Một ngày đầu tháng 3-2024, một cụ bà tóc bạc trắng, lọt thỏm trong bộ quân phục cũ, đứng cúi đầu mặc niệm trong nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 vắng lặng - nơi yên nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hôm ấy là sinh nhật 94 tuổi của bà - đại tá, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản. 70 năm trước, bà là quân y sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau ngày chiến thắng, Ngọc Toản đã được tổ chức một đám cưới như mơ với đại tá Cao Văn Khánh - đại đoàn phó Đại đoàn 308 Quân tiên phong - ngay trong hầm De Castries.
Một câu chuyện thật dài...
Suốt trên chặng đường dài 1.800km từ TP.HCM đến thành phố Điên Biên Phủ, bà Toản nhẩm đọc lại trong đầu một lá thư trong hàng ngàn lá thư mà ông Cao Văn Khánh - nguyên phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - đã viết cho bà suốt mấy mươi năm bôn ba chiến trường.
Lá thư chiến thắng
Bà thuộc lòng, và hôm nay đọc cho những người cùng đi nghe lá thư được viết ngày 7-5-1954. Ông Cao Văn Khánh gọi đây là "những ý nghĩ lộn xộn" mà ông viết để chia sẻ với người yêu niềm vui sướng và hạnh phúc dâng trào ngay khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng:
"Em thân yêu,
Ngày hôm nay là một ngày vui lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn thể nhân dân. Ta đã đánh gục kẻ thù ở Điện Biên Phủ, tiêu diệt toàn bộ, bắt tù binh hơn 1 vạn, thu toàn bộ đại bác, xe tăng của chúng. Toàn quân, toàn dân phấn khởi trước chiến thắng vĩ đại đó. Nhân dân dân chủ chia vui với chúng ta, vì đó cũng là một thắng lợi để củng cố nền hòa bình thế giới. Quân ta đã trưởng thành mau chóng, dù còn rất nhiều khuyết điểm.
Em Toản ơi, em hãy lặng yên nhắm mắt để tưởng tượng niềm vui sướng của toàn thể nhân dân... Anh gửi cho em nỗi vui sướng của đơn vị ta sau những chiến thắng dồn dập. Anh gửi em nỗi vui sướng của lòng anh trước sự trưởng thành của quân đội ta, trong đó đoàn ta đã góp vào một phần xây dựng.
Ngày hôm qua, trên đường từ Mường Thanh về Chỉ huy sở F, anh sung sướng nhìn thấy người chiến sĩ cao xạ ngồi lặng thinh bên cạnh khẩu cao pháo, mắt nhìn trời theo dõi chiếc Dakota đang thả dù tiếp tế cho thương binh của chúng được ta tập trung vào một khu trong Mường Thanh.
Anh cảm phục khi thấy một đại đội bộ binh, trong khi chuẩn bị đề phòng những bất trắc xảy ra, đã tự động đem tất cả các thứ súng ra dạy cho anh em tân binh. Từng tổ dạy nhau, không một chút không khí tự mãn. Anh em vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ đi xa để phát triển chiến thắng.
Anh sung sướng khi qua suối, nhìn thấy một số anh em vẫy vùng dưới nước trong, vì đã hơn tháng nay chưa hề được tắm. Bùn đất của trận địa sẽ lại trôi theo suối về trả lại cho đất Mường Thanh, để làm cho cánh đồng thêm tươi tốt.
Người dân Mường Thanh sung sướng nhìn bộ đội ta đi qua. Cánh đồng Mường Thanh mênh mông, chi chít những giao thông hào tứ phía múi chụp vào ôm lấy thị trấn Điện Biên sẽ được trả về cho nhân dân.
Mường Thanh từ nay không còn vang tiếng súng. Bộ đội sẽ lấp giao thông hào trả lại cho nhân dân cày cấy, xác quân thù sẽ bón tốt thêm cho đất Mường Thanh. Lòng căm thù của nhân dân ta cũng được hả hê một phần trước chiến thắng lịch sử vĩ đại này.
Em Toản thân yêu, anh truyền cảm nỗi vui sướng của anh, tất cả những cảm xúc của anh cho em. Chúng ta nhớ tiếc bao nhiêu chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cho dân tộc để giành lấy chiến thắng vĩ đại này. Những vĩ nhân, những liệt sĩ đó sẽ sống mãi trong ký ức của toàn dân, vì đó là những người thợ xây dựng độc lập cho dân ta và nền hòa bình thế giới...".
Thư không cần phải gửi đi xa, vì khi ấy Ngọc Toản cũng đang có mặt ngay trên mặt trận. Cô đã được huy động tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ cuối 1953 khi đang là sinh viên trường y khóa Y52 tại Việt Bắc và được phân công về Đội điều trị 2.
23 tuổi với đôi mắt bồ câu ngây thơ và hai má luôn ửng hồng, lại thuộc dòng dõi Tôn Thất, con "cụ Thượng" đầu triều của vua Khải Định rồi Bảo Đại, nhưng Ngọc Toản không phải một tiểu thư non nớt. Cô đã có thâm niên bảy năm tham gia cách mạng trong phong trào học sinh sinh viên Huế, ba lần bị Pháp bắt giam.
Lần nào bị bắt, viên cảnh sát cũng ngó từ đầu đến chân, lắc đầu lầm bầm không hiểu vì sao con gái nhà gia thế lại nghe xúi giục. Cuối cùng, Toản bị xếp vào dạng "không thể giáo dục" và trục xuất khỏi Huế.
Mẹ lo lắng gửi con gái vào học trường tây Marie Curie Sài Gòn. Vừa tới sân bay, cô đã bắt liên lạc ngay với phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn - Gia Định. Không cản được con, gia đình đành gửi cô lên chiến khu.
Rèn cán, chỉnh quân
Ra Bắc, Toản công tác tại Hội Phụ nữ khu 4, học nốt chương trình trung học ở Trường Huỳnh Thúc Kháng. Tốt nghiệp vừa lúc giáo sư Đặng Văn Ngữ - anh rể cô - từ Nhật sang Thái Lan về tham gia kháng chiến, Toản theo anh chị lên Việt Bắc, vào học đại học y và làm nhân viên phòng thí nghiệm điều chế penicillin.
Một lòng với lý tưởng độc lập, tự do cho dân tộc vẫn là chưa đủ, đường đến với kháng chiến còn gập ghềnh thử thách hơn đường rừng giữa chiến khu. Từ cuối năm 1952, và đặc biệt trong thời gian chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội đã có những cuộc chỉnh huấn chỉnh quân ráo riết và sâu rộng để xác định rõ ràng lập trường tư tưởng, minh định quyết tâm trước khi vào trận.
Tất cả anh chị em trong gia đình Toản, những người đã ra Việt Bắc đều phải tham gia những đợt chỉnh huấn chỉnh quân này.
Nhật ký Ngọc Toản thời gian này có đoạn: "Tôi bị yêu cầu phải lên án cha tôi. Tôi được giải thích địa chủ quan lại là bóc lột, là xấu xa...". Trong khi phần lớn mọi người kiểm điểm tương đối "thành khẩn", thì sau chỉnh huấn đợt một, Toản vẫn khăng khăng không chịu viết những dòng lên án gia đình.
Cha mẹ, Tổ quốc, lòng trung thành là những giá trị đạo đức đã khắc sâu vào tâm trí cô. Thay vì sợ hãi, cô gái lớn lên trong lễ giáo phong kiến nhưng thấm nhuần tư tưởng tự do bừng bừng phẫn nộ.
Làm sao có thể lên án một vị trung thần đáng kính, nổi tiếng hiếu đễ với song thân và tận tâm phụng sự nhà vua như cha cô, một người mẹ hiền thảo luôn là tấm gương phẩm hạnh như mẹ cô? Trong nhật ký, cô gái trẻ bướng bỉnh khẳng định: "Gia đình ta chưa mất danh giá đâu, nếu chúng ta toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng".
Cao Văn Khánh, người yêu của Toản, được phong cấp đại tá năm 1948, đang là đại đoàn phó Đại đoàn quân tiên phong 308 - một trong những đơn vị chủ công chuẩn bị đánh Điện Biên Phủ. Anh đang cháy lòng mong Toản để được cùng nhau vào chiến dịch.
"Nhưng tôi phải ở lại học thêm một đợt chỉnh quân đặc biệt, dành cho những người thành phần gia đình "nặng nề", để củng cố lập trường giai cấp" - đến hôm nay, bà Toản vẫn còn nhớ rõ.
Đến đợt học lần hai, được nhận xét đã có "nhận thức tốt", cô vượt qua đợt học tập và nhận thông báo sẽ được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này Toản mới biết là chiến dịch đang rất căng thẳng và đang rất thiếu người, chứ không phải cô đã đạt yêu cầu về độ "thành khẩn".
Dù sao Toản vẫn rất hạnh phúc, thỏa mãn ước mơ được cùng người yêu tham gia chiến dịch mà chưa lường được vô vàn thách thức gian khó ở phía trước.
-----------------------------
Trước giờ nổ súng, hơn 650 giường bệnh đã sẵn sàng. Đây là lần đầu tiên toàn bộ các cơ sở cứu thương đều đào ngầm trong lòng đất. Đội điều trị của Đại đoàn 308 đặt cách sở chỉ huy của tướng De Castries chỉ vỏn vẹn 5km đường chim bay, ngay trong tầm pháo.
Kỳ tới: Quân y ở mặt trận Điện Biên Phủ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận