Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trò chuyện cùng ông Kapoor NiTin - giám đốc AstraZeneca Việt Nam - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sáng 8-3, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia phối hợp hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC (đơn vị nhập khẩu, phối hợp tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế) bắt đầu thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành (Hải Dương) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội).
Tại các địa phương có sự giám sát của các đoàn công tác Bộ Y tế gồm Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Đỗ Xuân Tuyên và Trần Văn Thuấn.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - chia sẻ khi bệnh viện được chọn là một trong các đơn vị tiêm ngừa đầu tiên Việt Nam - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Với việc tiêm vắc xin, chúng tôi - những chiến binh trên tuyến đầu chống dịch, được trang bị thêm một hệ thống giáp bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus - hệ thống giáp sinh học. Đây là một việc làm cần thiết giúp nhân viên y tế đủ sức khỏe chăm sóc bệnh nhân, và quan trọng hơn nữa là ngăn không gây hại cho bệnh nhân" - TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, chia sẻ.
Theo kế hoạch, có 900 nhân viên y tế của bệnh viện sẽ được tiêm vắc xin đợt này, riêng trong ngày 8-3 sẽ có 100 nhân viên được tiêm, gồm các bác sĩ, điều dưỡng của các khoa đang trực tiếp chăm sóc điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Tùy theo nguồn cung ứng, bệnh viện sẽ tiếp tục thực hiện và dự kiến sẽ hoàn tất trong tuần.
Bác sĩ Châu cho biết để bước vào đợt tiêm quan trọng này, bệnh viện đã nghiêm túc triển khai sẵn sàng tiếp nhận vắc xin và triển khai tiêm vắc xin cho nhân viên y tế. Những liều vắc xin đầu tiên từ VNVC đã được nhập vào kho lạnh đạt chuẩn GSP, có hệ thống theo dõi nhiệt độ bảo quản liên tục 24/24, được hệ thống máy chủ ghi nhận liên tục và báo động ngay khi nhiệt độ vượt ra khỏi giới hạn cho phép để nhân viên trực 24/7 xử lý lập tức.
Bệnh viện cũng đã chuẩn bị quá trình triển khai tiêm chủng cho nhân viên y tế một cách thận trọng. Cụ thể, các nhân viên y tế đều được khám sàng lọc trước khi tiêm; sử dụng phần mềm và hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý từng cá nhân xuyên suốt và đồng bộ trong suốt chiến dịch tiêm chủng.
Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, người được tiêm vắc xin đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM: "Mong ai cũng sớm được tiêm vắc xin" - Video: HOÀNG LỘC
"Khâu tiêm vắc xin được thực hiện bởi các nhân viên chuyên thực hành tiêm chủng lâu nay của bệnh viện. Sau đó người được tiêm sẽ ngồi nghỉ ngơi và theo dõi trong vòng 30 phút trước khi ra về. Nhân viên tiêm chủng cũng hướng dẫn chi tiết các biểu hiện bất thường cần quay lại cơ sở y tế gần nhất để được xử trí. Ngoài ra, khu vực tiêm chủng cũng trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu và nằm cạnh khoa cấp cứu để kịp thời xử lý những sự cố tức thì ngoài ý muốn", bác sĩ Châu nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định đến nay Việt Nam là quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á có được vắc xin AstraZeneca. Đây là chiến dịch tiêm vắc xin quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà Bộ Y tế tổ chức.
"Và ngày hôm nay là khởi động của chiến dịch để đưa vắc xin về nước nhanh nhất và có thể tiêm được cho người dân một cách càng nhanh càng tốt", ông khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết dịch COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian qua đã được kiểm soát tốt; nước ta được nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế và các hãng thông tấn báo chí có uy tín trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao, trở thành một "hình mẫu" về cách thức kiểm soát dịch bệnh, đạt hiệu quả cao với mức chi phí tối thiểu, là một "tấm gương" trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Và để tiếp tục duy trì bên cạnh ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, điều trị bệnh nhân... thì việc có được vắc xin ngừa COVID-19 là ước mơ chung của người dân toàn thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận