24/12/2018 11:16 GMT+7

Lính biên phòng làm cán bộ xã

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Nơi ở của trung tá Phạm Minh Hải (Đồn biên phòng Hua Bum) là căn nhà gỗ cấp 4 rất tuềnh toàng, cũ kỹ trong bản Nậm Ô thuộc xã Nậm Ban (Lai Châu). Đó là nơi ở của tổ công tác biên phòng xã Nậm Pan (Đồn biên phòng Hua Bum)

Lính biên phòng làm cán bộ xã - Ảnh 1.

Bí thư xã Phạm Minh Hải đi thăm một nhà dân trong bản Nậm Ô - Ảnh: My Lăng

“Xưa ở đây nhà tranh lụp xụp. Từ năm 2011, toàn mái tôn xanh xanh, đỏ đỏ. Xưa người Mảng chỉ củ sắn củ mài, giờ gạo thóc đầy nhà, bữa cơm có cá có thịt.

Ông Lý A Quân (trưởng bản Nậm Ô, bản trung tâm của xã Nậm Ban)

Trung tá chuyên nghiệp Phạm Minh Hải vừa là nhân viên đội vận động quần chúng của Đồn biên phòng Hua Bum vừa là bí thư xã Nậm Ban. Nhiều năm nay, mô hình cán bộ biên phòng được điều động tăng cường cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn và giữ các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch xã... đã phát huy hiệu quả trong việc tham mưu và phát triển kinh tế, xã hội của bà con dân tộc vùng cao.

Bữa cơm có thịt, trường học khang trang

Hôm chúng tôi đến, tổ công tác cho biết anh Hải đi vào bản Nậm Vạc 1 gặp bà con từ sáng. Bản cách đây 27km, phải chiều tối mới về! Hơn 19h, ông bí thư xã Phạm Minh Hải với cái mũ bảo hiểm to đùng, dựng chiếc xe máy cà rục cà rịch đầy bụi đất, ngay trước cửa gian nhà của tổ công tác biên phòng.

Câu chuyện bắt đầu với bí thư xã Nậm Ban lúc 20h30, ngay bên bàn ăn cũng là bàn tiếp khách trong gian nhà gỗ chỉ có duy nhất cái bóng đèn cũ tỏa ánh sáng mù mù. Giữa đêm thanh vắng của rừng núi, chợt nghe tiếng kẻng vang lên một hồi dài. Khoảng 15 phút sau lại một hồi kẻng nữa. Một chặp nữa lại nghe tiếng kẻng lần thứ ba. "Gõ kẻng họp bản đấy. Giờ này tối mà gõ 2 - 3 lần vì dân bản ý thức vậy đấy, gõ một lần chưa đến ngay đâu" - ông nói.

19 năm trước. Đang là đội phó đội vận động quần chúng, thượng úy Phạm Minh Hải được tăng cường làm cán bộ xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) với nhiệm vụ tham mưu giúp xã phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn. Rồi được điều về xã Nậm Ban làm phó bí thư thường trực xã với nhiệm vụ: phối hợp củng cố cơ sở chính trị, cùng thường vụ kiện toàn đội ngũ cán bộ. 

Nậm Ban khi đó là một xã đã nghèo lại còn đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng gần như không có gì, cấp ủy còn yếu kém. Tới năm 2013, anh Hải được giao trọng trách bí thư xã cho đến giờ.

"Ngày trước mới về xã, hệ thống sổ sách lưu trữ của xã không có gì! Vì có việc gì họ đến bàn nhau một tí, xong ăn cơm với nhau rồi về. Không có ghi chép gì cả. Từ khi tôi về, cuối 2007 - 2008 các sổ sách kiện toàn hết. Tôi không sợ động chạm, thay thế hết các đội ngũ cán bộ. Bác nào già cho nghỉ hưu. Có những người không biết dùng máy tính, không biết làm báo cáo...

Đến giờ, cán bộ xã có 1 thạc sĩ, 8 cử nhân, 1 trung cấp. Ngày xưa họp hành, phát biểu... không có chuẩn bị văn bản gì cả. Giờ mình đi đâu cũng yên tâm mọi người ở nhà làm được hết. Phó bí thư là người dân tộc Cống đã đảm nhiệm được".

Không chỉ tạo ra một "cuộc cách mạng" trong việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, bí thư Phạm Minh Hải còn mạnh dạn thay đổi cả trường học của người dân nơi đây.

Khi anh mới về, xã chỉ có một trường học theo kiểu 3 trường làm một: mẫu giáo, cấp I và cấp II ở cùng một địa điểm. Trường chỉ là mấy cái lớp học lụp xụp. Giờ đã tách thành 3 trường: mầm non, tiểu học, trung học riêng biệt. "Mô hình trường bán trú ở xã tôi năm 2008 là trường bán trú đầu tiên của Lai Châu đấy - trung tá Phạm Minh Hải tự hào nói - Bộ đội biên phòng làm cho các cháu một nhà ăn, cho bát đĩa, nồi xoong, xin gạo các nhà hảo tâm, xuống tận nơi hướng dẫn các cháu nấu cơm, dạy các cháu căng dây phơi quần áo, làm giường... Ngày xưa cả xã chỉ có hơn 200 học sinh! Giờ hơn 600".

Ngoài việc ổn định về an ninh, trật tự, người lính biên phòng kiêm bí thư xã Nậm Ban còn tạo ra dấu ấn với những chủ trương về kinh tế đã thay đổi cuộc sống người dân.

Ông Lý A Quân, trưởng bản Nậm Ô, bản trung tâm của xã Nậm Ban, cho hay: "Xưa ở đây nhà tranh lụp xụp. Từ năm 2011, toàn mái tôn xanh xanh đỏ đỏ. Xưa người Mảng chỉ củ sắn củ mài, giờ gạo thóc đầy nhà, bữa cơm có cá có thịt".

Lính biên phòng làm cán bộ xã - Ảnh 3.

Xã Nậm Ban nay đã có trường lớp đàng hoàng cho học sinh - Ảnh: My Lăng

Phải có kiến thức, có uy tín

Huổi Luông (huyện Phong Thổ) là 1 trong 10 xã đông dân và diện tích lớn của tỉnh Lai Châu. Điều kiện an ninh chính trị ở địa bàn phức tạp. Địa bàn xã biên giới quá rộng, nhiều thành phần dân tộc.

10 năm trước. Khi được tăng cường về làm cán bộ xã Huổi Luông, thượng úy Lê Văn Dung gây dấu ấn với mô hình trồng chuối. Cây chuối đã tạo ra sự thay đổi đột biến. Năm 2008 thu nhập bình quân đầu người của xã Huổi Luông chỉ là 5 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2017, con số này là 26 triệu đồng/người/năm. Năm 2008 cả xã chỉ có 2 ôtô, bây giờ có 50 chiếc. 85 - 90% hộ có xe máy. Năm 2008 xã có trên 60% hộ nghèo. Đến năm 2016 chỉ còn 15,09% hộ nghèo (theo tiêu chí cũ).

Tám năm làm phó bí thư rồi bí thư xã, người lính biên phòng Lê Văn Dung đã có nhiều đóng góp về an ninh chính trị, đặc biệt là giải quyết những vụ tranh chấp. Như vụ tranh chấp đất ở làng Vây năm 2015.

Khi đó, một số hộ dân không chịu đi bầu cử do giải quyết đất đai không thỏa đáng. "Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh và ban giám đốc Công an tỉnh, thường vụ Huyện ủy giao cho tôi nhiệm vụ giải quyết bằng được vụ việc này. Ngày 21 là ngày bầu cử thì ngày 17 phát sinh vụ việc đó. Các cơ quan, ban ngành của huyện muốn vào làng nhưng tôi trao đổi lại và xin ý kiến của chỉ huy đơn vị đồng ý chỉ để một mình tôi vào giải quyết. Trong vòng từ ngày 18 đến ngày 19 giải quyết xong. Khi bầu cử, điểm nhóm đó là một trong những điểm bầu cử sớm nhất của xã Huổi Luông và 100% cử tri đi bỏ phiếu".

Bí thư xã Huổi Luông cho biết: "Khi tiếp xúc với bà con, muốn được việc, hiệu quả thì cán bộ phải có uy tín. Khi xuống với dân phải cởi mở, xuống để giúp dân chứ không phải là cán bộ quan cách, phải biết cách động viên, gợi mở để người dân chịu nói ra, tự nói ra, tự đề xuất. Trước kia mình đã cắm bản ở bao nhiêu năm với dân rồi, biết được tư tưởng, suy nghĩ của dân rồi nên họ thích nói chuyện với mình lắm".

Mô hình cán bộ biên phòng tăng cường xã được thực hiện tại các xã biên giới đặc biệt khó khăn. Hiện Bộ đội biên phòng đang tăng cường 322 cán bộ, trong đó 263 người giữ chức danh trong cấp ủy, chính quyền xã (14 bí thư đảng ủy xã, 229 phó bí thư xã, 7 chủ tịch HĐND xã, 5 chủ tịch UBND xã...).
Xã Nậm Ban có 352 hộ với 1.922 khẩu. Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của xã hơn 4 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2017, con số này là 12.500.000 đồng. Ở đây, bà con là người Mông, Mảng, Hà Nhì.

Người Mảng là 1 trong 5 dân tộc đặc biệt khó khăn ở Lai Châu. “Tôi vẫn còn trăn trở lắm - anh Hải chia sẻ - Vì vẫn còn hộ nghèo. Mà đất hoang thì còn rất nhiều. Chúng tôi bàn bạc rồi tính toán đến giải pháp cuối cùng là phải đưa máy xúc vào khai hoang, chia đất cho bà con người Mảng thuộc hộ nghèo, những người già không có tiền. Vừa rồi chúng tôi đã khai hoang xong 16ha ở Hua Pản, cho bà con bốc thăm lấy đất canh tác”.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên