08/03/2021 06:08 GMT+7

Hôm nay Việt Nam bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Vắc xin ngừa COVID-19 sử dụng tại Việt Nam đợt này do Công ty AstraZeneca và ĐH Oxford (Anh) phát triển, sản xuất nhượng quyền tại Hàn Quốc, số lượng cả mua và được viện trợ là 60 triệu liều.

Hôm nay Việt Nam bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh 1.

Xe chở vắc xin ngừa COVID-19 được đưa đến một trung tâm tiêm chủng thuộc Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC chiều 24-2 - Ảnh: NHẬT THỊNH

Sáng nay 8-3, Việt Nam bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 rộng rãi, trong một chương trình tiêm chủng mở rộng lớn nhất từ trước đến nay, với khoảng 100 triệu mũi trong năm 2021. Mục tiêu, như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói, là để cuộc sống sớm trở lại bình thường.

Tới đây sẽ có thêm một lô vắc xin 31 triệu liều của Moderna, Mỹ. Tổng 2 lô này là 91 triệu liều, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán mua vắc xin để mọi người dân có chỉ định đều được tiêm chủng.

Ráo riết chạy đua kịp tiến độ

Từ nửa tháng nay, trước khi vắc xin chuẩn bị về Việt Nam, công tác chuẩn bị tập huấn cho hệ thống tiêm chủng, rà soát hệ thống bảo quản... được tiến hành ráo riết. Bà Dương Thị Hồng - trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - chia sẻ các cán bộ văn phòng tiêm chủng đều "ngày đi tập huấn, tối đọc tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới". Đây là vắcxin mới, đến ngày 6-3 mới có 25 quốc gia cho vắc xin lưu hành hoặc phê duyệt nhập khẩu, nên càng tập huấn kỹ lưỡng càng an toàn.

"Khoảng 10% người được tiêm có các phản ứng như bồn chồn, sốt, có thể sốt trên 38 độ, 10% khác có phản ứng tại chỗ tiêm như sưng, nóng, đỏ, đau vết tiêm, đây là tỉ lệ tương tự các vắc xin khác" - bà Hồng cho biết.

Tuy nhiên, các cán bộ tiêm chủng không phải không có những lo lắng. Đã có những thông tin về tai biến nặng sau tiêm ở các quốc gia tiêm chủng ngừa COVID-19 rộng rãi, trong đó có cả trường hợp còn trẻ tuổi. Theo bà Hồng, qua khảo sát các trường hợp này cho thấy những ca có phản ứng nặng đều là trường hợp có bệnh mãn tính, và trước khi tiêm cần khám sàng lọc để có chỉ định hoãn tiêm hoặc ngừng tiêm với các trường hợp có nguy cơ.

"Vắc xin này sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên. Chúng tôi tổ chức tiêm chủng tại các bệnh viện, trạm y tế, điểm tiêm lưu động... Tất cả những điểm có triển khai tiêm chủng đều phải là điểm đã được tập huấn tiêm chủng ngừa COVID-19. Với người trên 65 tuổi và có bệnh nền, chúng tôi sẽ triển khai tiêm chủng tại bệnh viện" - bà Hồng lưu ý.

Theo ông Nguyễn Thanh Long - bộ trưởng Bộ Y tế, sau tiêm mũi 1 vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca thì 76% có hiệu quả miễn dịch, sau tiêm mũi 2 thì tỉ lệ này là 81%. Với vắc xin của Moderna, tỉ lệ đạt hiệu quả miễn dịch lên trên 90%. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng về hiệu quả miễn dịch nếu tiêm 2 mũi vắc xin bằng 2 loại vắc xin khác nhau, và cũng chưa có bằng chứng về việc năm sau có phải tiêm lại vắcxin ngừa COVID-19 do đây là vắc xin rất mới, đang tiếp tục theo dõi về thời gian bảo vệ sau tiêm.

Trở về cuộc sống bình thường

Để có chương trình tiêm chủng lớn như thế này là cả nỗ lực của nhiều tổ chức, cá nhân, của ngành y tế và những người thầm lặng đã đóng góp lớn lao mua được vắc xin về Việt Nam. Trong khi đây là điều không dễ dàng vì cả thế giới đang "giành nhau" từng liều vắc xin. Trong đó, Bộ Y tế và Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC (đơn vị nhập khẩu, phối hợp tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế) đã ký hợp đồng ba bên cùng nhà sản xuất AstraZeneca từ tháng 11-2020 và thương lượng để vắc xin có giá hợp lý, có thể sử dụng tiêm chủng rộng rãi cho người dân.

Với hiệu quả miễn dịch như ở trên, không phải 100% người được tiêm có miễn dịch với COVID-19. Nhưng theo ông Long, nếu đã tiêm vắc xin và vẫn mắc bệnh thì bệnh sẽ nhẹ, không tử vong, tức là hiệu quả bảo vệ vẫn đạt ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, cùng với vắc xin vẫn phải áp dụng các biện pháp 5K để bảo vệ tốt hơn.

Trong hơn 1 năm qua, thế giới đã có những thay đổi chóng mặt vì COVID-19 và Việt Nam dù được đánh giá là chống dịch tốt, với số ca mắc hiện đứng vị trí 173 trong số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch, nhưng chúng ta đã trải qua 5 đợt dịch lớn, gần nhất và đang diễn ra là đợt dịch khởi đầu ở Hải Dương và Quảng Ninh. Nếu sớm tiêm chủng rộng rãi kết hợp 5K, cuộc sống sớm trở lại bình thường.

Giao lưu trực tuyến:

Khi nào người dân được đăng ký tiêm vắcxin ngừa COVID-19?

Sáng nay 8-3, lần đầu tiên Bộ Y tế triển khai tiêm ngừa COVID-19 diện rộng bằng lô vắc xin 117.600 liều được nhập khẩu về Việt Nam hôm 24-2. Trước mắt sẽ tiêm cho nhân viên y tế, lực lượng công an, quân đội làm việc tại các chốt chống dịch...

Bộ Y tế thông báo trong tháng 3 này, dự định có thêm một lô vắc xin trên 1,3 triệu liều về Việt Nam. Đến tháng 4 và tháng 5, lượng vắc xin sẽ về dồi dào và người dân sẽ được tiêm chủng rộng rãi, với 100 triệu mũi tiêm ngay trong năm nay để cuộc sống sớm trở lại bình thường.

Cũng theo Bộ Y tế, ngoài tiêm theo chương trình mở rộng, người dân có nhu cầu và điều kiện có thể tiêm dịch vụ vắc xin ngừa COVID-19 ở những đơn vị uy tín.

Khi nào người dân bắt đầu được đăng ký tiêm chủng? Loại vắc xin nào được sử dụng? Vắc xin chống chỉ định với nhóm tuổi nào? Vắc xin có hiệu quả phòng bệnh 100% không?... Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn, Tuổi Trẻ tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với sự tư vấn của các khách mời đến từ Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia và Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.

Chương trình diễn ra từ 16h-17h30 hôm nay (8-3) trên Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) với sự đồng hành của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC. Mời bạn đọc đặt câu hỏi trước tại đây.

TTO

Khi nào người dân được đăng ký tiêm vắc xin COVID-19? Khi nào người dân được đăng ký tiêm vắc xin COVID-19?

TTO - Sáng mai 8-3, lần đầu tiên Bộ Y tế triển khai tiêm ngừa COVID-19 diện rộng bằng lô vắc xin 117.600 liều được nhập khẩu về Việt Nam.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên