Đất đai là lĩnh vực hay có khiếu nại, tố cáo cần giải quyết
Giải quyết khiếu nại tố cáo, khôi phục quyền lợi 500 tổ chức, cá nhân
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi trả lại cho tổ chức, cá nhân 5 tỉ đồng, 6ha đất, khôi phục quyền lợi cho 91 tổ chức, 416 cá nhân, kiến nghị xử lý 389 người, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 21 vụ, 23 đối tượng.
Thanh tra cho hay cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp trên 262.880 lượt người, về 216.179 vụ việc, có trên 2.200 đoàn đông người, tiếp nhận 304.920 đơn các loại và xử lý 280.777 đơn. Trong đó có 246.100 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm hơn 80% số đơn và giải quyết 19.957 vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền.
Trên cơ sở đó, kế hoạch năm 2023 sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý các phản ánh, kiến nghị của dân.
Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, phấn đấu đạt tỉ lệ trên 85%, thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo đã có hiệu lực. Tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Trạm sạc cho xe điện được đề xuất áp dụng giá bán theo hộ kinh doanh
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo gửi Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nêu ý kiến về quy định giá bán điện cho trạm, trụ sạc cho xe điện. Theo đó đề nghị áp dụng giá bán lẻ điện cho kinh doanh quy định theo điều 8 tại thông tư số 16/2014 về giá bán điện cho các khách hàng sử dụng.
Theo lý giải của EVN, hoạt động của đơn vị kinh doanh trạm, trụ sạc xe điện là đầu tư xây dựng, mua điện từ đơn vị điện lực để cung cấp dịch vụ sạc pin cho xe điện của người sử dụng xe điện. Đây là hoạt động kinh doanh dịch vụ, nên cần áp dụng giá bán lẻ điện cho kinh doanh đã được quy định cho các khách hàng sử dụng điện tại thông tư 16.
Khu vực chứa xe hết niên hạn sử dụng
Hơn 21.000 xe ô tô hết niên hạn sử dụng từ 1-1-2023
Theo số liệu thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ ngày 1-1-2023 có tổng cộng 21.040 ô tô sẽ hết niên hạn sử dụng, trong đó có trên 6.140 ô tô khách và gần 14.900 ô tô tải.
Theo thống kê, TP.HCM là địa phương có số lượng phương tiện hết niên hạn sử dụng nhiều nhất với 4.898 xe, gồm 1.116 xe khách và 3.782 xe tải. Trong khi đó con số này tại Hà Nội là 2.687 ô tô, gồm 817 xe khách và 1.870 xe tải.
Hiện danh sách chi tiết toàn bộ xe hết niên hạn sử dụng đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cục.
Cũng theo thông tin này, chủ xe, cơ quan chức năng, cá nhân, tổ chức, đơn vị có thể dễ dàng tra cứu toàn bộ xe hết niên hạn sử dụng trên cổng thông tin.
Ca mắc COVID-19 tiếp tục giảm thấp nhưng vẫn có ca tử vong
Ngày 19-12 ghi nhận 234 ca mắc COVID-19 mới, cao hơn ngày 18-12 gần 60 ca (ngày 18-12 chỉ ghi nhận 177 ca, thấp nhất trong nhiều ngày trở lại đây). Tuy nhiên ngày 19-12 vẫn ghi nhận 1 bệnh nhân COVID-19 tử vong.
Trong ngày 18-12 có trên 3.250 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là trên 265.168.680 liều. Hiện Việt Nam còn trên 1 triệu liều vắc xin COVID-19, đủ sử dụng cho những người có chỉ định và nhu cầu tiêm chủng.
Bốc dỡ hàng hóa xuất khẩu tại cảng Cát Lái, TP.HCM
Xuất khẩu qua kênh trực tuyến sẽ cạnh tranh quyết liệt trong năm 2023
Nhận định của Alibaba.com, nguyên nhân là đến từ những cú sốc dai dẳng của đại dịch, nhiều doanh nghiệp sẽ dịch chuyển sang kỹ thuật số. Sự ổn định tương đối của hoạt động bán hàng trực tuyến trong nước cũng sẽ là điều mà nhiều công ty cần để duy trì hoạt động trong năm tới. Xu hướng này cũng phản ánh những người bán hàng trực tuyến có thể sẽ chứng kiến sự cạnh tranh lớn hơn vào năm tới.
Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam cho biết hiện tại, các nhà cung cấp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện hơn 70% nhà cung cấp tại Việt Nam được đánh giá từ 2 sao trở lên, với các ngành hàng cốt lõi bao gồm thực phẩm và đồ uống, nông nghiệp, nhà cửa và vườn tược, làm đẹp và chăm sóc cá nhân, đồ nội thất... và các ngành hàng khác. Trên 800.000 sản phẩm đã được niêm yết, và hơn 70.000 tin nhắn hỏi hàng nhận được mỗi tháng trên toàn thế giới.
Việt Nam đứng thứ ba về đầu tư tại Lào
Theo Tổng lãnh sự quán Lào tại TP.HCM, nguồn vốn của Việt Nam vào thị trường này thời gian gần đây không ngừng tăng. Hiện Việt Nam đứng thứ ba trong số các quốc gia đầu tư tại Lào với 211 dự án, tổng vốn đăng ký 5,2 tỉ USD.
Đến nay nhiều dự án của doanh nghiệp Việt đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả, đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được Chính phủ hai nước ghi nhận, đánh giá cao.
Hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào đã có ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế như: nông nghiệp, năng lượng, sản xuất, phân phối các hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu, hàng tiêu dùng hay cung ứng các dịch vụ quan trọng như ngân hàng, du lịch, khách sạn, trung tâm thương mại...
Lào - Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại song phương và Thương mại biên giới từ năm 2015. Hai nước cũng đã phối hợp thực hiện ưu đãi thuế nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ của nhau. Xu hướng đầu tư cũng ghi nhận các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, hãng hàng không… dịch chuyển đầu tư sang Lào ngày một nhiều hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận