Từ một thửa đất nông nghiệp lớn tại TP Bảo Lộc, chủ đất đã "hiến đất mở đường", sau đó phân lô nhỏ để chào bán - Ảnh: M.VINH
Ngày 1-11, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy định điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (40/2021-QĐ-UBND).
Theo quy định mới ban hành này, chỉ được tách thửa đất khi có bản vẽ thiết kế, quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây được xem là quy định nhằm chấn chỉnh việc lợi dụng quy định "hiến đất làm đường" để phân lô xẻ nền trái phép nhiều năm qua tại địa phương.
Theo quy định, đất được tách thửa phải tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu và đã thể hiện trên bản đồ địa chính hoặc giấy chứng nhận đã cấp.
Trường hợp có đường giao thông hiện hữu nhưng chưa được thể hiện trên bản đồ địa chính hoặc giấy chứng nhận đã cấp thì UBND cấp xã xác nhận về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất, trước khi tham mưu UBND cấp huyện xác nhận cho tồn tại đối với trường hợp không phải là đường tự ý mở và cộng đồng dân cư đã sử dụng ổn định; trước khi xem xét tách thửa, hợp thửa.
Con đường trái phép mở ngay trong vùng chè, cà phê Bảo Lộc rộng hơn 30 hecta - Ảnh: M.VINH
Đối với thửa đất lớn, chưa có đường và phải mở đường mới thì có 2 trường hợp. Đầu tiên, nếu thửa đất nhỏ hơn 5ha thì lập bản vẽ tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500, được UBND cấp huyện ký duyệt bản vẽ kèm theo văn bản thống nhất; trong đó thể hiện các quy chuẩn quy định liên quan đến hạ tầng kỹ thuật đường giao thông thuộc bản vẽ gồm: sự tương đồng về chiều rộng của đường giao thông đấu nối, chiều rộng đường giao thông nội khu; chiều rộng đường đấu nối và đường nội khu trong bản vẽ lớn hơn 7m (bao gồm lòng đường, lề đường, mương thoát nước,...).
Ngoài ra, đối với thửa đất hoặc khu đất đề nghị tách thửa, hợp thửa mà có diện tích từ 5.000m2 trở lên sau khi đã trừ diện tích làm đường giao thông thì phải dành ít nhất 5% diện tích của thửa đất hoặc khu đất để làm hạ tầng xã hội phục vụ lợi ích công cộng.
Đối với thửa đất nhỏ lớn hơn 5ha thì lập quy hoạch chi tiết xây dựng trình phê duyệt theo quy định để triển khai thực hiện.
Với thửa đất hoặc khu đất đề nghị tách thửa, hợp thửa mà có diện tích từ 5.000m2 trở lên sau khi đã trừ diện tích làm đường giao thông thì phải dành ít nhất 5% diện tích của thửa đất hoặc khu đất để làm hạ tầng xã hội phục vụ lợi ích công cộng.
UBND tỉnh Lâm Đồng
Cho phép hợp thửa cùng mục đích sử dụng đất vào trong cùng một thửa đất và không quy định diện tích, kích thước tối thiểu khi hợp thửa.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng quy định rõ diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất nông nghiệp. Theo đó, diện tích tối thiểu tách thửa là 500m2 tại khu vực đô thị; 1.000m2 tại khu vực nông thôn.
Trường hợp tiếp giáp với đường giao thông thì ngoài diện tích tối thiểu tách thửa theo quy định tại khoản này gồm cả diện tích thuộc hành lang bảo vệ công trình công cộng (nếu có) thì còn phải đảm bảo có kích thước cạnh tiếp giáp đường lớn hơn 10m.
Chấn chỉnh nạn "hiến đất mở đường" làm dự án lậu
Giữa tháng 6-2021, UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản tạm dừng giải quyết các hồ sơ liên quan đến việc tách, hợp thửa do hình thành đường giao thông mới từ việc người dân hiến đất làm đường. Lý do của việc dừng tách thửa được UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra là để Hội đồng tư vấn pháp lý của tỉnh nghiên cứu hoàn thiện các quy định quản lý.
Trước đó, Tuổi Trẻ đã liên tục phản ánh việc người dân, các công ty thu gom đất nông nghiệp, sau đó thực hiện "hiến đất mở đường" nhằm hợp thức hóa việc phân lô xẻ nền, từ đó hình thành các dự án bất động sản lậu gây bất ổn kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương, khu vực nông thôn.
Tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận, hiện tượng hiến đất mở đường không chỉ xảy ra riêng ở địa phương Bảo Lộc, mà còn ở nhiều huyện khác như Bảo Lâm, Lâm Hà, Đức Trọng,... Tại Bảo Lộc, Công an tỉnh Lâm Đồng đang vào cuộc điều tra các sai phạm quản lý đất đai tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận