Tăng mức giảm trừ gia cảnh, cần làm ngay

Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay được duy trì từ năm 2020 và trong năm năm qua rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng giá, thậm chí có những hàng hóa còn tăng nhanh hơn thu nhập của người dân.

Tăng mức giảm trừ gia cảnh, cần làm ngay - Ảnh 1.

Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay được duy trì từ năm 2020 và trong năm năm qua rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng giá - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thêm vào đó, thu nhập trung bình của người dân trong năm năm qua cũng tăng. Từ 1-7-2024, mức lương cơ sở tăng 30% và lương tối thiểu vùng cũng tăng qua các năm.

Suốt thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, cử tri đã lên tiếng đề nghị phải sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với thực tiễn. Đây là yêu cầu cấp thiết, cần thực hiện ngay.

Trong đó phải hài hòa để vừa đảm bảo phù hợp lợi ích của người nộp thuế vừa phải đảm bảo ổn định số huy động vào ngân sách, ổn định số thu.

Đồng thời cần tính toán cả yếu tố trượt giá và tăng trưởng kinh tế để người dân được thụ hưởng lợi ích từ kết quả tăng trưởng.

Hiện Bộ Tài chính đưa ra hai phương án và đề xuất áp dụng mức giảm trừ gia cảnh từ kỳ tính thuế 2026.

Qua theo dõi, phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc lên 6,2 triệu đồng/tháng là tương đối phù hợp, gần thực tiễn hơn.

Tuy nhiên về thời gian áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới này, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu thêm cho thấu đáo. 

Bởi nếu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua phải còn vài tháng mới đến kỳ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2025.

Vì thế nên áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2025 chứ không nên áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026.

Việc áp dụng ngay sẽ thể hiện sự lắng nghe, kịp thời động viên, tạo động lực thúc đẩy người nộp thuế và bù đắp thiệt thòi trước đây.

Cần thấy việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới này chỉ là tạm thời. Bởi Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế. Sau khi sửa luật, khi tính toán mức giảm trừ gia cảnh cần có quy định phù hợp hơn.

Thực tế về mặt nguyên tắc, thuế thu nhập cá nhân không chỉ là công cụ nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách, mà còn là cách Nhà nước điều tiết thu nhập theo hướng công bằng. Để công bằng phải thu đúng.

Hiện mức sống ở các vùng miền ở Việt Nam hay ở các đô thị so với các vùng nông thôn là khác nhau. Việc để một mức quy định giảm trừ gia cảnh dùng chung chưa thực sự phù hợp.

Do vậy, khi tính toán mức giảm trừ gia cảnh nên quy định phù hợp theo vùng, miền và có thể căn cứ vào lương tối thiểu vùng để quy định mức phù hợp.

Đồng thời cho phép khấu trừ các chi phí thiết yếu trong đời sống của người dân, nhất là chi phí cho y tế và giáo dục, lãi vay mua nhà...

Như vậy người lao động ở khu vực có chi phí sinh hoạt cao có thể được giảm trừ thuế thu nhập nhiều hơn. Khi đó chính sách thuế sẽ tiệm cận hơn với thực tế cuộc sống và giảm gánh nặng không đáng có cho người dân.

Tăng mức giảm trừ gia cảnh, cần làm ngay - Ảnh 2.Dự kiến tháng 10 có nghị quyết nâng mức giảm trừ gia cảnh

Dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, tại phiên họp diễn ra vào tháng 10 tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên