Ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op, chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cho biết không túi có nghĩa là không sử dụng túi ni lông và không tiền mặt.
Trong đó, tác động vào thanh toán không tiền mặt sẽ lan tỏa các hoạt động thanh toán trong mua sắm, và trong góc độ bán lẻ, hình thức thanh toán này có những tác động nhỏ nhưng hiệu ứng rất lớn.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng nhu cầu bán lẻ trong nước đạt 145 tỉ USD, tương đương 18 tỉ giao dịch (lần trả tiền). Trong số đó có nhiều thanh toán không tiền mặt.
Với những đặc thù đó, bán lẻ Việt Nam với câu chuyện không tiền mặt còn rất nhiều dư địa.
Năm 2022, thị trường bán lẻ tăng 12%. Nhưng tốc độ của thanh toán không tiền mặt lên đến 32%. Điều này đặt cho những người thực hiện chương trình tự tin thực hiện thêm nhiều hoạt động.
Hơn nữa, sau thời gian COVID-19, người tiêu dùng Việt Nam có sự thay đổi thích ứng khá nhanh. Theo khảo sát của Niselsen, 95% người tiêu dùng Việt có sử dụng ít nhất một hình thức thanh toán không tiền mặt, trong khi khu vực Đông Nam Á con số này là 93%.
Tương tự, 77% người được hỏi ở khu vực Đông Nam Á có dự định sử dụng thanh toán không tiền mặt nhiều hơn trong tương lai tại Đông Nam Á, còn tại Việt Nam là 83%. Tỉ lệ người cho rằng thanh toán không tiền mặt an toàn hơn so với các hình thức truyền thống của Việt Nam cũng cao hơn khu vực 80% so với 75%.
Nhìn về tương lai, có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam mong muốn cửa hàng chấp nhận thanh toán không tiền mặt hơn, so với khu vực là 68%.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, một chỉ số khác cũng đáng quan tâm cho thấy mức độ chuyển đổi, sẵn sàng không dùng tiền mặt của người Việt.
Cụ thể, 79% người tiêu dùng lo ngại về tính an toàn của thanh toán không tiền mặt, trong khi 61% tỉ lệ người tiêu dùng Việt đã từng mua hàng qua livestream (cao nhất Đông Nam Á), 100% người mua hàng qua kênh này đều thanh toán không tiền mặt.
Người Việt không còn muốn đem theo tiền mặt
Dịch COVID-19 thực sự thay đổi người tiêu dùng Việt và tâm lý mua sắm. Có đến 65% dân số mang ít tiền mặt hơn sau COVID-19. 13,7 ngày là số ngày trung bình không dùng tiền mặt của người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Đức cho rằng những con số này là dấu hiệu cho thấy sự thích ứng của người Việt đối với hình thức thanh toán mới, sẵn sàng chấp nhận một xã hội không dùng tiền mặt.
"Ai thành công cũng có lối đi riêng. Vậy lối đi riêng của thị trường Việt Nam là gì?", ông đặt vấn đề.
"Tại Việt Nam, giá trị thanh toán bằng tiền mặt ở thương mại ngoại tuyến vẫn khá cao là 47% và dự báo còn 21% vào năm 2026. Trong quá trình chuyển đổi công cụ thanh toán, các chính sách và định hướng của Nhà nước tác động rất lớn đến xu hướng thanh toán", ông Nguyễn Anh Đức nhìn nhận.
Nhiều năm nay hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã áp dụng nhiều hình thức tiên tiến để khuyến khích khách hàng mua sắm thanh toán hạn chế dùng tiền mặt, như dùng thẻ hoặc ví điện tử. Hầu hết các quầy thu ngân của Saigon Co.op đều có bố trí đầu đọc thẻ và thường xuyên phối hợp các ngân hàng tổ chức khuyến mãi, tặng điểm, tặng quà, thưởng tiền trực tiếp vào thẻ cho khách.
Vậy khó ở đâu?
Đầu tiên là cơ sở hạ tầng. Việc thanh toán bằng tiền mặt phải cần nhanh, gọn và dễ dàng. Nhiều khu vực chưa được kết nối mạng và tốc độ mạng cũng chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng thanh toán không tiền mặt.
Tiếp nữa là các hệ thống thanh toán chưa đồng bộ khiến người dùng phải sử dụng nhiều ứng dụng, thẻ thanh toán, ví điện tử để thực hiện giao dịch thanh toán, gây khó khăn cho việc đối soát, đối chiếu.
Ngoài ra, thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến. Phần lớn người tiêu dùng tại Việt Nam tại khu vực nông thôn vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, ngại tiếp xúc công nghệ, lo ngại các rủi ro. Vì vậy, cần có những tác động mang tính chất chiều sâu.
Cuối cùng là các quy định pháp luật để chế tài nhiều hơn những lãng phí trong thanh toán bằng tiền mặt. Chẳng hạn câu chuyện tiền lẻ đang bị bỏ phí.
Với các hạn chế hiện nay, ông Nguyễn Anh Đức đề xuất cần có chính sách khuyến khích trong ngắn hạn với nhà bán lẻ và người tiêu dùng để họ thử nghiệm nhiều hơn với các hình thức thanh toán không tiền mặt, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thanh toán một chuẩn mực kết nối với các đơn vị bán lẻ, trong đó có các ví điện tử, để đảm bảo những giao dịch thực hiện nhanh, gọn, và hiệu quả cao, ít tốn kinh phí, đảm bảo lưu lượng tiền mặt một cách phù hợp.
"Quan trọng nữa là phải luôn cập nhật công nghệ mới cho thị trường, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn khi thanh toán. Quá trình này đòi hỏi cơ quan chức năng, doanh nghiệp phải chuyển đổi rất nhanh, thay đổi liên tục", chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam nói thêm.
Hội thảo Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp với báo Tuổi Trẻ và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức diễn ra chiều 16-6 tại TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận