"Việc Mỹ và Việt Nam có khả năng tìm ra cách vượt qua được những khó khăn, trở ngại trong lịch sử đã trở thành biểu tượng cho khả năng hàn gắn giữa các quốc gia. Đó là điều vô cùng quan trọng trong quan hệ quốc tế", bà Katherine Tai chia sẻ trong cuộc gặp báo chí tại Hà Nội chiều 14-2.
Trong hai năm qua, Việt Nam cũng đã giải quyết một số vấn đề mà Mỹ quan tâm trong mối quan hệ, chẳng hạn tiền tệ. Điều này, theo bà Tai, cho thấy sự sẵn sàng của Việt Nam cũng như tinh thần góp ý mang tính xây dựng và sẵn sàng giải quyết các thách thức cùng nhau.
Đại diện thương mại Mỹ đang trong chuyến thăm Việt Nam. Trước đó, bà đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo một số bộ Ngoại giao, Công Thương... của Việt Nam.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước đánh dấu tròn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện trong năm 2023.
Bà Tai cho biết Mỹ đang mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế với Việt Nam trong năm kỷ niệm này và đã thảo luận với phía Việt Nam về các cách cụ thể.
Đại diện thương mại Mỹ cũng đề cập đến Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA), cho biết sẽ thúc đẩy khuôn khổ này hơn nữa.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) mà Mỹ đang thúc đẩy và vai trò của Việt Nam, bà Tai khẳng định Việt Nam có vai trò "rất quan trọng".
Theo đó, hiện có 14 quốc gia, IPEF là một tập hợp đa dạng không chỉ về văn hóa mà còn về trình độ phát triển.
"Có quốc gia lớn, có quốc gia nhỏ, các nền kinh tế lớn lẫn kinh tế nhỏ. Việt Nam có vai trò quan trọng trong ASEAN và hiểu rõ những mối quan tâm của Mỹ. Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao vai trò của Việt Nam như một đối tác mang tính xây dựng", bà Tai nêu quan điểm.
Đại diện thương mại Mỹ cũng tiết lộ IPEF sẽ có một cuộc họp trực tiếp cấp bộ trưởng vào tháng 3 tới, sau cuộc họp đầu tiên hồi năm ngoái ở Mỹ.
Hiện Việt Nam vẫn chưa phải là thành viên của IPEF mà chỉ mới trong quá trình cùng các nước thảo luận, trao đổi để làm rõ nội hàm của nó.
IPEF gồm bốn trụ cột là thương mại và chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng, thuế và chống tham nhũng.
Theo Bộ Ngoại giao, việc Việt Nam có trở thành viên IPEF hay không còn tùy thuộc vào kết quả thảo luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận