Mỹ vận động Thổ Nhĩ Kỳ cho Thụy Điển, Ukraine vào NATO
Ngày 9-7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc kết nạp Ukraine và Thụy Điển vào NATO và vấn đề bán máy bay F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thông báo: "Hai lãnh đạo đã thảo luận vị thế của Ukraine trong NATO, việc kết nạp Thụy Điển vào NATO, việc bán máy bay F-16 và quá trình để Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên đầy đủ của Liên minh châu Âu.
Hai bên thống nhất sẽ gặp mặt trực tiếp tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius và thảo luận chi tiết về quan hệ song phương của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cùng các vấn đề khu vực".
Trong cuộc điện đàm này, ông Erdogan xác nhận "Thụy Điển đã thực hiện một số bước đi đúng hướng bằng cách sửa luật chống khủng bố, nhưng trên thực tế những đối tượng ủng hộ Đảng Công nhân Kurdistan bị cấm ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục biểu tình tự do ca ngợi chủ nghĩa khủng bố. Việc này khiến những nỗ lực của Thụy Điển là vô ích".
Ông Biden công du ba nước châu Âu, dự thượng đỉnh NATO
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Anh vào tối 9-7, bắt đầu chuyến công tác đến 3 nước châu Âu, trong đó trọng tâm là việc dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Lithuania.
Ngày 10-7, ông Biden sẽ thảo luận về môi trường với Vua Charles III của Anh và cuộc chiến ở Ukraine với Thủ tướng Rishi Sunak.
Tối 10-7, ông sẽ khởi hành đi Vilnius để dự cuộc họp quan trọng của các lãnh đạo NATO ngày 11 và 12-7. Dự kiến, NATO sẽ tiếp tục thể hiện sự ủng hộ với Ukraine và xác định những việc Ukraine phải làm để trở thành thành viên NATO vào một thời điểm chưa xác định trong tương lai.
Chặng dừng chân cuối cùng của tổng thống Mỹ là Phần Lan - thành viên mới nhất của NATO. Ông Biden sẽ họp với các lãnh đạo ở Phần Lan và dự hội nghị thượng đỉnh của Mỹ và các nước Bắc Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực cứu thỏa thuận ngũ cốc
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm thảo luận về tình hình của Ukraine và thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan ngày 9-7.
Theo Hãng tin Reuters, thông tin được Bộ Ngoại giao Nga xác nhận. Nga dọa từ bỏ thỏa thuận vì các yêu cầu vận chuyển ngũ cốc và phân bón của họ không được đáp ứng. Thỏa thuận này sẽ hết hạn ngày 17-7 với nguy cơ không được gia hạn.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mới đây cho biết ông muốn đề nghị Nga gia hạn thỏa thuận thêm ít nhất ba tháng.
Tổng thống Ukraine và Ba Lan tưởng niệm nạn nhân thảm sát trong Thế chiến II
Ngày 9-7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda đã dự lễ tưởng nhớ nạn nhân vụ thảm sát người Ba Lan do những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine thực hiện hồi Thế chiến II ở một nhà thờ tại thành phố Lutsk, miền tây Ukraine.
Những vụ thảm sát này là trọng tâm căng thẳng trong quan hệ hai nước, nhưng từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine năm 2022, Ba Lan vẫn là một trong những quốc gia ủng hộ Kiev mạnh mẽ nhất.
Theo các nhà sử học, hàng chục nghìn người Ba Lan đã thiệt mạng trong hàng loạt vụ giết người xảy ra từ năm 1943 - 1945. Ngoài ra, cũng có tới 12.000 người Ukraine thiệt mạng trong các chiến dịch trả đũa của Ba Lan.
Hồi đầu năm nay, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ba Lan nói rằng ông Zelensky nên xin lỗi và xin sự tha thứ cho các sự kiện thảm sát năm xưa.
Triều Tiên dọa bắn máy bay Mỹ
Ngày 10-7, Hãng thông tấn trung ương KCNA của Triều Tiên đăng bài lên án Mỹ đưa tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên.
Bình Nhưỡng cáo buộc hành động này tạo ra một tình huống đưa xung đột hạt nhân đến gần hơn với thực tế.
Trong tuyên bố được Hãng thông tấn KCNA đăng, một phát ngôn viên không nêu tên của Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết các máy bay do thám của Mỹ gần đây đã vi phạm không phận gần bờ biển phía đông của nước này.
"Không có gì đảm bảo sẽ không xảy ra một sự cố chấn động. Không có gì đảm bảo sẽ không có việc máy bay trinh sát chiến lược của Không quân Mỹ bị bắn hạ trên vùng biển phía đông", người phát ngôn nói.
KCNA cho rằng các động thái giới thiệu vũ khí hạt nhân chiến lược tới bán đảo Triều Tiên của Mỹ là một sự đe dọa hạt nhân trắng trợn với Triều Tiên và các nước trong khu vực, đồng thời là sự đe dọa nghiêm trọng với hòa bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận