lara Richardson, tại Hội đồng Đại Tây Dương, đã nêu những nghi ngại về mức độ đầu tư của Trung Quốc vào các cơ sở hạ tầng ở Trung và Nam Mỹ: "Hoa Kỳ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong một số lĩnh vực, đặc biệt là từ Trung Quốc ở Tây bán cầu, làm dấy lên những lo ngại an ninh mới" (USNI 22-1).

Hơn nữa, việc Trung Quốc xích lại gần Nga và thiết lập mối quan hệ đặc biệt thân thiết Nga - Trung nhằm chống lại thế đơn cực của Mỹ nhiều năm nay cũng làm cho Washington và phương Tây vô cùng lo lắng. 

Trong chuyến thăm Matxcơva ngày 20-3-2023, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định: "Trong một thế giới hỗn loạn và biến động, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để bảo vệ vững chắc trật tự toàn cầu".

Cuối cùng là những tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Biden liên quan đến Trung Quốc cũng là một bước cản lớn nếu ông muốn công du Trung Quốc.

"Đài Loan đưa ra đánh giá của riêng họ về nền độc lập của họ. Chúng tôi không khuyến khích họ độc lập. Đó là quyết định của họ", ông Biden tuyên bố hồi tháng 9-2022. Khi đó, ông cũng khẳng định sẽ bảo vệ Đài Loan bằng biện pháp quân sự trong trường hợp hòn đảo bị tấn công.

Và mới đây nhất, ngày 20-6-2023, việc ông Biden gọi chủ tịch Trung Quốc là "độc tài" đã làm cho Bắc Kinh phản ứng vô cùng giận dữ.

Vì thế, trong khi quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung còn quá nhiều nút thắt và với nhiệm kỳ tổng thống chỉ còn hơn một năm nữa, không có quá nhiều hy vọng cho hai bên giải quyết hết bất đồng và nâng cao tầm quan hệ.

Chưa kể ông Biden còn phải dồn tâm sức cho cuộc đua nhiệm kỳ 2 vào Nhà Trắng, nên chuyện ông Biden đặt chân sang Bắc Kinh là một điều rất khó xảy ra.

Như vậy, khả năng Tổng thống Biden trở thành nhà lãnh đạo đương nhiệm duy nhất của Mỹ trong vòng hơn 40 năm nay không công du Trung Quốc là điều rất có thể xảy ra.

Ông Biden trả lời CNN: Trung Quốc muốn thay Mỹ dẫn dắt thế giớiÔng Biden trả lời CNN: Trung Quốc muốn thay Mỹ dẫn dắt thế giới

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông tin rằng Trung Quốc muốn thay thế Mỹ trở thành quốc gia có nền kinh tế và năng lực quân sự hàng đầu thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên