Ngày 20-11, luật sư Phan Trung Hoài - phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - cho biết liên đoàn đã có công văn gửi Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan để phản ánh về tình trạng mạo danh luật sư để lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội.
Mạo danh luật sư để lừa đảo
Theo đó, thời gian gần đây Liên đoàn Luật sư Việt Nam liên tiếp nhận được nhiều đơn thư phản ánh tình trạng một số đối tượng đã mạo danh luật sư, tổ chức hành nghề luật trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, website... để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân và các tổ chức.
Các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để lừa đảo người dân, sử dụng các tài khoản giả mạo để chạy quảng cáo, giới thiệu dịch vụ pháp lý của công ty luật liên quan tới việc hỗ trợ lấy lại tiền bị treo trên các nền tảng mạng xã hội, đầu tư chứng khoán để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều người.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng số lượng vụ việc mạo danh luật sư, tổ chức hành nghề luật sư để lừa đảo trên các trang mạng xã hội đang có dấu hiệu gia tăng, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín và hình ảnh của đội ngũ luật sư.
Các hành vi của các đối tượng nêu trên là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Do đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có các biện pháp quản lý, ngăn chặn các thông tin giả mạo, sai sự thật được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội và thông tin, cảnh báo rộng rãi tới người dân để biết phòng tránh.
Đồng thời đề nghị Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an có các biện pháp xác minh, làm rõ, xử lý hành vi vi phạm của các đối tượng mạo danh luật sư, tổ chức hành nghề luật sư để lừa đảo.
Nhắm vào những người đã bị lừa đảo
Liên quan tình trạng trên, mới đây Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.HCM cũng có cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mạo danh luật sư, "cam kết lấy lại tiền".
Cụ thể, các đối tượng lập ra các fanpage và hội nhóm để thu hút những nạn nhân bị lừa đảo tham gia.
Kẻ gian sẽ tự xưng là luật sư, chuyên gia và cam kết hỗ trợ lấy lại tiền cho những người đã bị lừa trước đó.
Sau khi có được niềm tin từ nạn nhân, nhóm lừa đảo sẽ yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, tình trạng và số tiền bị lừa.
Nhóm này cũng tự nhận là sở hữu hệ thống chuyên biệt, có khả năng truy quét được toàn bộ dữ liệu của tất cả nền tảng lừa đảo.
Sau đó nhóm lừa đảo sẽ làm giả hình ảnh với thông tin bao gồm họ tên của nạn nhân, số tiền bị lừa và thông tin ngân hàng. Trên thực tế, đây đều là những thông tin mà kẻ gian đã hỏi được từ nạn nhân trước đó.
Nạn nhân sẽ được yêu cầu chuyển khoản thêm từ 2 - 5 triệu đồng vào "hệ thống" với lý do "cần xác minh thông tin ngân hàng". Nếu làm theo yêu cầu, nạn nhân sẽ tiếp tục rơi vào bẫy và bị chiếm đoạt tài sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận