Lần đầu tiên mẹ con A Lếnh được thưởng thức hương vị thơm ngon từ cây xúc xích lành ngon, đầy dinh dưỡng - Ảnh: NGỌC QUANG
Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2019 - 2020, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) còn 14,8% (năm 2010 tỉ lệ này là 23,4%). Kết quả này cho thấy vấn đề suy dinh dưỡng vẫn còn tồn tại dai dẳng, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng cao.
Có đến những vùng ấy, chạm tay vào những đôi vai gầy, lòng bạn ắt sẽ quặn lên nỗi xót xa.
Vì vậy, nhân dịp đầu năm mới, chương trình "Tết dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao" do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam đồng hành đã mang 143.400 gói xúc xích, tương đương gần 21 tấn trao tặng trẻ em khó khăn tại 5 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Quảng Ngãi, Gia Lai và Đắk Lắk.
Tấm lòng thơm thảo của A Lếnh
Nằm cách Trường PTDT bán trú Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) chưa đầy 2km, căn nhà sàn trống huơ trống hoác là nơi che nắng che mưa của ba mẹ con Vừ A Lếnh. Bố Lếnh mất sớm, mẹ quần quật lên nương lên rẫy cũng không đủ ăn đủ mặc cho hai đứa trẻ. Lên 10 tuổi, dáng người A Lếnh nhỏ thó chẳng khác gì đứa trẻ lớp 1.
"Ở nhà không có ăn đầy đủ đâu, 3 mẹ con chỉ ăn cơm, ăn rau, không có thịt, thỉnh thoảng mới có thôi" - chị Vàng Thị Máy, mẹ của Lếnh, kể.
A Lếnh rất thích được đến trường, bởi chỉ có đến trường cậu mới được "no cái bụng". No cái bụng rồi, Lếnh an tâm học tập, thầy cô ở trường khen cậu bé học rất giỏi. Hỏi Lếnh về những quà vặt, cậu bé người Mông lắc đầu nói "không có tiền ăn đâu". Vì vậy, khi nhận được túi quà 3kg xúc xích, A Lếnh xin phép thầy cô rồi hí hửng nhảy chân sáo về lại căn nhà sàn.
"Lần đầu tiên em được ăn xúc xích, rất là ngon. Em mang về cho mẹ, cho em của em ăn và cho mình ăn nữa" - Lếnh hồn nhiên nói.
Ngồi bên cạnh mẹ, cậu học trò ngoan ngoãn bóc ngay túi xúc xích cho hai mẹ con cùng thưởng thức. Đó là lần đầu tiên mẹ con A Lếnh được thưởng thức hương vị thơm ngon từ cây xúc xích lành ngon, đầy dinh dưỡng.
Chỉ tính riêng ở huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) đã có 7,5 tấn xúc xích được trao tặng cho 2.500 em học sinh. Thầy Nguyễn Khắc Thiện, phó trưởng Phòng giáo dục huyện Mường Chà, cho biết năm học 2021 - 2022 toàn huyện có hơn 19.000 em học sinh, trong đó hầu hết là con em đồng bào dân tộc Mông, Thái, Kháng, Khơ-mú, điều kiện hoàn cảnh gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn.
"Dịp xuân mới, học sinh huyện Mường Chà vui mừng đón tấm lòng vàng, tình cảm đặc biệt, sự quan tâm kịp thời và ý nghĩa từ báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam trao tặng món quà thiết thực.
Món quà quý giá này không những giúp các em học sinh giảm bớt khó khăn, an tâm học tập mà còn tạo ra không khí học tập sôi nổi cho học sinh toàn trường, khơi dậy cho các em học sinh lòng yêu thương con người, bạn bè, nhân rộng hơn nữa những tấm gương tiêu biểu, vượt khó vươn lên trong học tập và trong cuộc sống" - thầy Thiện xúc động nói.
Một cháu bé rất vui khi nhận được quà, nụ cười đã nói lên tất cả - Ảnh: TRẦN MAI
Hạnh phúc của người gieo chữ trên non
Tết cận kề, những trận mưa rừng vẫn trút liên tục, cái ăn cái mặc chưa bao giờ dễ dàng với bà con người Cor ở vùng núi cao Quảng Ngãi. Thầy Lê Minh Cảnh, hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS số 2 Hương Trà, tâm sự rằng bữa ăn ngon nhất của các em không phải ở nhà mà là ở trường.
"Các thầy cô cố gắng để các em đủ đầy nhất nhưng cũng chỉ cơ bản đủ chất, còn ăn ngon thì quá xa vời" - thầy Cảnh chia sẻ.
Càng thấu hiểu hơn về những khó khăn ở non cao miền Trung khi chuyến xe chở theo món quà xúc xích kẹt lại ở đèo Eo Chim vì sạt lở, thầy cô phải ra tận điểm sạt lở để trung chuyển hàng vào trường.
Buổi trao quà dưới cơn mưa buốt lạnh không làm vơi đi sự ấm áp trong lòng người. Chung hoàn cảnh thiếu thốn nên ngay khi nhận quà, hàng trăm em nhỏ ở trường háo hức bóc từng gói xúc xích và thưởng thức vị thơm ngon tỏa ra từ xúc xích.
Vừa ăn, em Hồ Thị Mỹ Lai (lớp 6 Trường PTDT bán trú THCS Hương Trà) vừa tấm tắc khen ngon quá. Cô bé người Cor không quên nói rằng sẽ mang về chia cho em và bạn bè trong làng cùng ăn vì rất nhiều em nhỏ đồng bào Cor chưa bao giờ được thưởng thức hương vị lành ngon từ những gói xúc xích này.
Ông Đỗ Đình Phương, phó chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, nhìn các em nhỏ nâng niu từng phần quà vừa nhận mà nghĩ về cuộc sống của người dân ở huyện. Đến nay, việc xóa đói giảm nghèo vẫn là mục tiêu trong những năm tới của huyện.
Mặc dù Nhà nước đã đưa chính sách xuống từng thôn bản, hỗ trợ rất nhiều nhưng đời sống bà con dân tộc vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng sống cho trẻ em.
"Hôm nay báo Tuổi Trẻ đồng hành cùng với Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam có những món quà hết sức ý nghĩa đến với các em, là niềm vui to lớn đối với các em học sinh vùng cao, tạo điều kiện cho các em học tập tốt hơn. Mong rằng trong thời gian tới, các nhà hảo tâm, các cơ quan tổ chức tiếp tục có sự đồng hành, hỗ trợ để cùng với huyện chăm lo cuộc sống cho các em học sinh ở vùng khó khăn" - ông Phương mong muốn.
Mưa vẫn tiếp tục đổ xuống, cái rét cô đặc trên những sườn đồi, những người trao gửi yêu thương chia tay mái trường lẩn khuất dưới núi. Vọng từ nhà bán trú là tiếng nói cười của học sinh. Lâu lắm rồi những đứa trẻ trên non mới có bữa ăn ngon như vậy!
Chăm lo trẻ em là trách nhiệm...
Ông Vũ Bá Tuấn trao tặng 15 tấn xúc xích cho các em nhỏ ở vùng núi cao Tây Bắc - Ảnh: NGỌC QUANG
Với vai trò đi đầu trong ngành nông nghiệp xanh, sản xuất thực phẩm sạch tại Việt Nam, ông Vũ Bá Tuấn - trưởng phòng cấp cao marketing và truyền thông khu vực miền Bắc và miền Trung, Greenfeed Việt Nam - cho biết việc quan tâm các vấn đề cộng đồng, xã hội, đặc biệt chăm lo cho trẻ em, không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của tập đoàn luôn hướng đến.
Đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ, Greenfeed Việt Nam mong muốn mang đến những phần quà xúc xích ngon lành, đầy đinh dưỡng để chăm lo tốt nhất cho các em học sinh vùng cao.
"Hy vọng những món quà ý nghĩa, thiết thực được trao tặng sẽ mang đến cho các em những niềm vui nho nhỏ trong không khí Tết Nhâm Dần 2022 cận kề" - ông Tuấn chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận