01/10/2024 08:51 GMT+7

Khóc, cười giấc mơ đổi đời từ vé số - Kỳ 3: Vé số miền Tây 'đi từng ngõ, gõ từng nhà'

Đám tiệc ở miền Tây có "văn hóa" mua vé số tặng nhau, mỗi người mua tặng chín, mười người còn lại trong bàn ít nhất một, hai tờ. Cứ xoay vòng như vậy đến khi tàn tiệc thì vé số đã đầy nhóc túi áo, túi quần...

Khóc, cười giấc mơ đổi đời từ vé số - Kỳ 3: Vé số miền Tây 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' - Ảnh 2.

Một phụ nữ cầm “sớ” bán vé số ở chợ Thứ Bảy, huyện An Biên, Kiên Giang - Ảnh: QUÂN NAM

"Có tiền bỏ túi làm chi/ Đi mua vé số có khi làm giàu"

Cứ mỗi sáng ngồi uống cà phê, đọc báo và mua vé số từ lâu đã trở thành một nếp quen của không ít người miền Tây Nam Bộ, không chỉ là mua hy vọng đổi đời mà trước hết là muốn giúp đỡ những người bán vé số dạo sớm vơi đi xấp vé số trên tay...

Lực lượng bán vé số mưu sinh rất đông đảo, đủ cả nam, phụ, lão, ấu. Có người lành lặn, người khuyết tật, đa phần hoàn cảnh khó khăn. Những người bán vé số dạo vào tận cửa nhà, sâu trong những xóm ấp để mời người mua, lâu dần thân quen thì có nhiều mối ruột.

Ở khu vực chợ Kinh Quận (Tân Thạnh, Long An), người dân ở đây chủ yếu làm nông, thế nhưng có một ngành "dịch vụ" khá sôi nổi, đó là vé số. Lớn lên ở khu này, anh Trần Tài (30 tuổi, đang làm việc tại TP.HCM) cho biết từ nhỏ đến giờ anh thấy có nhiều người bán và chơi vé số. 

"Mỗi lần về quê, tôi ra quán cà phê ở chợ ngồi là được mời mua vé số liên tục. Nếu bỏ túi 100.000 đồng, mỗi lượt người mời mua một tờ, chắc chưa đến một tiếng là hết tiền", anh Tài ví von.

Theo anh Tài, dân quê anh chơi vé số nhiều và còn xem đó là một khoản đầu tư "ngon lành cành đào". 

"Có tiền bỏ túi làm chi, đi mua vé số có khi làm giàu", anh vui vẻ thuật lại lời rao của nhiều người bán vé số. Anh nói: "Chỗ này thấy vậy chứ cách khoảng thời gian lâu lâu là nghe có người trúng độc đắc. Nên bình thường ai cũng mua cầu may vài tờ mỗi ngày".

Sống ở khu Kinh Quận này, bà Sáu (57 tuổi) cho biết nhà ít ruộng nên bà ra đại lý lấy chừng trăm tờ bán kiếm thêm, đỡ gánh nặng cho con cái. 

Nếu cố gắng bán hết, mỗi ngày bà có chừng trăm ngàn đồng mua mắm muối, chi tiêu. Lúc nông nhàn, con trai và con dâu bà cũng ra đại lý lãnh vé số bán.

Vé số miền quê bán có lúc chậm lúc nhanh, nhưng người mua lơi lơi lại quen tay mua tiếp. Bà Sáu nhớ cách đây không lâu vé số bỗng nhiên bán chậm, nhưng một hôm "mấy nhà hai bên dãy kênh trong kia trúng độc đắc thấy ham". Vậy là vé số lại bán chạy "rần rần" trở lại.

Nhà không có ruộng đất, mấy chục năm nay kinh tế gia đình anh Hải (40 tuổi) được góp nhặt từ những đồng lời ít ỏi của mỗi tờ vé số. Anh cho biết trung bình mỗi ngày một người bán được khoảng 200 vé. 

Hai vợ chồng có ngày bán được gần 500 vé nhờ có mối ruột mua vài chục tờ hoặc theo lốc. Nhờ vậy mà cuộc sống ổn định, nuôi con ăn học tới nơi tới chốn.

"Đi từng ngõ, gõ từng nhà" để mời mua vé số

Sáng sớm, ở chợ Thứ Bảy (huyện An Biên, Kiên Giang), ước chừng cỡ 30 người bán vé số dạo đi tới đi lui mời chào. Trong tiếng lao xao mua bán đủ loại hàng hóa của khu chợ, những người đàn ông tất tả, những phụ nữ đội nón lá cứ đi từ đầu chợ đến cuối chợ để bán từng tờ vé số.

Rồi họ vòng ra ngoài đường, đi mấy quán cà phê, quán ăn rồi vòng lại. Anh Hoàng Nhật (46 tuổi) cười cho biết mình và nhóm bạn ngồi cà phê nửa tiếng mà 7 - 8 người tới mời mua vé số, "lắc trẹo cái cổ luôn".

Nhiều người bán còn chế một đoạn cây ngắn kẹp các xấp vé số thẳng thớm như Táo quân cầm sớ để đi bộ bán cho người mua dễ chọn lựa. Có điều Táo quân cầm sớ lên trời trình Ngọc hoàng, còn người bán vé số thì cầm sớ đi tìm "thượng đế" ở các quán cà phê, quán nhậu.

Còn ở tuốt trong mấy con lộ nhỏ thuộc ấp Hội Thành, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, nhiều người bán vé số đạp xe tà tà vô tận sâu trong sân nhà mời mua vé số. Ông Hoàng Mây (50 tuổi) kể ở khu này, hình ảnh vào nhà mời mua vé số đã quá quen thuộc. Và người bán cũng có những khách ruột để lựa số đẹp hoặc năn nỉ lấy giùm số ế buổi chiều.

Ở nhiều miệt quê khác như bên tỉnh Long An cũng vậy. Người bán vé số quen khách tới mức cứ tự nhiên te te đi thẳng vô nhà bếp, thậm chí phòng ngủ để rổn rảng mời: "Số đẹp dành cho anh guột nè". 

Gặp bữa khách hổng tiền, hổng dám thò tay nhận thì người bán cười tỉnh rụi liệng luôn vé số xuống võng, xuống giường cho thiếu nợ rồi thản nhiên te te đi ra như lúc vô. 

Vậy mà có người hên trúng "số liệng cho nợ" kiểu này, chuyện một đồn mười, người bán vé số miệt quê lại càng tự nhiên "đi từng ngõ, gõ từng nhà" và... mở luôn cửa phòng ngủ.

Khóc, cười giấc mơ đổi đời từ vé số - Kỳ 3: Vé số miền Tây 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' - Ảnh 3.

Người bán vé số vào tận các nhà ở xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre để mời chào - Ảnh: YẾN TRINH

Đại lý vé số cũng giao sỉ tận nhà

Chị Hoa Mai (45 tuổi, ở Lấp Vò, Đồng Tháp) hơn chục năm nay là đại lý cấp 2, nhận mỗi ngày ít nhất 3.000 vé số từ đại lý cấp 1 của công ty xổ số kiến thiết để phân phối lại cho những người bán lẻ trong khu vực.

"Mối sỉ của tôi cũng loanh quanh 5 cây số trở lại thôi à, có người bán được thì lấy 400, 500 tờ, người bán chậm thì lấy 200, 300 tờ vậy đó. Vé số cuối giờ còn dư không bán được thì người ta gọi điện nói còn nhiêu tờ, số bao nhiêu đó, báo trước 4h chiều là tôi thu lại, trả về đại lý", chị Hoa chia sẻ.

Cứ tầm 19h hằng ngày chị Mai bắt đầu chạy xe với những xấp vé số được phân chia sẵn sàng để giao đến tận nhà cho mối của mình là những người bán dạo. Có xóm buổi chiều lại ngồi tụm năm, tụm ba trò chuyện rôm rả trong lúc đợi chị Mai giao vé số. Tính tình chị dễ gần, hài hước nên lúc nào tấp xe vào cũng được "đội quân" vé số đón chào như bà con ở xa về thăm nhà.

"Người ta cũng nói thôi để họ lại nhà tôi lấy vé số về bán, nhưng tôi thấy mấy cô chú cũng có tuổi hết rồi, có mấy người còn ngồi xe lăn, bị tai biến nữa, rồi đi bán về xong xuôi cũng 4h-5h chiều, còn cơm nước rồi nghỉ ngơi nữa nên tôi chạy đi giao luôn cho các cô chú. Đi riết cũng ghiền, tôi có phiền hà gì đâu!", chị Hoa cười hào sảng.

Cũng theo chị Hoa, hầu hết các đại lý vé số ở khu vực này đều cất công giao đến tận nhà cho những người bán dạo. Các đại lý cấp 2 như chị Hoa sẽ có mức chiết khấu thấp hơn so với các đại lý cấp 1 nhưng ít khi hoặc không phải chịu sức ép về chỉ tiêu, năng lực mở rộng đại lý.

Dân miền Nam mua gần 13,7 tỉ tờ vé số năm 2023

Trong 64 công ty xổ số kiến thiết ở Việt Nam thì 21 công ty phía Nam giành 93,3% thị phần. Có khoảng 264 triệu tờ vé số được phát hành mỗi tuần và 98% vé số được người dân mua hết ở 21 tỉnh thành miền Nam từ Bình Thuận đến Cà Mau.

Gần 13,7 tỉ tờ vé số kiến thiết đã được bán ra năm 2023 với doanh số của các công ty xổ số miền Nam gần 136.700 tỉ đồng. Các công ty khu vực đạt hơn 17.025 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 15% so với năm 2022.

Con số 41.059 tỉ đồng là tổng số tiền các công ty này đã nộp vào ngân sách nhà nước, vượt so với kế hoạch hơn 4.900 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế cao nhất là Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM đạt 1.464 tỉ đồng và thấp nhất là Bình Phước đạt lợi nhuận 490 tỉ đồng.

----------------------

"Mua đi em trai, mai trúng. Số này dễ ra lắm à nha". Đang chạy xe tà tà sắp quẹo vô con lộ gần phòng trọ, anh Đức Toàn dừng ở tiệm tạp hóa mua chai nước ngọt thì "định mệnh" đời anh cầm xấp vé số lật đật chạy tới.

Kỳ tới: "Trúng chết liền nhưng càng mua càng ghiền"

Khóc, cười giấc mơ đổi đời từ vé số - Kỳ 3: Vé số miền Tây 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' - Ảnh 3.Khóc, cười giấc mơ đổi đời từ vé số - Kỳ 2: Cà phê bờ hồ Hoàn Kiếm, lựa số đẹp Cà Mau

Vé số giờ không cần ra tận đại lý hay trực tiếp lựa trên tay người bán dạo, mà trên các hội nhóm đăng tải những tờ số đẹp, sáng bán chiều xổ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên