22/03/2022 17:47 GMT+7

Đây là thời điểm sống còn của ngành du lịch và hàng không

TIẾN THẮNG
TIẾN THẮNG

TTO - Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - tại hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch: Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn được tổ chức tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chiều 22-3.

Đây là thời điểm sống còn của ngành du lịch và hàng không - Ảnh 1.

Hơn 200 đại biểu bộ ngành, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế tham dự hội nghị "Phát động mở lại hoạt động du lịch: Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn" - Ảnh: TIẾN THẮNG

Chiều 22-3, hơn 200 đại biểu đến từ các doanh nghiệp du lịch, bộ ngành và tỉnh Quảng Ninh tham dự hội nghị "Phát động mở lại hoạt động du lịch: Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn" được tổ chức tại TP Hạ Long.

Thiếu quyết đoán trong mở cửa du lịch

Mở đầu hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch Việt Nam, ông Hoàng Đạo Cương - thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch - nhấn mạnh đây là sự kiện ý nghĩa nhằm hưởng ứng chủ trương mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, khẳng định sự quyết tâm mở cửa mạnh mẽ các hoạt động du lịch để khôi phục vị thế của ngành sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Sau khi lãnh đạo Tổng cục Du lịch công bố phương án mở cửa hoạt động du lịch, các đại biểu đến từ bộ ngành trung ương, địa phương và chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, đóng góp những ý kiến để việc mở cửa trở lại đạt hiệu quả cao nhất.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, du lịch và hàng không là hai ngành chịu tổn thất nặng nề nhất trong hơn 2 năm vừa qua do COVID-19. Việt Nam dù là một trong những quốc gia tiêm vắc xin giỏi nhất và trở thành đất nước an toàn nhất nhưng bản thân chúng ta vẫn mang tâm lý rụt rè, thiếu quyết đoán trong việc mở cửa.

"Bộ Văn hóa, thể thao & du lịch cùng các cơ quan liên quan cần có lộ trình rõ ràng, chủ động hơn để tuyên bố với thế giới rằng Việt Nam chúng ta hiện nay là điểm đến an toàn. Chúng ta cần tận dụng được thời cơ, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, bởi thời điểm này không chỉ là thời điểm vàng mà còn là thời điểm "sống còn" của ngành du lịch, hàng không,..." - ông Thiên nêu.

Đây là thời điểm sống còn của ngành du lịch và hàng không - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng việc mở cửa du lịch còn rụt rè, thiếu quyết đoán từ cơ quan quản lý nhà nước - Ảnh: TIẾN THẮNG

Ông Thiên cho rằng ngay ở chính sách miễn thị thực cũng cần phải mở rộng nhiều hơn nữa, chứ không chỉ giới hạn ở một số quốc gia bởi đây chính là cơ hội khẳng định với bạn bè quốc tế rằng chúng ta mong muốn mở cửa sâu rộng, sẵn sàng chào đón các du khách, đối tác từ nhiều quốc gia trên thế giới đến với Việt Nam.

Chia sẻ ý kiến trong phần tọa đàm, bà Nguyễn Minh Hằng - trợ lý bộ trưởng, vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Bộ Ngoại giao - khẳng định Bộ Ngoại giao đã và đang hỗ trợ quảng bá, truyền thông du lịch Việt Nam ra nước ngoài và hỗ trợ kết nối du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.

Theo bà Hằng, việc mở cửa du lịch của Việt Nam có một số thuận lợi khi xu thế dịch bệnh đã thay đổi, có thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và hiện có những quốc gia đã bỏ quy định đeo khẩu trang để trở lại cuộc sống bình thường như khi chưa có COVID-19.

Xây dựng hệ sinh thái để điểm đến du lịch hấp dẫn quanh năm

Nói về việc xây dựng các điểm đến trở thành nơi hấp dẫn cả 4 mùa, đại diện Sun Group cho rằng cần phải tạo dựng nền tảng hệ sinh thái du lịch.

Thực tế tại Quảng Ninh, dù đã tạo ra chuỗi trải nghiệm khép kín từ hạ tầng sân bay, cảng biển, đường cao tốc đón tiễn khách đến nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì vẫn chưa khai thác hết tiềm năng biển, rừng, đảo còn bỏ ngỏ của Quảng Ninh - một điểm đến được ví như Việt Nam thu nhỏ.

"Chúng tôi có kế hoạch đầu tư hệ sinh thái ở các vùng đất mà mình đặt chân đến. Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hòa Bình… sẽ là những điểm đến tiếp theo mà chúng tôi đặt chân đến, với những nỗ lực góp phần giúp nâng tầm vị thế các vùng đất này" - đại diện Sun Group chia sẻ.

Đây là thời điểm sống còn của ngành du lịch và hàng không - Ảnh 3.

Lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh chia sẻ về định hướng, mục tiêu ngành du lịch tỉnh hướng đến trong năm 2022 - Ảnh: TIẾN THẮNG

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh, năm 2022, tỉnh này phấn đấu thu hút khách du lịch đến với địa phương đạt trên 10 triệu lượt khách, trong đó đạt 1,5 triệu lượt khách quốc tế với tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 21.000 tỉ đồng.

Để đạt được mục tiêu và sẵn sàng cho công tác mở lại hoạt động của ngành du lịch, Quảng Ninh thần tốc triển khai chiến lược vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo tuyệt đối an toàn, đạt tỉ lệ bao phủ cao và sớm nhất cả nước.

Tỉnh này cũng tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thông thoáng nhất về thủ tục xuất nhập cảnh; không hạn chế các địa điểm, hành trình của du khách khi đến với Quảng Ninh.

Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, hoạt động giới thiệu sản phẩm du lịch, sản phẩm OCCP của tỉnh Quảng Ninh và các địa phương cũng được triển khai. Ngoài ra còn có chương trình ký kết hợp tác chiến lược giữa Quảng Ninh và Vietnam Airlines; hợp tác kích cầu, phát triển thị trường du lịch giữa Quảng Ninh, Tập đoàn Sun Group và Vietnam Airlines,…

Động lực để du lịch Việt phục hồi đà tăng trưởng Động lực để du lịch Việt phục hồi đà tăng trưởng

Việc mở cửa hoạt động du lịch sẽ tạo động lực để ngành du lịch phục hồi đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên