09/01/2023 08:10 GMT+7

Mỹ, Nhật muốn chuỗi cung ứng sạch

Hai đồng minh Mỹ - Nhật đã tuyên bố thành lập một nhóm chuyên trách nhằm thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế trong chuỗi cung ứng, đồng thời kêu gọi sự tham gia của các nước khác.

Lắp ráp ô tô tại một nhà máy ở Thái Lan - Ảnh: REUTERS

Lắp ráp ô tô tại một nhà máy ở Thái Lan - Ảnh: REUTERS

Hôm 6-1, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đã ký một bản ghi nhớ về sáng kiến tiêu chuẩn lao động với Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi. 

Hai bên dự kiến chia sẻ thông tin về tình hình lao động trong chuỗi cung ứng cũng như đối thoại với các bên liên quan, bao gồm cả các doanh nghiệp, để bảo đảm sẽ không có sản phẩm nào được làm ra bởi lao động cưỡng bức.

Vai trò của các nước khác

Theo giới quan sát, việc Mỹ và Nhật Bản thiết lập một "liên minh" đảm bảo quyền của người lao động trong chuỗi cung ứng là một bước đi đáng chú ý. 

Mỹ hiện là nền kinh tế số 1 thế giới, trong khi Nhật Bản là nước đứng thứ ba và sử dụng nhiều nguyên liệu từ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thỏa thuận hợp tác giữa bà Tai với ông Nishimura không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo không có tình trạng lao động cưỡng bức trong các ngành công nghiệp hai nước. 

Với việc chuỗi cung ứng ngày nay là sự tham gia của rất nhiều nước ở nhiều khâu khác nhau, việc đảm bảo chuỗi cung ứng "sạch" đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan.

Chẳng hạn nước A nhập khẩu nguyên liệu thô từ nước B, sau đó xuất thành phẩm sang nước C để lắp vào một bộ phận khác lớn hơn. 

Nước C sau đó xuất sang nước D để lắp ráp hoàn chỉnh, trước khi đến Nhật Bản hay Mỹ. Nguyên liệu thô từ nước B lại bị cáo buộc là do những người bị cưỡng bức lao động làm ra. 

Do đó, ý tưởng của Mỹ và Nhật là rà soát, giám sát và ngăn chặn ngay từ nước A để các sản phẩm hoàn chỉnh không thể đến người tiêu dùng cuối cùng.

"Mỹ và Nhật Bản không thể làm điều này một mình" - bà Tai thừa nhận và cho rằng cần phải hợp tác với tất cả các bên liên quan và không giới hạn ở cấp chính phủ. 

Các doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự và công đoàn cũng cần được huy động để mang lại sự thay đổi lâu dài và có ý nghĩa. "Chúng ta cũng phải mời các chính phủ khác tham gia cùng khi chúng ta thúc đẩy việc bảo vệ phẩm giá của người lao động mọi nơi", bà Tai nêu vấn đề.

Ngoài bà Tai, Bộ trưởng Nishimura cũng đã ký với Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas một thỏa thuận về đảm bảo an ninh mạng. 

Hai bộ trưởng cũng cùng chủ trì một hội nghị bàn tròn với các đại diện doanh nghiệp Nhật Bản về việc bảo vệ nhân quyền và ngăn chặn việc sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng. 

Điều này đồng nghĩa sẽ có sự phối hợp và chia sẻ dữ liệu giữa hai bên, bao gồm cả việc xác định những doanh nghiệp "có vấn đề" trong sử dụng lao động.

Tăng trách nhiệm với doanh nghiệp

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Thành Trung (Đại học Fulbright Việt Nam), một chuyên gia am hiểu về hoạt động chống lao động cưỡng bức của Mỹ, cho biết các cơ quan chức năng của Mỹ luôn công bố danh sách những doanh nghiệp "có vấn đề" về đảm bảo quyền của người lao động.

Với những doanh nghiệp làm ăn với Mỹ hoặc liên quan gián tiếp, cần chủ động nắm được danh sách này trước khi nhập hàng sản xuất. 

Theo ông Trung, ngay cả khi hàng hóa xuất sang Mỹ bị đưa vào danh sách không được thông quan để chờ xác minh liệu có phải sản phẩm của lao động cưỡng bức hay không, doanh nghiệp vẫn có thể "kháng cáo" và chứng minh độ "sạch".

"Trường hợp doanh nghiệp đã biết nguồn hàng là do lao động cưỡng bức làm ra mà vẫn cố tình nhập thì sẽ bị trừng phạt bằng cách đưa vào danh sách cấm nhập khẩu", TS Trung giải thích thêm.

Chuyên gia Nguyễn Thành Trung nhận định trước mắt động thái của Mỹ và Nhật không hướng tới việc thiết lập tiêu chuẩn lao động mới cho toàn cầu. 

"Mục tiêu đó vẫn còn rất xa. Hiện tại cả hai nước này đang muốn tăng cường sức mạnh răn đe và thực thi nhờ vào ưu thế là những nền kinh tế hàng đầu thế giới", ông Trung nhận xét.

Việc thiết lập luật chơi thương mại nói chung và đảm bảo quyền lao động nói riêng đã được nhắc đến trong nhiều cơ chế khác, chẳng hạn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Khuôn khổ Hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).

Theo ông Trung, lợi ích lớn nhất của các nước tham gia ý tưởng mới của Mỹ - Nhật là sẽ cải thiện và xây dựng được hình ảnh là một quốc gia có trách nhiệm, luôn quan tâm đến các vấn đề quyền con người nói chung và quyền của người lao động nói riêng.

Nhật muốn chia sẻ dữ liệu chuỗi cung ứng với ASEAN

Theo báo Nikkei Asia, Nhật Bản sẽ sớm đề xuất chia sẻ dữ liệu về chuỗi cung ứng với ASEAN để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế với nhóm này.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật đã tham gia nhiều cuộc thảo luận với các đối tác trong khu vực về bảo vệ môi trường và phát triển kỹ năng cho người lao động.

Mục tiêu trước mắt của Nhật là thiết lập một hệ thống để chia sẻ thông tin hai chiều với ASEAN về hàng phụ tùng tồn kho, năng lực sản xuất và rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng trong ngành ô tô, điện tử và một số ngành công nghiệp khác.

Nhật, Mỹ đặt tiêu chuẩn lao động trong chuỗi cung ứngNhật, Mỹ đặt tiêu chuẩn lao động trong chuỗi cung ứng

Các đối tác của Nhật Bản và Mỹ đang theo sát các diễn biến liên quan khi hai nước này bàn thảo với nhau về việc bảo vệ quyền con người và ngăn chặn lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên