22/08/2021 17:36 GMT+7

Những cánh tay chở che cho người mẹ trẻ một mình vượt cạn

TẤN LỰC
TẤN LỰC

TTO - 12h trưa, T. vỡ ối. Tay ôm bụng, tay khệ nệ xách giỏ đồ sơ sinh, cô nén cơn đau, lần bước từng bậc cầu thang rời phòng trọ, tự chạy chiếc Wave cà tàng vào Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng...

Những cánh tay chở che cho người mẹ trẻ một mình vượt cạn - Ảnh 1.

T. bón thêm sữa bột cho con trong căn phòng trọ chỉ chừng 10 mét vuông, dưới sàn là những lon sữa do Hội Liên hiệp phụ nữ phường An Hải Đông vừa gửi - Ảnh: TẤN LỰC

Do khô nước ối, bác sĩ bảo không thể sinh thường, phải mổ để lấy thai. Ca sinh mổ 3,1 triệu đồng nhưng trong túi cô lúc ấy chỉ có hơn 1 triệu.

Ca sinh mổ từ tâm

Phòng trọ chưa đầy 10m2 ở tầng 2 căn nhà trên đường Phạm Cự Lượng, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, nóng ran từ chớm trưa khi hứng trọn cái nắng hướng chính đông chiếu vào. 

Ở góc phòng là chiếc bếp gas mini, mấy thùng xốp đựng quần áo và một bao mì gói. Bên cạnh là 2 lon sữa bột và 6 lon sữa đặc cùng bọc tã, bỉm các chị em Hội Liên hiệp phụ nữ phường An Hải Đông vừa mang tới. 

Giữa phòng, trên chiếc giường xếp nhỏ cũng của phụ nữ phường trao tặng, cô bé Thanh Ngân 2 tuần tuổi ngoan ngoãn ngủ say trong vòng tay mẹ.

H.T.M.T. (27 tuổi), mẹ của Thanh Ngân, mỉm cười nhìn con. Niềm vui làm mẹ trào dâng mạnh mẽ, tạm thời khỏa lấp những khó khăn. Vì những lý do không tiện thổ lộ, chồng T. đã không còn ở bên từ lúc cô sắp sinh. 

Bị kẹt lại thành phố, cô phải tự mình xoay xở vượt cạn giữa mùa dịch. Tại quê nhà, bố mẹ ruột cũng đang vất vả chăm giúp cô 2 cậu con trai 5 và 3 tuổi.

Những cánh tay chở che cho người mẹ trẻ một mình vượt cạn - Ảnh 2.

Không có người thân bên cạnh, T. một mình vượt cạn giữa lúc thành phố giãn cách nghiêm ngặt, ai ở nhà đó - Ảnh: TẤN LỰC

Những ngày ở Đà Nẵng, T. xin rửa chén cho một quán bún đậu tại quận Sơn Trà. Mấy tháng nay dịch bùng phát, quán bún đậu đóng cửa, T. thất nghiệp dài dài. Chủ trọ thấy thương, không lấy tiền thuê phòng. 

Hôm vào viện đi sinh, dù T. không đủ tiền đóng phí ca mổ nhưng các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng vẫn thực hiện chu đáo cuộc sinh nở cho T. và cho lưu viện 1 tuần để chăm sóc vết mổ cùng em bé. 

Sau khi xong ca mổ, các bác sĩ đã tìm nguồn hỗ trợ đóng thêm cho T. 2,1 triệu đồng viện phí và dặn cô an tâm xuất viện. Cô rời bệnh viện trên chuyến xe 0 đồng do một nhóm thiện nguyện tại Đà Nẵng giúp đỡ mà lòng rối bời bởi món nợ ân tình từ các bác sĩ. 

Cô bảo vừa nhắn tin mượn đỡ bạn bè một ít tiền xoay xở. Nhưng bạn bè toàn là dân lao động, mùa dịch này ai cũng khó như ai. Tin nhắn gửi đi đã 2 hôm, nay vẫn chưa thấy phản hồi.

Hàng xóm làm anh nuôi

Đà Nẵng siết chặt giãn cách, nhà cách ly với nhà, người thuê trọ phần đông đã về nhà trước giờ thành phố hạn chế người dân ra ngoài. Mấy phòng trọ nay chỉ còn lại T. và chàng thanh niên Nguyễn Văn Thành ở phòng bên cạnh. 

Hôm T. đi sinh về, Thành ghé qua thăm đầu tiên. Anh sốc khi thấy cô ăn trưa với tô cơm trắng và 1 quả trứng luộc. Thương hoàn cảnh cô, anh tình nguyện làm anh nuôi giúp nấu nướng cho bữa ăn hai mẹ con hằng ngày. 

Những cánh tay chở che cho người mẹ trẻ một mình vượt cạn - Ảnh 3.

T. gửi bao củ cải và nửa quả bí đỏ vừa nhận nhờ Thành chuẩn bị bữa trưa - Ảnh: TẤN LỰC

"Em nấu gì thì chia sẻ cho chị ăn cái đấy, lúc thì cơm canh rau củ, khi thì xương hầm, thịt kho. Thường ngày mình nấu ít, nay nấu nhiều lên một chút. Thấy người ta hoàn cảnh quá nên em giúp được phần nào đỡ phần ấy!", Thành chia sẻ. 

Trưa 21-8, T. cầm sang cho Thành túi củ cải và nửa quả bí đỏ vừa được hàng xóm biếu để anh nấu bữa trưa. Sau mấy hôm "xuất kho" dự trữ, tủ lạnh trong phòng Thành cũng vơi gần hết, chỉ còn lại miếng thịt gà, ít thịt heo và chút rau củ. 

Thành chép miệng bảo chắc đủ nấu trong 3 ngày nữa rồi cầm tờ phiếu mua thực phẩm tổ dân phố vừa phát điền mua thêm mấy món hàng.

Những cánh tay chở che cho người mẹ trẻ một mình vượt cạn - Ảnh 4.

Phần quà gồm mì gói, bún khô, trứng gà, dầu ăn, nước mắm tổ dân phố gửi tặng T. - Ảnh: TẤN LỰC

Không có người thân bên cạnh, T. tự giặt quần áo khi vết mổ còn đang đau nhói. Mấy hôm mới về, do ăn uống không đủ dinh dưỡng nên cô thiếu sữa, không đủ cho con bú. Nhìn con khát sữa lòng không đặng, T. gom góp mấy đồng cuối cùng mua được lon sữa bột loại nhỏ pha cho con bú thêm hằng ngày. 

Vật dụng duy nhất cô chuẩn bị được trước lúc đi sinh là giỏ đồ em bé cũng được một người em gom góp, xin lại từ những gia đình có con nhỏ.

"Một mình sinh con giữa mùa dịch thật sự rất khó khăn với em, nhưng thật may mắn khi có rất nhiều người đã giúp đỡ em lúc này. Em biết ơn các bác sĩ, anh chị xe 0 đồng, Hội phụ nữ phường và những người quanh đây vì những gì em đã được nhận và được quan tâm thăm hỏi những ngày qua. Em và con sẽ sống thật tốt qua ngày tháng khó khăn này", T. tâm sự.

Sự quan tâm kịp thời từ Hội phụ nữ

Ngay khi biết hoàn cảnh T., Hội Liên hiệp phụ nữ phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, đã trích ngay kinh phí mua sắm sữa, thuốc bổ, nhu yếu phẩm và các vật dụng cần thiết cho T. và cháu bé. Ngoài ra hội còn kêu gọi hỗ trợ ban đầu giúp cô số tiền 2,8 triệu đồng.

Tổ dân phố khi hay tin cũng gửi tới cho T. phần quà gồm gạo, mì gói, nước mắm, dầu ăn và ít trứng gà. Chị Đinh Thị Sơn Ca, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường An Hải Đông, cho biết sẽ giao chi hội phụ nữ tại tổ hỗ trợ nấu cơm hằng ngày cho hai mẹ con và tiếp tục quan tâm, huy động hỗ trợ giúp đỡ T. trong những ngày tới.

Tổ dân phố mua hộ cho dân, 7 ngày qua dân Đà Nẵng không thiếu thực phẩm Tổ dân phố mua hộ cho dân, 7 ngày qua dân Đà Nẵng không thiếu thực phẩm

TTO - Qua 7 ngày đóng cửa chống dịch, nhu cầu thực phẩm của người dân Đà Nẵng cơ bản được đảm bảo nhờ sự tích cực giúp đỡ mua sắm của các thành viên tổ dân phố và nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp.

TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên