Lần theo vòi bạch tuộc lừa đảo người lao động - Kỳ cuối: Vũ khí công nghệ trong tay bọn lừa đảo

Một nạn nhân cho biết cô bị ép buộc phát triển và tích hợp khả năng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động lừa đảo. Cô nhấn mạnh công nghệ của trung tâm lừa đảo trực tuyến tiên tiến hàng đầu thế giới.

lừa đảo người lao động - Ảnh 1.

Cuối tháng 5-2024, cảnh sát Thái Lan đã thu giữ các thiết bị SIMbox (thiết bị chứa nhiều SIM để chuyển cuộc gọi quốc tế thành nội địa) và ăng ten vệ tinh Starlink được các trung tâm lừa đảo trực tuyến sử dụng - Ảnh: hải quan Thái Lan

Đây là con quái vật toàn cầu. Chúng ta cần tấn công nó trên mọi mặt trận.
JUDAH TANA

Ông Judah Tana là giám đốc Tổ chức Global Advance Projects ở Thái Lan chuyên giúp đỡ các nạn nhân buôn người. Ông và các cộng sự đã từng giúp một cô kỹ sư máy tính người Myanmar trốn thoát trong lần cô này có lính theo canh gác đến quán cà phê ở miền bắc Myanmar.

Nạn nhân cho biết cô bị ép buộc phát triển và tích hợp khả năng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động lừa đảo. Cô nhấn mạnh công nghệ của trung tâm lừa đảo trực tuyến tiên tiến hàng đầu thế giới.

Từ công nghệ deepfake đến "bộ công nghệ tiên tiến"

Vào tháng 1-2024, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã cảnh báo các trung tâm lừa đảo đang sử dụng công nghệ deepfake (tạo ảnh, video và âm thanh giả mạo) để lừa đảo với tỉ lệ thành công rất đáng báo động. Trong năm 2022-2023, các vụ lừa đảo deepfake ở châu Á - Thái Bình Dương đã tăng đến 1.530%.

Các trung tâm lừa đảo trực tuyến thường sử dụng công nghệ deepfake để thực hiện hành vi lừa đảo trong đầu tư; tạo nội dung khiêu dâm; mạo danh cảnh sát, người nổi tiếng và người thân trong gia đình. Chúng cũng sử dụng công nghệ deepfake để vượt qua các hệ thống xác minh kỹ thuật số và các biện pháp xác thực khách hàng của ngân hàng trong quá trình chuyển tiền và rửa tiền.

Hai nhà nghiên cứu Julia Dickson và Lauren B. Preputnik thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ ghi nhận bọn lừa đảo còn biết sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).

Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) nhấn mạnh các LLM như ChatGPT đã giúp chúng tạo tin nhắn chân thực hơn để chiếm lòng tin của con mồi. Diễn biến mới đáng lo ngại là chúng đã biết tạo các LLM mới như FraudGPT để viết các trang lừa đảo, email lừa đảo và thậm chí tạo công cụ bẻ khóa mật khẩu.

Hơn nữa, các báo cáo gần đây tiết lộ một tổ chức tội phạm mạng Trung Quốc đã sử dụng "bộ công nghệ tiên tiến" trong hoạt động buôn người để thu lợi từ nền kinh tế đánh bạc bất hợp pháp.

Cách thức tiến hành như sau: Các công ty bình phong do các nhóm tội phạm Trung Quốc điều hành sử dụng nhiều danh tính và thông tin xác thực giả để tài trợ cho các câu lạc bộ bóng đá châu Âu nhằm quảng bá các trang web đánh bạc trên sân vận động hoặc trên áo thi đấu.

Sau khi đã dụ con mồi vào các trang web đó, chúng dựa vào "bộ công nghệ tiên tiến" gồm phần mềm, cấu hình hệ thống tên miền, lưu trữ web, hệ thống thanh toán và các ứng dụng di động để thu lợi. Các nạn nhân buôn người bị ép buộc làm công việc điều hành đánh bạc trực tuyến và hỗ trợ khách hàng.

UNODC ghi nhận các nhóm tội phạm đang sử dụng nhiều phần mềm độc hại, nhất là phần mềm đánh cắp thông tin (infostealer) như thông tin đăng nhập hay thông tin tài chính. Gần đây chúng có thể mua bán các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật cao trên thị trường dữ liệu và các diễn đàn ngầm, từ đó thúc đẩy "nền kinh tế dịch vụ tội phạm" phát triển.

Ví dụ chúng có thể mua thông tin bị ăn cắp với giá chỉ từ 50-250 USD cũng như tuyển dụng bọn môi giới để rửa tiền và có được thông tin cá nhân nhạy cảm để tống tiền hoặc xâm nhập vào hệ thống của con mồi.

UNODC lưu ý do sử dụng công nghệ tiên tiến nên gần đây các trung tâm lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á đang dụ dỗ tuyển các nạn nhân có trình độ công nghệ thông tin cao như nhà khoa học dữ liệu, nhà phát triển phần mềm, chuyên viên tiếp thị kỹ thuật số, chuyên viên truyền thông để giúp chúng khai thác các công nghệ mới nổi và chuyên nghiệp hóa hoạt động phi pháp.

lừa đảo người lao động - Ảnh 2.

Sáng 25-3-2025 tại huyện Wang Chao thuộc tỉnh Tak, giáp giới Myanmar, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ một nhóm buôn người Trung Quốc bị tình nghi liên quan đến các trung tâm tổng đài lừa đảo - Ảnh: The Nation

Làm thế nào chống lại nạn buôn người để lừa đảo?

Báo cáo về nạn buôn người (TIP) năm 2023 là báo cáo đầu tiên đánh giá cần quan tâm đặc biệt đến nạn buôn người nhằm mục đích lừa đảo trực tuyến. Báo cáo ghi nhận hình thức buôn người này là xu hướng mới phát triển. 

Trung tâm CSIS ở Mỹ ghi nhận trong năm 2023, CSIS đã đề nghị bốn ưu tiên gồm ngăn chặn tuyển dụng lừa đảo, bảo vệ các nạn nhân, trấn áp bọn lừa đảo và đấu tranh chống tham nhũng. Với tình hình mới đang diễn biến phức tạp, cuối năm 2024 CSIS tiếp tục đưa ra các khuyến nghị bổ sung như sau:

* Tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan: Không nên đổ trách nhiệm cho các nạn nhân tìm việc rằng họ đã không phát hiện các quảng cáo lừa đảo. Các nền tảng tuyển dụng và mạng xã hội cần tích cực ra tay ngăn chặn. 

Các tổ chức đối tác có liên quan bao gồm đại diện các doanh nghiệp và các chuyên gia về buôn người nên nâng cao nhận thức trong các tổ chức thành viên và xây dựng các biện pháp mới để chống nạn buôn người và hỗ trợ các nạn nhân.

Cụ thể là cần cải thiện khả năng phát hiện, xóa hoặc báo cáo các bài tuyển dụng lừa đảo. Trí tuệ nhân tạo hoặc máy học có thể giúp phát hiện quảng cáo lừa đảo. Năm 2021, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ đã thiết lập một mạng lưới trực tuyến gồm hơn 1.200 tổ chức xã hội dân sự để chia sẻ các biện pháp ứng phó chống nạn buôn người tốt nhất.

* Giúp đỡ các nạn nhân buôn người: Các quốc gia nên cập nhật pháp luật về chống buôn người nhằm mục đích bảo vệ các nạn nhân. Cần sửa đổi các đạo luật đi ngược nguyên tắc không trừng phạt.

Nguyên tắc không trừng phạt của UNODC quy định nạn nhân buôn người "không nên bị bắt giữ, buộc tội, giam giữ, truy tố hoặc bị trừng phạt hoặc các hình thức trừng phạt nào khác vì hành vi bất hợp pháp mà họ đã thực hiện là hậu quả trực tiếp từ việc bị buôn người". Trên thực tế nguyên tắc này không phải lúc nào cũng được tôn trọng.

* Giải quyết nguyên nhân sâu xa và tạo môi trường thuận lợi: Bất kỳ giải pháp lâu dài nào để giải quyết nạn cưỡng bức lừa đảo và các hình thức buôn người khác đều phải bao gồm các biện pháp tái hòa nhập cho những người lầm lỡ, nhất là đào tạo tay nghề và tái hòa nhập xã hội.

Doanh thu từ hoạt động lừa đảo trực tuyến ở một số quốc gia Đông Nam Á tương đương từ 40-50% GDP chính thức. Một khi các trung tâm lừa đảo vẫn làm ăn có lãi và không bị trừng phạt, bọn buôn người sẽ tiếp tục nghĩ ra nhiều cách mới. Do đó các cơ quan thực thi pháp luật và các bên liên quan phải hợp tác xử lý các lỗ hổng quản lý và nạn tham nhũng.

Để đối phó toàn diện với nạn cưỡng bức lừa đảo, cần xây dựng các biện pháp can thiệp tấn công bọn buôn người và môi trường dẫn tới buôn người, phối hợp hành động giữa các khu vực và các bên liên quan, thường xuyên phân tích các hình thức buôn người mới phát sinh đồng thời thực thi pháp luật quốc tế bảo vệ các nạn nhân được giải cứu.

Bảo vệ các nạn nhân buôn người sống sót khỏi bị trừng phạt là điều cần thiết về đạo đức và là cơ hội để họ hợp tác điều tra. Nếu không bảo vệ họ, công tác bắt giữ và trừng phạt bọn buôn người cũng như hợp tác chống buôn người giữa các quốc gia sẽ trở nên vô cùng khó khăn.

Các chính phủ và tổ chức phi chính phủ nên hỗ trợ các nạn nhân tìm việc làm dù việc này có khó khăn hơn do hậu quả tâm lý để lại sau thời gian bị cưỡng ép lừa đảo và vết đen trong lý lịch của họ.

Lần theo vòi bạch tuộc lừa đảo người lao động - Kỳ cuối - Ảnh 3.Lần theo vòi bạch tuộc lừa đảo người lao động - Kỳ 5: Ma quỷ lừa đảo - Ai nạn nhân, ai thủ phạm?

Hai nhà nghiên cứu Julia Dickson và Lauren B. Preputnik thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ khẳng định các trung tâm lừa đảo trực tuyến ra đời do ngành công nghiệp cờ bạc ở Đông Nam Á sụp đổ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên