25/02/2020 16:35 GMT+7

Lính biên phòng học tiếng dân tộc

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Với người lính biên phòng ở địa bàn biên giới, muốn thâm nhập vào quần chúng và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, muốn xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, họ phải tự học tiếng dân tộc để hiểu dân nói và nói dân hiểu...

Lính biên phòng học tiếng dân tộc - Ảnh 1.

Là người Dáy nhưng công tác ở địa bàn toàn người Dao, giáp với Trung Quốc, trung úy chuyên nghiệp Vùi Văn Thuận tự học để nói thuần thục tiếng Dao và một ít tiếng Trung - Ảnh: MY LĂNG

Trung úy chuyên nghiệp Vùi Văn Thuận, 31 tuổi, người Dáy, về đồn biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu) làm trinh sát, công tác ở một địa bàn 100% bà con bản địa là người dân tộc Dao.

Anh Thuận bảo: "Mình là người Dáy, về đây bà con toàn người Dao, rào cản ngôn ngữ khiến công việc có nhiều khó khăn. Tự mình phải khắc phục. Mình cứ cố gắng học dần, từ việc ăn cơm, cái bát, cốc chè, cái chổi... Khi có thời gian mình và bà con ngồi học tiếng của nhau".

Không học được tiếng bà con thì thất bại

Ma Lù Thàng là khu vực giáp với Trung Quốc nên anh Thuận còn nhờ người lớn tuổi trong bản dạy tiếng Trung. Thế nên, ngoài việc thuần thục tiếng Dao, anh còn nói được một ít tiếng Trung.

"Việc nói được tiếng của bà con khiến mình và người dân gần gũi với nhau hơn. Mình làm gì cũng dễ. Cái vui nhất là bà con nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ đường biên cột mốc, thành lập tổ bảo vệ đường biên mốc giới. Khu vực đường biên, cột mốc có gì bất thường là báo mình ngay" - trung úy Thuận chia sẻ.

Thiếu tá Nguyễn Cảnh Hà (biên phòng Nghệ An) thì có thể giao tiếp bằng sáu thứ tiếng dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú, Đan Lai, Tày Pọng, Lào, trong đó anh viết được cả chữ của người Mông, Tày Pọng và Đan Lai.

"Mình là người Kinh dưới xuôi lên công tác ở địa bàn vùng núi. Bà con đa số là người Mông, còn lại là người Thái và Đan Lai. Hầu như không ai biết tiếng phổ thông, nếu có thì rất ít và chỉ bập bẹ vài từ. 

Mình ở trong nhà dân. Một tháng mới về đồn một lần. Không biết tiếng thì giao tiếp khó khăn vô cùng. Người Mông cực kỳ khó tính. Phụ nữ không ăn cơm chung, không nói chuyện với người lạ. Đến bữa chủ nhà chỉ dọn cơm với muối ra để đấy, không mời ăn. 

Khi đó tôi đang làm nhiệm vụ cho chiến dịch TK02. Tôi khó chịu lắm vì cùng là người Việt Nam mà bất đồng ngôn ngữ trong khi yêu cầu nhiệm vụ lớn quá nên quyết tâm bằng mọi cách phải học" - thiếu tá Hà nhớ lại.

Mật danh TK02 là chuyên án đánh bắt phỉ ở khu vực biên giới tây Nghệ An. Trong chuyên án đó, phỉ là người Lào và cả người Việt. Muốn có được thông tin, không cách gì khác là hỏi dân thông qua việc vận động quần chúng. "Ngôn ngữ bất đồng thì không làm được gì. Trước hết phải hiểu những gì dân nói và nói cho dân hiểu. Không nói được tiếng của bà con thì thất bại" - thiếu tá Hà nói.

Đối với sĩ quan, chiến sĩ biên phòng cắm chốt ở khu vực biên giới, biết tiếng dân tộc là chìa khóa quan trọng nhất mở ra mối quan hệ quân - dân.

Thiếu tá Nguyễn Cảnh Hà

Không lạnh lùng xa cách nữa

Nhưng học tiếng Mông cực kỳ khó. "Toàn âm gió như tiếng Pháp. Hồi đó không có giáo trình. Mình toàn phải tự học. Già làng, trưởng bản chính là người thầy của mình. Chẳng hạn trong bữa cơm, chú ý nghe người ta gọi mình ăn cơm như thế nào, rồi chỉ trỏ hỏi từng đồ vật. Một ngày học chỉ 5-7 từ, nhớ trong đầu. Khi nhớ rồi thì học lại với trẻ con. Tối về nhẩm lại học trong đầu. Sang hôm sau thuộc hết 5-7 từ đó rồi học tiếp từ mới" - thiếu tá Hà kể.

Sau đó anh soạn thảo bằng văn bản cách học chữ người Mông. Người sĩ quan biên phòng còn nhờ học sinh người Mông dạy cách viết chữ. Vốn là dân thành phố, không biết làm rẫy, làm ruộng nhưng khi bám bản, người sĩ quan biên phòng ấy không ngại đi làm cùng bà con. Sau ba năm kiên trì tự học, anh Hà có thể tự tin nói chuyện với bà con người Mông và mất thêm ba năm nữa để viết được chữ Mông thuần thục.

Tấm chân tình và sự ham học tiếng đã tạo được thiện cảm lớn với người dân khắp bản làng. "Khi thấy mình cố gắng học tiếng, bà con rất dễ thương, không lạnh lùng, xa cách nữa" - thiếu tá Nguyễn Cảnh Hà mỉm cười bảo. Không chỉ cung cấp nhiều thông tin quan trọng, bà con người Mông còn làm vía đặt tên cho người sĩ quan đến từ miền xuôi khi coi anh như đứa con của đồng bào người Mông.

Chia sẻ cùng đồng đội

Khi về địa bàn Lóng Sập (Sơn La), nơi có sáu dân tộc anh em cùng sinh sống (Thái, Mông, Mường, Xinh Mun, Kinh, Tày), thiếu tá Đào Mạnh Tưởng thường xuyên đi các bản làng tiếp xúc với người dân nắm tình hình thông tin địa bàn và tội phạm.

Anh sĩ quan biên phòng quê Hưng Yên "đánh vật" với việc học tiếng. "Y như học một ngoại ngữ mới vậy. Các trọng âm cũng khác nhau" - anh Tưởng nói. Một tháng, anh Tưởng xuống địa bàn khoảng 15 ngày, vừa đi công tác vừa học tiếng của người dân. Cùng một lúc anh học tiếng Thái, Mông và Lào.

"Mỗi ngày tôi chỉ học một chữ. Tôi tự học những từ thiết thực nhất phục vụ cho sinh hoạt, công việc, cuộc sống hằng ngày rồi dần phát triển ra các từ nghiệp vụ biên phòng. Khi có kiến thức rồi học rất nhanh" - anh Tưởng cho hay. Chỉ sau một năm, anh đã nói thuần thục.

Nhờ giỏi tiếng bà con, anh chiếm được thiện cảm lớn với người dân bản địa; các thông tin về tội phạm, chủ quyền an ninh biên giới, hoạt động địa phương... bà con đều gọi. Người dân còn tin tưởng nghe theo anh bộ đội biên phòng, dám bỏ không trồng ngô, cây khoai mì như lâu nay để trồng chanh leo và vui mừng khi mang lại nguồn thu nhập cao hơn trước hàng chục lần.

Từ kinh nghiệm của mình, thiếu tá Đào Mạnh Tưởng hướng dẫn anh em trong đơn vị cùng học. Bàn uống nước của đơn vị có một chiếc bảng nhỏ, mỗi ngày anh em viết lên đó một chữ phiên âm tiếng Thái. Khi ăn cơm, gặp nhau cũng chào bằng tiếng Thái, tiếng Mông cho quen. Khi nào hết vốn thì chuyển qua nói tiếng Kinh...

Lính biên phòng làm cán bộ xã Lính biên phòng làm cán bộ xã

TTO - Nơi ở của trung tá Phạm Minh Hải (Đồn biên phòng Hua Bum) là căn nhà gỗ cấp 4 rất tuềnh toàng, cũ kỹ trong bản Nậm Ô thuộc xã Nậm Ban (Lai Châu). Đó là nơi ở của tổ công tác biên phòng xã Nậm Pan (Đồn biên phòng Hua Bum)

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: lính biên phòng