19/03/2020 08:27 GMT+7

Sân bay vắng khách, du lịch 'ngủ đông'

NHƯ BÌNH - CÔNG TRUNG -  TUẤN PHÙNG - TRƯỜNG TRUNG
NHƯ BÌNH - CÔNG TRUNG - TUẤN PHÙNG - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Từ hôm qua 18-3, Việt Nam ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài trong một tháng để kiểm soát dịch COVID-19. Thiệt hại nặng nhất là ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch gần như “đóng băng”.

Sân bay vắng khách, du lịch ngủ đông - Ảnh 1.

Quầy làm thủ tục tại sân bay Nội Bài ngày 18-3 - Ảnh: NAM TRẦN

Dù gặp không ít khó khăn nhưng các đơn vị hoạt động trong ngành du lịch cho biết họ hoàn toàn thông cảm với Chính phủ khi triển khai những biện pháp phòng chống dịch và chuẩn bị các phương án để sau kỳ "ngủ đông" tìm cách trở lại.

Lác đác taxi nằm chờ khách

Thông tin từ nhà chức trách hàng không, ngày 18-3 có 318 chuyến bay quốc tế cất hạ cánh ở các sân bay tại Việt Nam với 1.095 hành khách từ châu Âu về Việt Nam. Trong đó có 999 người Việt Nam, 96 người nước ngoài (không có khách nào đến từ khu vực Schengen và Anh).

Chủ yếu hành khách trên các chuyến bay là người Việt có quốc tịch các nước châu Âu về Việt Nam để "trốn dịch".

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết những ngày trước số người từ châu Âu trở về Việt Nam tăng nhanh. Ngày 15-3, sân bay Nội Bài đón gần 1.000 người trở về từ các nước là vùng dịch, trong đó có đến 770 khách là người Việt trở về nước.

Ngày 18-3, lượng người Việt từ các nước châu Âu trở về nước cũng chiếm phần đông, hầu hết là người Việt ở các nước đổ về, còn người nước ngoài vắng hẳn.

Tại sân bay Đà Nẵng, bãi xe taxi tại đây bình thường có tới hàng ngàn xe chực chờ được vào bãi đỗ thì nay vắng lặng. Tại các bãi đậu xe khu vực nhà ga quốc tế chỉ lác đác vài xe nằm chờ khách.

Chỉ tính riêng nhà ga quốc tế mỗi ngày có hơn 160 chuyến bay đến và đi nhưng trong ngày 18-3 chỉ còn chưa tới 30 chuyến, chủ yếu là những chuyến đã được đưa lên lịch trình và cấp visa cho du khách từ trước.

Anh Nguyễn Văn Ba, tài xế một hãng taxi, cho biết số lượng chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng sụt giảm nghiêm trọng khiến nhiều tài xế không còn "mặn mà" khi xếp hàng vào sân bay. "Nay hầu như không có khách quốc tế, may ra có khách Việt", anh Ba nói.

Thu xếp cho du khách về nước

Trao đổi thêm về việc ngừng cấp visa cho người nước ngoài, ông Trần Xuân Hùng, chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Viking, cho biết trong ngày 17-3 doanh nghiệp có đoàn khách MICE (du lịch kết hợp hội họp) gồm 35 người từ Indonesia đến Việt Nam.

Tuy nhiên, ngay khi nghe có lệnh Việt Nam sẽ ngưng cấp thị thực cho người nước ngoài đến Việt Nam, đồng thời khách từ khu vực ASEAN sẽ bị cách ly 14 ngày, ông đã thông báo với đối tác hủy tour.

"Đây là những du khách đến từ nhiều địa phương khác nhau ở Indonesia, họ tập trung về Jakarta trước một ngày, háo hức cho chuyến du lịch đến Việt Nam, thế nhưng mọi thứ phải hủy. Phải tuân thủ việc chống dịch trước thôi", ông Hùng nói.

Ông Trần Ngọc Toản, giám đốc Công ty Images Travel, cũng cho biết hiện doanh nghiệp còn "mắc kẹt" 285 khách Âu đang du lịch ở Việt Nam và đang cố gắng sắp xếp để đưa các đoàn khách này về nước.

Những ngày qua là những ngày rối bời của doanh nghiệp vì việc tổ chức tour cho hàng trăm khách Âu liên tục bị thay đổi và có cả việc bị từ chối phục vụ của người dân địa phương.

"Du khách vẫn rất thích thú du lịch ở Việt Nam nhưng chuyến đi của họ đã thay đổi rất nhiều. Trong tối 18-3 sẽ có 42 khách được về nước, số còn lại chúng tôi vẫn đang sắp xếp khách sạn, tìm nơi lưu trú trong thời gian đợi các chuyến bay đưa khách về", ông Toản nói.

Tương tự, bà Trần Bảo Thu, giám đốc tiếp thị và truyền thông của Lữ hành Fiditour, chia sẻ doanh nghiệp còn một đoàn 80 khách Ba Lan đang du lịch ở các tỉnh phía Bắc.Do thay đổi quy định của Chính phủ Việt Nam trong phòng chống dịch, lịch trình của khách cũng thay đổi đáng kể.

"Chúng tôi đã liên hệ với đối tác và sẽ có chuyến bay thuê bao đưa khách về nước trong ngày 19-3", bà Bảo Thu cho biết.

Sân bay vắng khách, du lịch ngủ đông - Ảnh 2.

Nhân viên của các cửa hàng trong sân bay Đà Nẵng thảnh thơi vì vắng khách - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Chờ dịch đi qua

Các đơn vị hoạt động trong ngành du lịch gặp ít nhiều khó khăn khi tạm dừng cấp thị thực cho du khách nước ngoài đến Việt Nam. Các doanh nghiệp cho biết đang cố gắng đàm phán với các nhà cung cấp để giảm thiểu thiệt hại, đồng thời tìm cách thích nghi với hoàn cảnh mới.

Ông Trần Thế Dũng, phó tổng giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, cho hay: "Trong những ngày này nhân viên vẫn thực hiện kế hoạch bán tour cho tháng 6, tháng 7, thời điểm chúng tôi hi vọng dịch sẽ được kiểm soát và đi qua.

Nhân viên vẫn trả lời các câu hỏi của khách hàng mỗi ngày. Chúng tôi vẫn tư vấn cho khách, đợi khi dịch bệnh được kiểm soát sớm, du lịch sẽ có cơ hội phục hồi".

Chia sẻ thêm về tình hình hiện nay, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng cho rằng ưu tiên hàng đầu vẫn là chống dịch.

Việc tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài đến Việt Nam được du khách quốc tế xem như du lịch Việt Nam sẽ "ngủ đông" một tháng. Và các hoạt động chuẩn bị cho thị trường du lịch trở lại vẫn đang được các đơn vị ráo riết chuẩn bị.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất các gói hỗ trợ doanh nghiệp du lịch thời gian này. Nếu dịch đi qua, tình hình ổn hơn thì thị trường du lịch sẽ bật dậy. Chắc chắn du lịch Việt Nam phải có chiến thuật mới", đại diện Tổng cục Du lịch chia sẻ.

Sân bay vắng khách, du lịch ngủ đông - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Du lịch ĐBSCL chờ dịch bệnh qua đi để kích cầu

Ông Vưu Chấn Hùng, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho biết tính đến ngày 18-3, lượng khách du lịch đến ĐBSCL đã giảm trên 80%. Riêng lượng khách quốc tế hiện nay dường như "vắng bóng".

Hiện tại các điểm đến, vui chơi ở nhiều tỉnh trong vùng đã ngưng hoạt động. Trong khi đó các khách sạn, cơ sở lưu trú dường như không có khách và phải tính tới chuyện cho nhân viên nghỉ, giảm tần suất hoạt động hoặc thậm chí đóng cửa.

Theo ông Hùng, trước tình hình hiện tại, hiệp hội vẫn chưa có giải pháp gì mới hơn, trước mắt sẽ tiếp tục các chương trình kích cầu du lịch mà hiệp hội đã có kế hoạch trước đó (thời điểm ở Việt Nam mới có 16 ca nhiễm COVID-19 và một thời gian dài không có ca nhiễm mới) khi tình hình dịch bệnh qua đi.

Hiện ở ĐBSCL đã có 30 đơn vị trong ngành du lịch đăng ký chương trình kích cầu mà Hiệp hội Du lịch ĐBSCL ký kết với Hiệp hội Du lịch TP.HCM trước đây. Chương trình này chủ yếu thực hiện bằng việc giảm giá sản phẩm, tăng chất lượng dịch vụ.

"Các đơn vị đã đăng ký hết rồi và sẵn sàng thực hiện, nhưng nguồn khách như hiện nay thì rất khó. Chắc phải chờ tới hết tháng 3 coi tình hình dịch bệnh thế nào, Chính phủ có chủ trương gì mới không thì mới tính tiếp" - ông Hùng nói.

CHÍ QUỐC

Người nước ngoài ở Việt Nam và nỗi lo visa

Sự thay đổi về chính sách visa và nhập cảnh gần đây của Việt Nam để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 cũng đã tác động đến những người nước ngoài đang ở Việt Nam với visa du lịch hoặc sắp hết hạn visa.

Anh Kmarine Anglico cho biết anh mới đổi visa DN, dành cho người nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp tại Việt Nam, vào tháng 1-2020 thời hạn một năm nên không lo lắng.

Tuy nhiên, Anglico biết có nhiều người khác hiện rất lo về tình hình thay đổi trong chính sách visa do chưa có kênh thông tin chuẩn xác hoặc do tình huống đặc biệt của họ, đặc biệt là người nước ngoài đến Việt Nam bằng visa du lịch.

Bởi nay họ chưa biết phải làm cách nào, họ cần phải gia hạn hay phải xuất cảnh sang các nước lân cận rồi nhập cảnh trở lại.

Trong khi đó, hiện các nước khác như Singapore, Malaysia đã cấm nhập cảnh toàn bộ hoặc đòi hỏi nhiều thủ tục hơn và yêu cầu cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh.

Do đó, nếu những trường hợp trên xuất cảnh rồi nhập cảnh trở lại là việc hết sức phức tạp, tốn kém, khó khăn, thậm chí chưa chắc được nhập cảnh vào Việt Nam khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Anh Jose Tuset, người Pháp, cho biết hiện mình đang bị kẹt ở Tây Ban Nha. Anh có thẻ thường trú tại Việt Nam nhưng với tình hình cấm nhập cảnh với người nước ngoài hiện nay, anh không rõ liệu mình có thể nhập cảnh vào Việt Nam hay không.

Còn chị Jonah Del Oalsinatse, người Philippines, cho biết chị có visa du lịch vào Việt Nam loại DL nhưng sẽ hết hạn vào tháng 4-2020. Và hiện nay chị Jonah Del Oalsinatse cho rằng mình chỉ biết... cầu nguyện để dịch COVID-19 mau qua, từ đó các chính sách về visa trở lại bình thường.

HỒNG VÂN

Sân bay khắp thế giới vắng hoe vì dịch bệnh COVID-19 Sân bay khắp thế giới vắng hoe vì dịch bệnh COVID-19

TTO - Dịch bệnh COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trên thế giới mà còn gây thiệt hại nặng về mặt du lịch. Bằng chứng dễ thấy nhất là những hình ảnh đìu hiu của các sân bay trên thế giới.

NHƯ BÌNH - CÔNG TRUNG - TUẤN PHÙNG - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên