07/05/2023 09:14 GMT+7

Tại sao người ăn ít vẫn tăng cân, ăn nhiều chẳng mập?

Nhiều người ăn ít, giảm tối đa tinh bột, chất béo vào cơ thể nhưng vẫn tăng cân. Thế nhưng ngược lại, nhiều người dù ăn rất nhiều, ăn uống thoải mái lại không thể tăng cân được.

Nhiều người ăn ít nhưng vẫn tăng cân - Ảnh minh họa

Nhiều người ăn ít nhưng vẫn tăng cân - Ảnh minh họa

Lý giải về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - trưởng khoa phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho hay sự khác nhau trong cân nặng của mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, cơ địa, lối sống và chế độ ăn uống.

- Do yếu tố di truyền: Một số người có cơ địa chuyển hóa thức ăn thành năng lượng nhanh chóng và khó tích trữ dưới dạng mỡ. Trong khi đó, một số người lại có cơ địa chuyển hóa thức ăn thành năng lượng chậm hơn và dễ dàng tích trữ mỡ.

Bên cạnh đó, một số người có khối lượng cơ lớn hơn, do đó cần nhiều năng lượng để duy trì hoạt động của khối cơ hằng ngày. Vì vậy, những người này có thể ăn nhiều nhưng dễ dàng tiêu thụ nhiều calo hơn nên sẽ khó tăng cân.

- Do hoạt động thể chất khác nhau: Mức độ hoạt động thể chất của mỗi người khác nhau, do đó sẽ ảnh hưởng đến số calo tiêu hao hằng ngày.

Nếu một người không tập thể dục hoặc ít vận động, cơ thể của họ sẽ không tiêu thụ năng lượng. Còn với người tập thể dục thường xuyên sẽ tiêu hao năng lượng nhiều hơn. Do đó, những người ít hoạt động thể chất cần giảm lượng calo để duy trì cân nặng.

- Do tốc độ trao đổi chất cơ bản: Đây là mức độ calo mà cơ thể bạn tiêu thụ để duy trì các chức năng cơ bản như hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa và duy trì nhiệt độ cơ thể.

Nếu cơ thể có tốc độ trao đổi chất cơ bản nhanh hơn, sẽ đốt cháy calo nhiều hơn và dễ giảm cân hơn. Ngược lại, nếu bạn có tốc độ trao đổi chất chậm, đốt cháy calo ít hơn và dễ tăng cân.

- Do chế độ ăn uống: Một chế độ ăn uống không cân đối hoặc ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo và đường có thể dẫn đến tăng cân.

Dù bạn ăn ít nhưng thành phần dinh dưỡng trong chế độ ăn lại quá giàu chất béo, lượng calo lớn sẽ khiến cơ thể chuyển thành lượng mỡ dự trữ, dẫn đến tăng cân. 

Hoặc do bạn ăn rất nhiều nhưng chế độ ăn uống  không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho quá trình vận động, bạn có thể luôn cảm thấy đói và nhu cầu ăn. Điều này dẫn đến việc bạn ăn nhiều nhưng khó có thể lên cân như mong muốn.

- Do tình trạng sức khỏe: Một số vấn đề sức khỏe như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa và tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến tốc độ chuyển hóa của cơ thể và làm tăng nguy cơ tăng cân.

"Vì vậy, nếu bạn cảm thấy mình ăn ít nhưng vẫn mập hoặc ăn nhiều mà vẫn không tăng cân thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để tìm hiểu về cơ địa và lối sống của mình. Từ đó đưa ra chế độ ăn uống và lối sống phù hợp để duy trì cân nặng và sức khỏe tốt", bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư suckhoe@tuoitre.com.vn (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.
Giảm cân ở người lớn tuổi không phải lúc nào cũng tốtGiảm cân ở người lớn tuổi không phải lúc nào cũng tốt

Nhiều người có thể vui mừng về việc giảm cân, tuy nhiên việc giảm cân không phải lúc nào cũng tốt cho sức khỏe.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên