Đây là một trong những điểm nhấn cho chuyến đi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Anh cũng như Đức và Pháp trong tuần này.
Phá vỡ "điều cấm kỵ"
Cũng như các nước ủng hộ Ukraine khác ở phương Tây, Anh là nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu cho Ukraine trong cuộc giao tranh với Nga.
Tuy nhiên, lâu nay phương Tây hạn chế đưa vũ khí tầm xa tới Ukraine do lo ngại việc này sẽ giúp Ukraine đủ sức tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Và trong trường hợp như vậy, xung đột sẽ leo thang mất kiểm soát.
Nhưng nay đã khác. Anh đang thực sự đi đầu trong việc phá bỏ một số giới hạn trong việc ủng hộ Ukraine.
Vào tháng 1, Anh là quốc gia đầu tiên đưa xe tăng chiến đấu tới Ukraine trong lúc các đồng minh còn lưỡng lự.
Hồi tuần trước, London cũng công bố việc gửi hệ thống tên lửa không đối đất Storm Shadow cho Ukraine. Đây là tên lửa có tầm bắn xa hơn so với các hệ thống vũ khí tương tự Ukraine nhận được từ các nước phương Tây lâu nay.
Động thái của Anh tiếp tục cho thấy lập trường ủng hộ của châu Âu dành cho Ukraine. Trước đó, ông Zelensky đã thành công trong mục tiêu tìm kiếm thêm sự hỗ trợ quân sự từ khu vực này với cam kết về xe tăng và xe bọc thép từ Đức và Pháp.
Ông Oleksandr Musiyenko, một nhà phân tích quân sự ở Kiev, nhận định sự hỗ trợ của phương Tây lần này khá quan trọng, cùng với nhu cầu thường xuyên cung cấp đạn dược cho Ukraine trong bối cảnh Kiev cần nguồn lực cho cuộc phản công quy mô lớn hiện nay.
"Cuộc phản công lần này là quá trình tiêu tốn rất nhiều đạn dược. Quan trọng là sự hỗ trợ sẽ không dừng lại. Bước tiếp theo sẽ là máy bay", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Musiyenko.
Tại London, Thủ tướng Anh Sunak cũng thảo luận về yêu cầu cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine. Anh sẽ bắt đầu huấn luyện phi công Ukraine trong mùa hè này và phối hợp với các nước khác trong việc cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine.
Không giới hạn
Trong động thái phản ứng ngày 15-5, Bộ Quốc phòng Nga lần đầu tiên tiết lộ đã bắn hạ một tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh gửi Ukraine. Matxcơva phản đối động thái của London nhưng khẳng định việc cung cấp tên lửa tầm bắn xa hơn cho Ukraine sẽ không làm thay đổi cục diện.
Tuy nhiên, tuyên bố về việc gửi vũ khí tầm xa cho Ukraine lần này có thể mang ý nghĩa khác. Trên thực tế, việc Anh gửi vũ khí tầm xa hay cụ thể tiềm năng về cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine đã được xem là "vấn đề thời gian" chứ không phải "có hay không". Điều này được báo chí quốc tế phân tích từ chuyến đi lần trước của tổng thống Ukraine tới Anh hồi tháng 2.
Vừa qua, Anh nhấn mạnh "không có kế hoạch" gửi chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine. Tuy nhiên, một người phát ngôn của Thủ tướng Sunak giải thích: "Người Ukraine quyết định huấn luyện phi công lái F-16 và các bạn hiểu rằng Không quân Hoàng gia Anh không sử dụng loại này".
Câu nói trên có thể được hiểu rằng Anh, cũng như Pháp và Hà Lan, đều cởi mở hơn với việc gửi chiến đấu cơ cho Ukraine so với Đức và Mỹ. Và với động thái này, người Anh muốn gửi thông điệp về việc cả những "điều cấm kỵ" cũng có thể thay đổi.
Nói cách khác, lập trường của các nước phương Tây hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian, và Nga càng kiên quyết thì phương Tây càng sẵn lòng phá vỡ giới hạn.
Lấy ví dụ sau khi Anh phá "điều cấm kỵ" về xe tăng, Mỹ và Đức đã chấp nhận gửi loại vũ khí này cho Ukraine. Nói như ông Greg Bagwell, cựu chỉ huy cấp cao của Không quân Hoàng gia Anh, "điều không thể đang trở thành có thể khi nói tới việc ủng hộ Ukraine".
Vừa qua, Thủ tướng Sunak cũng khẳng định: "Anh sẽ giữ lập trường ủng hộ Ukraine và người dân nước này trong việc bảo vệ bản thân... Điều quan trọng là Điện Kremlin cũng hiểu rằng chúng tôi không bỏ đi đâu cả. Chúng tôi đang ở đây trong dài hạn".
2,3 tỉ bảng
Hiện nay Vương quốc Anh là nước cung cấp hỗ trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ. London đã hỗ trợ 2,3 tỉ bảng (2,9 tỉ USD) cho Ukraine trong năm ngoái, và đang cam kết giá trị tài chính tương tự trong năm 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận