Tham gia hành trình xuất quân từ di tích Cột cờ Hà Nội, các bạn đoàn viên, thanh niên, sinh viên, thiếu nhi các tỉnh thành cả nước chia nhiều hướng đi qua nhiều địa chỉ đỏ, di tích lịch sử của bảy tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ.
Tái hiện hành quân từ thủ đô đến Điện Biên Phủ
Sau hàng trăm cây số vượt núi, băng rừng, trên 500 đại biểu đại diện thanh thiếu nhi cả nước cùng có mặt trong lễ dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ an nghỉ trong nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1 tại TP Điện Biên Phủ.
Trước đó, các đoàn đã đến với di tích nhà tù Sơn La, nơi được ví như địa ngục trần gian giam cầm biết bao chiến sĩ cộng sản kiên trung đấu tranh cho độc lập dân tộc.
Các bạn cũng đi qua đèo Pha Đin, yết hầu tiếp tế lương thực, thuốc men, đạn dược cho tiền tuyến cùng một vài địa danh khác.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy nói tháng 5 lịch sử nhắc tuổi trẻ cả nước về những công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp giành độc lập tự do, hạnh phúc của dân tộc.
Đó còn là bao hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ, của các mẹ Việt Nam anh hùng và biết bao thế hệ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Hành trình ấy còn như lời nhắc nhở thế hệ trẻ khắc ghi bài học phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường và sự sáng tạo, tìm tòi, xác định đúng đường lối cách mạng.
Từ đó, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn mong mỗi bạn trẻ, các em nhỏ càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tiếp nối, phát huy truyền thống của dân tộc.
"Hành trình như cầu nối giữa truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc với thời đại mới, là sự trao truyền khát vọng giải phóng dân tộc thống nhất đất nước của thế hệ cha anh với thế hệ trẻ mang trách nhiệm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc hôm nay" - anh Huy chia sẻ.
Đáp đền và tiếp nối
Có mặt trong hành trình, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Hoàng Trực chia sẻ bản thân cảm nhận rõ cuộc hành quân lịch sử của ông cha từ thủ đô Hà Nội đến trận địa Điện Biên Phủ.
Anh Trực nói hiện những con đường đã được làm mới, đi lại thoải mái hơn song vẫn còn vô vàn nguy hiểm với bên vực sâu bên núi đồi.
"Địa hình ấy càng giúp mình như hình dung rõ hơn các cuộc hành quân của bộ đội, dân quân, đồng bào trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước ấy. Thế hệ cha anh đã chịu rất nhiều hy sinh để có thể giành được độc lập cho dân tộc" - anh Trực bộc bạch.
Lần đầu tiên được đến Bảo tàng Điện Biên Phủ, anh Trực không khỏi xúc động khi lắng nghe những câu chuyện, tận mắt thấy các hầm hào, chứng tích, hiện vật lịch sử của chiến dịch này. Đặc biệt, bức tranh panorama về chiến dịch Điện Biên Phủ giúp các bạn tham gia hành trình phần nào cảm nhận rõ nhất sự khốc liệt, mất mát mà cha ông đã để lại chiến trường năm xưa.
"Hoàn toàn có thể nghiên cứu video hóa các câu chuyện lịch sử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sao cho các bạn trẻ, thiếu nhi tiếp nhận lịch sử, cảm nhận sự hy sinh của cha ông một cách trực quan, sinh động với những hình ảnh sống động nhất" - bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước nói.
Hành trình mang đến hạnh phúc
Các đoàn chia nhiều nhánh di chuyển theo các con đường huyền thoại cha anh hành quân trước đây cùng nhiều hoạt động ý nghĩa của tuổi trẻ hôm nay hỗ trợ địa bàn khó khăn nơi các bạn đi qua.
Tổng nguồn lực hỗ trợ các địa phương trong hành trình này khoảng 7,6 tỉ đồng. Trong đó hỗ trợ tỉnh Điện Biên gần 6,4 tỉ đồng, còn các tỉnh cụm Tây Bắc Bộ 1,2 tỉ đồng.
Đó là những căn nhà hạnh phúc, cây cầu hạnh phúc dành cho cựu thanh niên xung phong, trẻ em khó khăn nơi biên giới giáp nước bạn Lào. Ông Lèo Văn Luấn - cựu thanh niên xung phong (TP Sơn La, tỉnh Sơn La) - xúc động tiếp nhận căn nhà hạnh phúc được xây dựng kiên cố thay cho nhà sàn bằng gỗ đã cũ.
Một căn nhà hạnh phúc khác dành tặng cậu bé Sùng Minh Tuấn (lớp 1A3 Trường tiểu học xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Cậu học trò dân tộc Mông ấy mồ côi cha, sống ở xã vùng biên cách biên giới Việt - Lào chỉ vài trăm mét.
Cũng tại xã vùng biên này, cây cầu hạnh phúc tại bản Nậm Ty 2 đã hoàn thành và bàn giao, giúp bà con đi lại thuận lợi, an toàn hơn, cũng là kết nối tuyến tuần tra biên giới Việt - Lào.
Tay xẻng, tay cuốc cùng góp sức làm nên chiến dịch lịch sử
Là một trong những cựu thanh niên xung phong năm xưa, ông Nguyễn Thọ Trường (93 tuổi) ở huyện Mai Sơn (Sơn La) không khỏi xúc động khi nhắc lại những tháng ngày không quên ấy.
Ông đến cuộc gặp cùng nhiều huy hiệu trên ngực áo, trong đó có huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, huy hiệu thanh niên xung phong vẻ vang... Với ông, tự hào nhất là Huân chương kháng chiến hạng ba được tặng cho thành tích bắn rơi máy bay năm 1968, một năm sau khi ông được kết nạp Đảng.
Ông bảo không quên thời khắc cùng đồng đội, dân công hỏa tuyến ngày đêm đào đường, lấp đất tuyến Điện Biên Phủ - Tây Trang chỉ với cây xẻng, chiếc cuốc thô sơ, lót dạ bằng cây rau rừng.
Đó là những tháng ngày bi tráng mà người cựu thanh niên xung phong năm nào đã gói gọn trong câu thơ: "Uống nước nậm rơm, nằm ôm bọ chó, hưởng gió cà tày (gió Lào)".
Đất nước hòa bình, ông tham gia làm kinh tế ở Sơn La, truyền lửa yêu nước cho con cháu. Con trai ông trở thành bộ đội đóng quân ở Sông Mã.
"Có dịp tôi vẫn thường kể các câu chuyện lịch sử, gian khó của ông cha năm xưa để con cháu biết quý trọng hòa bình" - ông Trường chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận