22/12/2020 10:37 GMT+7

Lính biên phòng cầm cày giúp dân

HẢI LUẬN
HẢI LUẬN

TTO - "Thiếu tá Duật việc gì cũng làm được để giúp dân, từ thợ cơ khí, cầm cày xuống nương, rồi sửa chữa máy cày, máy bơm, làm nhà... mà chẳng có bằng cấp gì cả. Dân bản nhờ anh nhiều lắm".

Lính biên phòng cầm cày giúp dân - Ảnh 1.

Thiếu tá Duật trực tiếp đi cày giúp dân gieo cấy lúa - Ảnh: HẢI LUẬN

Đại úy Cao Xuân Hoành - Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình - tâm sự với tôi khi ôtô vừa chạy vào sân Đồn biên phòng Cà Xèng, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình.

Giúp dân giữa mùa dịch

Tôi tìm gặp thiếu tá Trần Văn Duật (51 tuổi) đang lúi húi sắp lại đồ đạc ở nhà kho để máy cày, máy bơm, máy tuốt lúa... của Đồn biên phòng Cà Xèng. "Tôi đang tính toán làm nhà để máy móc và nơi sửa chữa xe rộng thêm, tới đây sẽ nhận thêm chiếc máy cày to do UBND tỉnh Quảng Bình tặng" - thiếu tá Duật xởi lởi.

- Toàn là máy cày, máy nổ, có liên quan gì cái tên "anh ánh sáng vùng biên" lúc nãy đại úy Hoành giới thiệu? - tôi hỏi có chủ đích.

- Tên "anh ánh sáng vùng biên" là do mấy anh dưới biên phòng tỉnh hay gọi, chứ có chi mô. Tôi chỉ đi làm cột điện, chạy dây, lắp bóng điện thắp sáng đường giao thông xã biên giới Thượng Hóa.

Lúc dịch bệnh Covid-19 vừa xảy ra, các đơn vị quân đội cấm trại, nhiều đồn biên phòng tăng cường quân số cắm nhiều chốt ở biên giới. Thiếu tá Trần Văn Duật chở đồ nghề ra tổ công tác cách Đồn biên phòng Cà Xèng khoảng 15km ở lại "tự cách ly" gần 2 tháng. Hằng ngày, anh cùng đồng đội lọ mọ cưa cắt, hàn đấu nối, đào hố đổ bêtông chôn 80 cột điện và mắc bóng đèn trên 3km ở thôn Quyền, xã Thượng Hóa.

"Ngày làm lễ khánh thành đoạn đường "ánh sáng vùng biên" thôn Quyền, dân ai cũng vui, trên tỉnh có ông Trần Thắng (chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình) xuống cắt băng khánh thành và khen trong dịch mà vẫn nỗ lực giúp dân" - thiếu tá Duật nhớ lại.

Mới nghe thấy công việc dễ dàng, nhưng với người "tay ngang" như thiếu tá Duật thì không dễ dàng chút nào. Anh là cán bộ vận động quần chúng của đồn, chẳng có trường nào dạy anh làm cơ khí. 

Đồn có chủ trương làm đường điện thắp sáng cho dân ở các thôn biên giới, anh Duật phóng xe máy xuống đồng bằng "ngắm nghía" các công trình người ta đã làm. Về đồn, anh phác thảo mô hình cột điện, dây điện, loại bóng, làm dự toán kinh phí sát với điều kiện khó khăn ở biên giới. 

Kể cả làm cổng chào lớn vào bản cũng được anh Duật làm "bản vẽ trong đầu" và thi công theo phong cách đồng bào Rục. Chi phí giảm bằng một nửa so với gọi thợ bên ngoài vào làm. 

Nhiều đơn vị khác cũng cử cán bộ chiến sĩ đến Đồn biên phòng Cà Xèng học hỏi kinh nghiệm về triển khai làm ở các thôn, bản địa bàn đồn phụ trách.

Lính biên phòng cầm cày giúp dân - Ảnh 2.

Thiếu tá Trần Văn Duật sửa chữa máy cày tại Đồn biên phòng Cà Xèng - Ảnh: HẢI LUẬN

Đồn thành trạm sửa chữa giúp dân

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2010, Đồn biên phòng Cà Xèng thực hiện dự án làm lúa nước cho đồng bào dân tộc, với diện tích hơn 10ha ở xã Thượng Hóa. Đất mới làm nên có nhiều đá, gốc cây ẩn dưới. Hằng ngày, thiếu tá Duật trực tiếp đi cày giúp dân, lưỡi cày bị gãy vì va vào đá, gốc cây. Anh lại phải chạy xe máy hơn 20km xuống huyện, rước thợ lên hàn, nhanh thì mất một ngày, chậm từ 2 - 5 ngày, nhưng sửa xong lại gãy tiếp.

"Gọi thợ ngoài vừa mất công, mất tiền, mất thời gian, trễ thời vụ gieo cấy. Tôi bàn với anh Bình (đồn trưởng) mua máy hàn về để tôi làm. Lúc đầu, đồn trưởng hơi e ngại khả năng của tôi, tôi cam đoan làm được. Từ đó về sau bị gãy lưỡi cày là tôi xử lý ngay" - thiếu tá Duật kể.

Ngoài trực tiếp cầm cày và hàn lưỡi cày giúp dân bản, anh Duật còn sửa chữa hư hỏng trong máy như gãy trục khuỷu, hỏng bơm dầu... Anh đứng giữa ruộng, làm trong giá lạnh thấu xương. Thời điểm đó, huyện Minh Hóa chẳng có ai bán phụ tùng máy móc, anh phải chạy xe máy xuống thị xã Ba Đồn để tìm mua phụ tùng thay thế. Gặp bộ phận khó kiếm, anh chạy vào Hoàn Lão (huyện Bố Trạch) tìm mua cũng không có, lại phải chạy vào Đồng Hới.

"Tôi chạy lòng vòng hơn 200km tìm mua phụ tùng, có được hàng lại phải chạy xe máy lên đồn ngay trong đêm để sáng mai ráp vô cày liền. 10ha ruộng dân bản, nếu chậm vài ngày nước trên ruộng sẽ khô hết, người dân chê trách bộ đội. Có thời điểm cả hai máy cày hoạt động quá tải, hư hỏng liên miên, thậm chí hư cùng lúc cả hai chiếc, phải lăn ra làm cả ngày cả đêm ngoài ruộng. Gặp những hư hỏng phức tạp, huy động bộ đội ra khiêng từng bộ phận vào đồn sửa chữa. Lâu dần đồn thành trạm sửa chữa các loại máy móc cho người dân trong xã luôn" - thiếu tá Duật cười kể.

Ngoài làm thợ cày, thợ máy, thợ sửa chữa, khi cây lúa phát triển tốt anh Duật còn cùng đồng đội hướng dẫn dân bản cách giặm lúa, làm cỏ, bón phân, lấy nước tưới... Binh nhất Đinh Văn Long chia sẻ: "Về đồn được thời gian, chú Duật gọi xuống xưởng hướng dẫn tính năng chiếc máy cày nhỏ, rồi chỉ tập cày. Lúc đầu chú cho tôi tập lái lòng vòng trong đồn trước, đến vụ làm đất thì ra ruộng thực hành. Ngày nào chú Duật cũng đi kèm một bên, khi nào cày thuần thục chú mới rời ra. Khóa chiến sĩ mới về đồn, tôi lại kèm chiến sĩ biết cày bừa, để thay vị trí của mình trước khi ra quân".

Lính biên phòng cầm cày giúp dân - Ảnh 3.

Chiến sĩ biên phòng kéo máy cày qua bờ ruộng giúp dân - Ảnh: HẢI LUẬN

Phải thương dân mới làm được

"Khi tôi làm đồn trưởng Đồn biên phòng Cà Xèng là lúc triển khai làm lúa nước cho người dân xã Thượng Hóa, hầu như cán bộ, chiến sĩ nào cũng làm việc rất nỗ lực. Riêng anh Duật lo chuyện máy móc, cày bừa nên làm quần quật đêm ngày mà không có một lời than phiền, kêu ca. Phải thật sự thương dân, lo cho dân mới tích cực làm được như vậy. Anh Duật còn truyền nghề cho nhiều đồn khác trong tỉnh" - đại tá Trịnh Thanh Bình, chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình, nhận xét.

"Trước đây, người dân các thôn của xã Thượng Hóa không biết làm lúa nước, phải nhờ Đồn biên phòng Cà Xèng trực tiếp cày, bừa, gieo giống, chăm sóc lúa cho đến khi thu hoạch được bao nhiêu thì chia thóc về cho dân. Hiện nay, người dân đã biết cách làm lúa nước, riêng phần lấy nước, cày bừa, Đồn biên phòng Cà Xèng vẫn còn đảm nhận. Thiếu tá Duật đã tham gia làm lúa cho dân bản 10 năm nay rồi. Anh còn làm cơ khí, sửa chữa máy móc cho người dân trong xã" - ông Đinh Thanh Văn, chủ tịch UBND xã Thượng Hóa, kể thêm.

"Đồn biên phòng Cà Xèng đã nhận được chiếc máy cày mới do UBND tỉnh Quảng Bình tặng. Mấy ngày nay, vùng cao rét dưới 10oC, tôi phải tranh thủ cày ải đất, rồi huy động bộ đội khơi thông hệ thống thủy lợi do mấy trận lũ vừa rồi bị lấp đầy đất đá. Qua tháng sau, sẽ cày bừa lại đất để gieo cấy vụ đông xuân 2021.

Đồn nuôi mấy chục con bò, phân đổ hết xuống ruộng giúp bà con. Nhờ cày ải sâu, bón nhiều phân chuồng, chăm sóc lúa kỹ lưỡng, nên mấy vụ lúa gần đây luôn đạt năng suất cao. Đây là cả kỳ công của bộ đội và đồng bào" - thiếu tá Trần Văn Duật tâm sự.

Lính biên phòng hai lần hoãn cưới để chống dịch COVID-19 Lính biên phòng hai lần hoãn cưới để chống dịch COVID-19

TTO - Khi dịch COVID-19 quay trở lại, nhiều người lính biên phòng nơi 'phên giậu' Tổ quốc lần thứ hai phải hoãn việc trăm năm để tập trung cho nhiệm vụ...

HẢI LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên