Thí sinh đến làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT sẽ được phổ biến về sơ đồ phòng thi. Cán bộ coi thi nhắc nhở thời gian gọi thí sinh, thời gian làm bài, những vật dụng thí sinh không được phép mang vào phòng thi…
Năm nay, cả nước có 1,02 triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm 2022 khoảng 24.000 em.
Trong đó, hơn 917.000 thí sinh dùng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét đại học. Số thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là 73.200. Con số thi để xét tuyển vào đại học là hơn 34.200 thí sinh.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay việc tổ chức kỳ thi cơ bản được giữ ổn định như năm 2022. Các tỉnh thành chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.
Ngày mai 28-6, thí sinh sẽ thi môn ngữ văn (buổi sáng, thời gian làm bài 120 phút) và thi toán (buổi chiều, thời gian làm bài 90 phút).
Hà Nội: Gần 20.000 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thi tốt nghiệp THPT
Với hơn 102.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước cả về số thí sinh và lực lượng làm nhiệm vụ thi.
Toàn thành phố Hà Nội có 189 điểm thi chính thức tại 30 quận, huyện, thị xã, với 4.300 phòng thi. Ngoài các trường THPT, một số trường THCS cũng được trưng dụng làm điểm thi chính thức. Ở mỗi điểm thi bố trí 2 phòng thi dự phòng. Tại một số quận, huyện bố trí 1-2 điểm thi dự phòng để sử dụng khi có vấn đề phát sinh.
Hà Nội huy động gần 20.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ coi thi. Ngoài ra có gần 600 thanh tra cắm chốt tại điểm thi.
Trước khi đón thí sinh đến làm thủ tục dự thi, sáng 27-6, các cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, thanh tra thi đều có mặt tại điểm thi. Các trưởng điểm thi phổ biến về quy trình thực hiện, nhiệm vụ của từng bộ phận, những điểm cần lưu ý.
Hà Nội có kinh nghiệm về sự cố "đề thi in mờ" trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nên tại các điểm thi sáng nay, nhiều trưởng điểm đặc biệt lưu ý với giám thị về tình huống nếu có vấn đề trục trặc liên quan tới đề thi do thí sinh phản ánh thì giám thị phải báo cáo cho trưởng điểm thi để có biện pháp xử lý kịp thời để đảm bảo quyền lợi của thí sinh và tuân thủ quy chế.
Giám thị không tự giải thích cho thí sinh về nội dung đề thi hoặc xử lý các vấn đề phát sinh khác nằm ngoài quy định chung đối với giám thị.
Ngoài ra, từ tình huống năm trước có những thí sinh ngủ quên sau khi đã làm nhầm vào đề thi thay vì làm vào phiếu trả lời trắc nghiệm, các điểm thi cũng lưu ý đối với giám thị phải bao quát và kiểm tra khi có thí sinh ngủ gục quá lâu để đảm bảo thí sinh được chăm sóc sức khỏe nếu ốm, mệt.
Tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa, Hà Nội), thí sinh Nguyễn Diệu Ly cho biết khá lo lắng và hồi hộp. "Nay làm thủ tục dự thi khá thuận lợi, các anh chị tình nguyện viên rất nhiệt tình hướng dẫn chúng em. Em cảm thấy hơi run, nhưng cũng muốn thi nhanh cho xong. Suốt thời gian qua em đã ôn luyện khá nhiều, nên tối nay em sẽ nghỉ ngơi để mai thi thật tốt", Ly nói.
Cô Trần Thị Thanh Thủy, phó trưởng điểm thi, cho biết công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã đầy đủ, đáp ứng đủ mọi yêu cầu. "Tôi mong các con ngày mai đến đúng giờ, làm bài thi tốt và thực hiện đúng quy chế", cô Thủy nói.
Tại điểm thi Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội), thầy Trần Thanh Việt, phó trưởng điểm thi, cho hay nhà trường bố trí nơi để đồ cho thí sinh biệt lập, khép kín, cách phòng thi tối thiểu 25m theo quy định. Điểm thi có kế hoạch với điện lực Ba Đình, công an phường và công ty nước, lực lượng y tế để đảm bảo thí sinh dự thi an toàn, thuận lợi.
"Nếu có sự cố, các thầy cô và nhân viên phục vụ sẵn sàng hỗ trợ. Cổng trường cũng có lực lượng đoàn thanh niên, công an hỗ trợ", thầy Việt nói.
Tại điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An), nơi có 849 thí sinh dự thi, một số thí sinh quên mang căn cước công dân phải nhờ người thân mang tới. Trong khi đó, khi nhận thẻ dự thi, một số thí sinh phát hiện có sai sót về quê quán, môn thi, số căn cước công dân...
"Nơi sinh của em là Hà Tĩnh nhưng trong thẻ dự thi lại ghi là Nghệ An", thí sinh Phan Trung H. cho hay. Sau đó, H. được giám thị hướng dẫn thay đổi thông tin theo phiếu yêu cầu sửa chữa.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tại Nghệ An có gần 37.000 thí sinh dự thi tại 70 điểm thi.
Hồi hộp đề văn nhưng không tin vào đoán đề
Tại điểm trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ, TP.HCM) có 479 thí sinh dự thi, chủ yếu các em học sinh Trường THPT An Nghĩa, THPT Bình Khánh, THPT Cần Thạnh, THPT Thạnh An và Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện.
Cô Huỳnh Thị Ngọc Quyên - giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Cần Giờ cho biết cô tới sớm để đón các em: "Trung tâm có 57 thí sinh thi tại điểm này. Tôi phát cho các em giấy báo dự thi và dụng cụ thi như: viết mực, viết chì, thước… để các em mang vào phòng thi. Ngoài điểm danh tôi còn dặn dò các em phải kiểm tra thông tin thật kỹ càng, có sai thông tin thì báo ngay cho giám thị".
Em Kim Hoàng (THPT An Nghĩa, huyện Cần Giờ) chia sẻ: "Em khá hồi hộp trước kỳ thi. Hiện tại em đã ôn hết. Em dự đoán đề ngữ văn sẽ ra Sông Đà".
Tại hội đồng thi THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cô Bùi Mỵ Thúy, phó hiệu trưởng trường, cho biết: "Trường đã có văn bản gửi Trung tâm y tế quận Bình Thạnh và có tất cả những số y tế khẩn cấp đề phòng có sự cố xảy ra. Song song đó, trường phối hợp với y tế địa phương bố trí nhân viên y tế trực thường xuyên để kịp thời hỗ trợ cho các em thí sinh".
Tại Đồng Tháp, có hơn 15.600 thí sinh tham gia kỳ thi năm nay ở 35 điểm thi trong toàn tỉnh. Riêng TP Cao Lãnh tổ chức 5 điểm thi.
Ghi nhận tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu đông nhất với 629 thí sinh dự thi, gồm 27 phòng thi. Thí sinh đến rất sớm trước giờ tập trung, từng nhóm học sinh ngồi trò chuyện, vừa phấn khởi, vừa hồi hộp trước kỳ thi quan trọng này.
Em Nguyễn Tường Nhi cho biết: “Bây giờ em vẫn hồi hộp. Gặp được các bạn, em an tâm và tự tin hơn rất nhiều. Em đi xe máy cùng bạn từ nhà đến điểm thi khoảng 10km. Sáng nay có mưa em cũng hơi lo, may là bây giờ nắng đẹp”.
Khi được hỏi năm nay có tin vào đoán đề văn trên mạng như những năm trước không? Hầu hết thí sinh tại điểm thi trường THPT Thực hành sư phạm (ĐH Cần Thơ, TP Cần Thơ) cho biết chỉ tin vào việc học thật, cố gắng ôn tập kỹ những kiến thức trọng tâm để làm bài thật tốt.
Thí sinh Nguyễn Ngọc Ngân chia sẻ em không dám học "tủ", sợ tủ "đè", em chỉ tin vào chính mình. Cùng suy nghĩ, thí sinh Lê Phạm Mỹ Duyên nói giáo viên ôn gì thì em học hết cái đó, nhất là phần nghị luận văn học. Em cứ bám vào trọng tâm mà học chứ không học theo đoán đề trên mạng. "Tác phẩm lớn như Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ, Người lái đò sông Đà… em học kỹ hơn. Hy vọng công sức bỏ ra sẽ đổi lại được điểm cao môn này", Duyên nói.
Tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (Đồng Tháp), thí sinh Lê Nguyễn Thảo Nhi cho hay em có biết thông tin đoán đề trên mạng, nhưng theo em thì "dự đoán cho vui vậy thôi chứ bản thân em là học sinh chuyên văn cũng không dám lơ là. Phần lớn tụi em đã được ôn tất cả các tác phẩm, giải đề, nắm các nội dung cần triển khai trong bài".
"Người lái đò sông Đà khá hay, nhưng em không "ôn tủ" bài này, biết đâu sẽ có các bài thơ như Tây Tiến, Việt Bắc và có thể là Sóng sẽ quay trở lại", thí sinh Huyền Châm chia sẻ.
Khánh Hòa tổ chức 33 điểm thi
Tại Khánh Hòa, ông Võ Hoàn Hải - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa - cho hay năm nay toàn tỉnh có 14.480 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, tăng gần 400 thí sinh so với năm 2022. Địa phương bố trí 33 điểm thi tốt nghiệp THPT tại 8 huyện, thị xã, thành phố, với 2.296 cán bộ, giáo viên, lực lượng an ninh được điều động tham gia làm nhiệm vụ.
“Sở đã phối hợp với Công an tỉnh triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự ở tất cả các khâu của kỳ thi. Đồng thời, sở phối hợp với Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục tại các địa điểm tổ chức”, ông Hải nói.
Năm nay chương trình “Tiếp sức mùa thi” tại Khánh Hòa, lực lượng thanh niên tình nguyện triển khai các hoạt động như: tổ chức các đội hình đưa đón xe miễn phí, hỗ trợ tư vấn tâm lý, hướng dẫn thí sinh vào phòng thi, phân luồng giao thông… tại TP Nha Trang và các huyện thị lân cận. Ngoài ra còn có chương trình triển khai thêm tại điểm thi hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.
Có mặt tại điểm thi trường THPT Khánh Sơn từ sớm để chuẩn bị bàn ghế, băng rôn cho buổi thi chính thức ngày mai, Nguyễn Anh Kiên - sinh viên năm 2 trường ĐH Thái Bình Dương - cho hay: “Đội của em gồm có 3 người sẽ đến với điểm thi tốt nghiệp tại huyện Khánh Sơn, chúng em sẽ hỗ trợ nước, bút… cho các bạn học sinh. Vì đường xa, chúng em phải ở lại điểm thi trong suốt thời gian thi. Em hy vọng rằng với sự hỗ trợ, sức trẻ của mình các bạn học sinh sẽ vững tin hơn trong kỳ thi năm nay”.
Kiên Giang trao quà Tiếp sức mùa thi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Chiều 27-6, 14.423 học sinh ở Kiên Giang đã đến điểm thi để làm thủ tục cần thiết thi tốt nghiệp. Ban chỉ đạo Chương trình Tiếp sức mùa thi Kiên Giang đã trao 90 suất quà (có 15 suất quà trị giá 1 triệu đồng) cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Thị Phương Hồng - phó bí thư Tỉnh đoàn Kiên Giang - cho hay đã thành lập 26 đội hình Tiếp sức mùa thi để hỗ trợ thí sinh và người nhà. Đơn vị còn vận động 135 triệu đồng hỗ trợ cho 265 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn và trên 6.000 suất ăn, nước suối miễn phí cho thí sinh.
“Qua hoạt động này chúng tôi mong muốn các em thí sinh vơi bớt lo lắng và động viên tinh thần để làm bài thành công, đạt kết quả cao”, bà Hồng nhấn mạnh.
Hơn 12.000 thí sinh Cần Thơ đội mưa làm thủ tục dự thi
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại điểm thi Trường THPT Thực hành sư phạm (ĐH Cần Thơ, TP Cần Thơ), dù mưa nặng hạt nhưng thí sinh vẫn đến nghe quy chế thi đúng giờ và nghiêm túc. Hầu hết các em đều tỏ ra thoải mái và sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng này.
Em Lê Phạm Mỹ Duyên (học sinh lớp 12D2 Trường THPT Thực hành sư phạm (ĐH Cần Thơ) - cho hay em đã học hết những gì mà giáo viên ôn. Đặc biệt phần nào trọng tâm em càng học kỹ hơn.
“Em học hết chứ không có học tủ. Cộng thêm là sự ôn tập nhiệt tình của thầy cô nữa nên em tự tin sẽ vượt qua kỳ thi lần này”, bạn Duyên nói.
Vĩnh Long lập thêm ban cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi
Chiều 27-6, hơn 10.400 thí sinh toàn tỉnh Vĩnh Long đến điểm thi làm thủ tục. Trong kỳ thi này, Vĩnh Long bố trí hơn 1.600 cán bộ làm công tác coi thi tại 28 điểm thi, với 453 phòng thi.
Bà Trương Thanh Nhuận - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long, cho biết đã bổ sung ban cơ sở vật chất, chịu trách nhiệm hướng dẫn các điểm thi.
“Các trường tùy theo khả năng vận động hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn phần cơm trưa, để các em an tâm, nhất là các em nhà ở cách xa điểm thi. Chỗ ăn ở đã được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhà trường thực hiện tốt... Tổng kinh phí hỗ trợ kỳ thi hiện tại gần 1 tỉ đồng, gồm tiền mặt và hiện vật do các cơ quan, tổ chức, công ty trong tỉnh hỗ trợ”, bà Nhuận cho biết thêm.
Thí sinh Trần Như Huỳnh - học sinh lớp 12 trường THCS-THPT Đông Thành, thị xã Bình Minh chia sẻ, với sự chăm lo, tư vấn kỹ, rõ ràng của các thầy cô nên em rất yên tâm dự thi. “Thầy cô ôn tập kỹ, dựa trên những phần em còn làm sai. Hiện tại em đã ôn tập đủ kiến thức và tự tin để bước vào kỳ thi”, Như Huỳnh nói.
Nhiều thí sinh quên giấy báo dự thi
Tại điểm thi Trường THPT Hồng Đức (Đắk Lắk), các cán bộ coi thi phát hiện nhiều thí sinh quên giấy báo dự thi. Các thí sinh cho biết do vội vàng nên quên ở nhà, đang chờ người nhà lên lấy để xuất trình, lấy thẻ dự thi.
Một số học sinh vì nhà quá xa, được cán bộ coi thi đối chiếu qua căn cước công dân để lấy thẻ dự thi.
Ngoài ra, một số thí sinh bị lộn phòng thi vì danh sách thi mỗi môn mỗi phòng khiến các bạn rối, sau đó được hướng dẫn tập trung điểm danh, lấy thẻ dự thi ở phòng môn thi đầu tiên là môn văn. Đó cũng là tình trạng chung ở một số điểm thi khác tại Đắk Lắk.
Tại điểm thi biên giới trường THPt Ea Súp, đầu giờ chiều hàng trăm thí sinh dưới cái nắng gay gắt đã đến điểm thi từ để làm thủ tục. Do nhà cách trường hàng chục km nên nhiều thí sinh đi trễ. Tại đây nhiều thí sinh đã được các tình nguyện viên hỗ trợ nhiệt tình.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, để đảm bảo kỳ thi tại tỉnh diễn ra thành công, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, sở này đã phối hợp với Công an tỉnh xây dựng phương án đảm bảo an toàn, bí mật tuyệt đối cho khu vực tổ chức in sao đề thi, xây dựng phương án vận chuyển, bảo quản, lưu trữ và bảo vệ đề thi.
Ngoài ra, ở tất cả các điểm thi cũng có sự hỗ trợ y tế của 41 y bác sĩ và một số lực lượng khác.
Sở Y tế bố trí kíp trực cấp cứu, chuẩn bị thuốc, trang thiết bị, thanh tra an toàn thực phẩm, giám sát dịch bệnh.
Theo tỉnh đoàn Gia Lai, ngay từ tháng 5 đến tháng 10-2023, chương trình "Tư vấn - Tiếp sức mùa thi" đã hỗ trợ thí sinh về tâm lý, nghề nghiệp và chỗ ở. Hơn 300 tình nguyện viên trực tại 40/41 điểm thi từ ngày 27 đến 29-6.
Quảng Ngãi oi bức những ngày thi
Ghi nhận tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi, đông đảo thí sinh đã có mặt từ khá sớm để chuẩn bị làm thủ tục dự thi. Anh Trần Bá Quang (phụ huynh) chia sẻ: “Những ngày sắp thi, tôi luôn nói con thoải mái, không nên áp lực. Vậy mà giờ nhìn thấy con vào làm thủ tục, tôi cũng rất lo. Dẫu sao đây cũng là kỳ thi quyết định của cuộc đời của con. Tôi mong con làm bài tốt, đạt điểm số để vào Đại học Y dược như con mong muốn”.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi có 34 điểm thi với 13.867 thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 1.000 thí sinh so với kỳ thi năm 2022. Tỉnh đã huy động 2.222 cán bộ, giáo viên làm công tác thi.
Thời tiết Quảng Ngãi những ngày tới oi bức, nhiệt độ khoảng 36 độ C.
Thí sinh được mang gì vào phòng thi?
Theo quy chế thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2023 được mang vào phòng thi một số vật dụng sau:
- Bút viết, bút chì.
- Compa.
- Tẩy.
- Thước kẻ, thước tính.
- Máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ.
- Atlat địa lý Việt Nam.
Thí sinh không được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình.
22-7: Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học
Theo lịch của Bộ GD-ĐT, kết quả thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ được công bố vào ngày 18-7. Đây là cột mốc quan trọng bậc nhất trong giai đoạn thí sinh được phép đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển trên cổng xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, từ ngày 10-7 đến 30-7.
Nhằm hỗ trợ thí sinh trong lựa chọn nguyện vọng xét tuyển, Báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học vào thứ bảy 22-7.
Ngày hội diễn ra đồng thời tại Hà Nội và TP.HCM, với sự tham gia của hàng trăm trường đại học, cao đẳng, đơn vị giáo dục trong và ngoài nước.
Tại ngày hội, các chuyên gia từ Vụ Giáo dục Đại học, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và đại diện các trường đại học, cao đẳng sẽ tư vấn cho thí sinh cách lựa chọn nguyện vọng xét tuyển tối ưu vào trường, ngành phù hợp trong giai đoạn nước rút, cũng như những thông tin hữu ích về cơ hội học bổng, điều kiện học tập, ký túc xá... của các trường.
Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và cơ sở giáo dục có thể đăng ký tham gia ngày hội theo địa chỉ: sscc.hcmut.edu.vn/ngayhoituoitre, điện thoại (028) 2214 6555 gặp anh Hồng Hiếu, email: ngayhoituyensinh@gmail.com; Trung tâm hỗ trợ sinh viên và việc làm Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM (phòng 104, nhà B1, 268 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP.HCM).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận