25/10/2023 17:48 GMT+7

TP.HCM sẽ lập doanh nghiệp chuyên biệt để quản lý nhà ở xã hội?

Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc lập doanh nghiệp chuyên biệt để đầu tư, quản lý nhà ở xã hội.

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP chủ trì buổi giám sát - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP chủ trì buổi giám sát - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Sáng 25-10, HĐND TP.HCM tổ chức buổi giám sát việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2025 đối với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế TP.HCM.

21 dự án nhà ở xã hội đưa vào sử dụng từ năm 2016 đến nay

Báo cáo tại buổi giám sát, trưởng phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP Phạm Đăng Hồ cho biết giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn TP có 93 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 256,7ha, quy mô dự kiến khoảng 126.077 căn hộ. 

Trong đó 62 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, 24 dự án được cấp giấy phép xây dựng và 19 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.

Giai đoạn 2021 - 2025 có 91 dự án quy mô dự kiến khoảng 98.685 căn hộ. Trong đó có 49/91 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất là 125,8ha (có 46/49 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn năm 2016 -2020). Riêng từ 2021-2023 có 2 dự án đã được đưa vào sử dụng.

Kết quả phát triển nhà ở xã hội mặc dù chưa thể đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở của các nhóm đối tượng có nhu cầu, nhưng đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của một bộ phận người thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức.

Sở Xây dựng kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng để các địa phương triển khai thực hiện, nhằm cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện.

Nghiên cứu ban hành quy định hướng dẫn xác định, phân bổ và hoàn trả các chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong trường hợp chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quỹ đất ở 20% để xây dựng nhà ở xã hội.

Đặc biệt, Sở Xây dựng còn đề xuất cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc TP.HCM để đầu tư, phát triển, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn. Nghiên cứu xây dựng đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở để tạo suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ chính đối tượng có nhu cầu.

Về việc cấp sổ hồng cho đối tượng được sở hữu nhà ở xã hội, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết giai đoạn từ năm 2016-2023 có 20 dự án có quyết định giao đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội (18 dự án thuộc giai đoạn 2016-2020). 

Tính đến nay có 6 dự án đã và đang được cấp sổ hồng.

Ông Phạm Đăng Hồ - trưởng phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP.HCM - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Ông Phạm Đăng Hồ - trưởng phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP.HCM - Ảnh: CẨM NƯƠNG

"Lòng vòng" cơ chế phối hợp

Báo cáo tại buổi làm việc, theo đại diện Sở Tài chính TP.HCM, sở này được UBND TP giao thống kê tổng hợp số liệu về nguồn tiền thu được từ việc chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%. 

Tuy nhiên đến nay sở vẫn chưa có số liệu để báo cáo, bởi phải chờ thông tin từ Cục Thuế TP, mà Cục Thuế TP lại đang chờ thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường.

Nêu ý kiến về vấn đề trên, Phó trưởng Ban Đô thị Huỳnh Hồng Thanh cho rằng “không thể cứ đẩy qua đẩy lại, để cuối cùng người chịu thiệt thòi là người dân khó khăn”, các sở ngành cần có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Đô thị Nguyễn Thị Thanh Vân cũng cho rằng công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ. Bà Vân đề nghị các đơn vị nghiêm túc chấn chỉnh và nhìn nhận trách nhiệm để thời gian tới phối hợp tốt hơn.

Sở Tài nguyên và Môi trường được giao rà soát nguồn gốc đất đối với 12 dự án đang vướng mắc, trình Ban chỉ đạo 167 để giải quyết, rà soát các khu đất chậm đưa vào sử dụng để tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Số liệu báo cáo các dự án nhập nhằng?

Xem qua báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đại biểu HĐND TP đặt vấn đề nếu giai đoạn 2016-2020 có 93 dự án nhà ở xã hội, 62 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư. Giai đoạn 2021-2025 xác định 49/91 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 46/49 dự án là chuyển tiếp giai đoạn trước.

Vậy con số 31 dự án giai đoạn trước, 42 dự án giai đoạn sau chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư nằm ở đâu? Giải pháp sắp tới của sở này thế nào?

Lý giải sự chênh lệch các con số, đại diện Sở Xây dựng cho biết đó là số liệu đánh giá theo yêu cầu của từng giai đoạn, bởi từng giai đoạn giám sát có những yêu cầu khác nhau theo các thủ tục đầu tư khác nhau.

Có nghĩa sự giám sát được thực hiện theo từng giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025, nhưng không có nghĩa 2016 mới bắt đầu làm dự án nhà ở xã hội.

Gói 120.000 tỉ đồng làm nhà ở xã hội, mới giải ngân 83 tỉ đồngGói 120.000 tỉ đồng làm nhà ở xã hội, mới giải ngân 83 tỉ đồng

Thủ tướng đã yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội và thúc giải ngân gói 120.000 tỉ đồng, thực tế triển khai các chính sách này ra sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên