Tuy nhiên đến quý 2-2023, TP mới hoàn thành đưa vào sử dụng hai dự án với 623 căn, như vậy chắc chắn sẽ không hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Tình hình này cho thấy không chỉ TP.HCM mà Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác cũng sẽ không hoàn thành chỉ tiêu về nhà ở xã hội.
Ở TP.HCM có thể kể ra nhiều nguyên nhân như không còn quỹ đất bố trí cho nhà ở xã hội, một số dự án được phê duyệt nhưng vướng mắc về thủ tục pháp lý chưa gỡ được, bế tắc trong việc giải phóng mặt bằng, 20% đất của dự án nhà ở thương mại dành cho nhà ở xã hội không khai thác được vì có nhiều bất hợp lý, thủ tục nhiêu khê, các nhà đầu tư không mặn mà với loại hình này...
Do đó đã đến lúc cần phải xem lại cách tiếp cận nhà ở xã hội sao cho hợp lý hơn. Trước hết, Chính phủ có tham vọng xây dựng nhà ở xã hội có bao cấp một phần thông qua miễn giảm các loại thuế phí, cho vay ưu đãi nhằm đảm bảo có nhà ở cho công nhân, cán bộ công nhân viên chức, quân nhân lực lượng vũ trang và người lao động.
Số nhân lực này rất lớn cho nên Chính phủ cần có một quỹ nhà ở xã hội cũng vô cùng lớn, không dừng lại ở 1 triệu căn mà sẽ tiếp tục gia tăng mãi theo thời gian và những thách thức vì thế cũng gay gắt hơn.
Chính phủ và chính quyền địa phương không thể đơn phương lo được mà cần sự chia lửa của các nguồn lực xã hội khác.
Mục tiêu của Chính phủ là cố gắng tạo điều kiện cho người lao động có nơi ở, do vậy bất cứ nguồn lực nào có thể cung cấp được chỗ ở hợp pháp thì nên khuyến khích nhằm giảm áp lực lên Nhà nước.
Chung cư mini, hộp ngủ có nhiều bất tiện vì diện tích nhỏ nhưng vừa túi tiền, người lao động chấp nhận và nó rất phổ biến ở nhiều nước.
Vấn đề là làm sao có bộ tiêu chuẩn để cho loại nhà này tồn tại chính danh, đảm bảo an toàn cho người sử dụng và kiểm soát chặt chẽ để không phát sinh tiêu cực.
Tương tự như vậy, nhà cho thuê bình dân hiện nay cũng là loại hình cư trú mà người lao động chấp nhận được. Nếu Nhà nước có sự hỗ trợ tốt về tài chính, hướng dẫn về pháp lý, quy chuẩn thì cũng là nguồn bổ sung vào quỹ nhà rất tốt.
Mặt khác, trong trường hợp nhà ở xã hội nếu có hoàn tất cũng chưa chắc người lao động có thể mua được vì giá tương đối cao, công nhân có thu nhập 10 triệu đồng rất khó với tới trong khi họ lại có thể thuê được, do vậy nhà ở xã hội nên hướng đến cho thuê với giá hợp túi tiền sẽ khả thi hơn.
Mỗi năm TP.HCM có 200.000 - 250.000 người nhập cư, việc cung cấp nhà ở cho họ trở nên vô phương. Nhưng nếu cho thuê, khi không cần sử dụng nữa, họ có thể rời đi bất cứ lúc nào.
Thay vì tạo dựng nhà ở xã hội, Chính phủ nên chuyển sang gọi nó là nhà ở thương mại giá rẻ. Như thế không phải là thay đổi tên gọi mà kéo theo đó là một loạt động thái có lợi khác: nhà đầu tư sẽ tham gia vì họ thấy có lời; thủ tục thẩm định, cấp phép đơn giản hơn nhiều lần so với nhà ở xã hội; thời gian dành cho một dự án ngắn hơn...
Ngoài ra để có thêm quỹ đất làm nhà ở xã hội, cần có những tư duy đột phá hơn. Một trong số đó là chấp thuận đề nghị của Liên đoàn Lao động TP làm nhà ở xã hội bên trong các khu công nghiệp có diện tích rộng và các nhà đầu tư cùng với liên đoàn lao động sẽ tham gia vào việc tạo quỹ nhà cho công nhân, nhưng điều Luật Nhà ở, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư lại không cho phép thực hiện điều này.
Nếu không thay đổi tư duy và cách thức tiếp cận thì mục tiêu nhà ở xã hội sẽ mãi mãi là áp lực đối với Nhà nước và ước mơ xa vời đối với người có thu nhập thấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận