Hạn đe dọa Tây Nguyên. Xâm nhập mặn ở vùng sông nước ĐBSCL khiến nước sinh hoạt còn khó, nói chi nước cho sản xuất. Dự báo sẽ có thêm một năm nhiệt độ xô đổ các kỷ lục trước đó. Tất cả chúng ta đang "kêu trời", nhưng kêu rồi còn gì nữa...?
Thời tiết cực đoan có nguyên nhân do con người đang tiêu xài quá mức tài nguyên của Trái đất. Nắng nóng do phát thải khí nhà kính, phần lớn có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm tăng biến đổi khí hậu.
Để có điện cho sinh hoạt và sản xuất, chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Để di chuyển, chúng ta liên tục đổ đầy bình xăng và thải khí ra môi trường.
Xe điện, một giải pháp, lại chỉ dừng ở nghe ngóng, chẳng vội vã gì chuyển đổi "xăng qua điện".
Để có được tiện dụng trong cuộc sống, chúng ta vô tư xài và loại bỏ rác thải nhựa. Chúng ta vẫn chưa có thói quen chọn, ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái tạo, tuần hoàn vì môi trường.
Các nỗ lực loại bớt kẻ thù của khí hậu đã được xướng lên, nhưng tiêu dùng vì môi trường, dùng năng lượng tái tạo, sản phẩm tuần hoàn... vẫn là thứ gì đó xa xỉ, là chuyện của người khác.
Nhiều người trong chúng ta vẫn vô tư xả thải kiểu giết môi trường. Sau mỗi bữa ăn là cơ man rác thải nhựa mà không thấy cơ hội tái chế. Xe cá nhân, xe xăng vẫn là ưu tiên khi chọn phương tiện di chuyển. Việc phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng... vẫn là "biết rồi, khổ lắm nói mãi"...
Chưa thay đổi hành vi sống xanh, giữ gìn môi trường, nhiều người đã đưa ra lý do chính đáng. Như nhiều người xả, tôi sống xanh, có ích gì! Dùng năng lượng tái tạo, như xe điện, chưa tiện dụng, còn phiền toái...
Hình như chúng ta còn nhìn nhau, còn chờ nhiều quá mà chưa xắn tay vào cùng thay đổi hành vi, lối sống xanh vì Trái đất, vì môi trường.
Ngược lại, thời tiết ngày càng cực đoan mà không chờ chúng ta thay đổi lối sống. Môi trường, Trái đất đã bị hành hạ tới ngưỡng rồi. Vì thế chỉ cần có thêm tác động đầu vào, dù là thật nhỏ, cũng sẽ đem lại hậu quả rất lớn và rất sớm xuống Trái đất.
Lúc này, phải gọi là "hậu quả nhãn tiền", chứ không còn chờ đến thế hệ sau hay vài chục năm nữa. Nắng, nóng, hạn, mặn... mà chúng ta đang kêu, đang khó chịu chính là "hậu quả nhãn tiền".
Liệu kêu mãi, than thở mãi làm cho tình hình dịu đi không? Không! Chúng ta phải hành động. Chính phủ, thông qua khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu như phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050.
Các doanh nghiệp cũng đã xắn tay vào cuộc, làm ra những sản phẩm tuần hoàn, sản phẩm xanh, sản phẩm sử dụng ít tài nguyên và tổn hại đến môi trường, đến Trái đất.
Về phía người tiêu dùng, chúng ta có một quyền lực vô song giúp thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất xanh, sống xanh thông qua hành vi tiêu dùng có trách nhiệm.
Hành vi tiêu dùng sẽ buộc doanh nghiệp còn chần chừ với sản phẩm tuần hoàn, năng lượng tái tạo phải hành động. Và hành vi giảm một túi rác thải, bớt sản phẩm nhựa dùng một lần, tiết kiệm điện... nên là hành động tiếp theo sau những lời than vãn trước "hạn, mặn, nóng". Sống xanh không khó. Chúng ta làm được mà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận