Đức không hứa kết nạp Ukraine
Báo Telegraph ngày 8-7 (giờ địa phương) dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ Berlin sẽ phản đối việc vạch ra lộ trình rõ ràng hoặc hứa kết nạp Ukraine vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Hội nghị thượng đỉnh của khối, dự kiến diễn ra ngày 11 và 12-7 tại Vilnius (thủ đô Lithuania).
Báo Telegraph dẫn lời một quan chức giấu tên trong NATO: "Berlin phản đối viễn cảnh đưa ra lời mời gia nhập lập tức. Họ yêu cầu một quá trình cùng thời gian trước khi đưa ra những đảm bảo về việc kết nạp".
Quan chức này cũng giải thích quan điểm trên xuất phát từ lo ngại nếu được kết nạp, Ukraine sẽ lập tức kích hoạt điều 5 trong Hiến chương NATO.
Điều khoản này nêu rõ mọi cuộc tấn công vào một nước thành viên NATO "được xem là cuộc tấn công vào tất cả các nước thành viên".
Nếu Ukraine được kết nạp lập tức và kích hoạt điều này, các nước phương Tây sẽ phải trực tiếp tham chiến chống Nga.
Trước đó, ngày 22-6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng phát biểu trước Quốc hội nước này, kêu gọi phải giữ tỉnh táo trước tình hình hiện tại ở Ukraine. Ông cũng chỉ ra ngay cả quan chức Ukraine cũng thừa nhận việc gia nhập NATO trước khi chiến sự ở nước này kết thúc là "ngoài tầm với".
Theo ông Scholz, ưu tiên của các nước phương Tây lúc này nên là các phương thức "hỗ trợ" Kiev.
Mỹ cũng không ủng hộ NATO kết nạp Ukraine vào thời điểm này. Nói trên Đài CNN ngày 7-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh đây không phải là thời điểm để NATO kết nạp Ukraine.
Ông Biden nói Mỹ đang cân nhắc sử dụng "mô hình Israel" cho Ukraine, thay vì để Kiev gia nhập NATO. Trong trường hợp đó, Washington sẽ cung cấp vũ khí, năng lực quốc phòng cho Ukraine.
Từ nhiều tuần qua, các quan chức Ukraine, trong đó có Tổng thống Volodymyr Zelensky, đã nhiều lần yêu cầu nhận lời mời gia nhập NATO hoặc ít nhất một thông báo về thời điểm chính xác nước này có thể được kết nạp tại Thượng đỉnh Vilnius.
Pháp phản đối việc mở văn phòng liên lạc tại Tokyo
Cũng trong ngày 8-7, báo Politico dẫn nguồn thạo tin khẳng định Pháp sẽ từ chối đồng ý kế hoạch mở văn phòng liên lạc của NATO tại Nhật Bản.
Một quan chức Điện Elysée giấu tên cho biết: "Nhìn chung, chúng tôi không ủng hộ kế hoạch này. Theo chúng tôi biết thì phía Nhật Bản cũng không quá nhiệt tình với nó".
Người này cũng nhấn mạnh "NATO nghĩa là Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương" và chỉ ra rằng ngay cả điều 5 cũng nêu rõ tôn chỉ tổ chức là "duy trì an ninh khu vực Bắc Đại Tây Dương".
Hồi tháng 6-2023, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng khẳng định bản thân tin điều lệ của NATO thể hiện rõ giới hạn địa lý. Giới hạn này ngăn việc NATO bành trướng đến châu Á.
Một tháng trước đó (tháng 5-2023), Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Koji Tomita cho biết nước này đang "xúc tiến" việc mở văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo. Kế hoạch này được nêu lần đầu vào năm 2007, khi thủ tướng Nhật lúc đó là ông Abe Shinzo đến thăm trụ sở NATO.
Theo báo Politico, Thượng đỉnh Vilnius tới đây sẽ là cột mốc quan trọng trong việc triển khai kế hoạch trên. Vì việc mở văn phòng ở Tokyo yêu cầu sự thông qua của tất cả các nước thành viên, nên quan điểm phản đối của Paris sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch này.
Nhật Bản cũng đã được mời tham dự hội nghị trên, cùng một số quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương khác là Hàn Quốc, Úc và New Zealand.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận