Long Thu Nguyệt, sinh viên năm 2 Học viện Tòa án - Ảnh do nhân vật cung cấp
Một năm trước, câu chuyện Gói mì bẻ nửa ăn qua bữa, nuôi giấc mơ làm thẩm phán của tân sinh viên Long Thu Nguyệt (Học viện Tòa án) khiến bạn đọc xót xa. Rất nhiều cánh tay dang ra sẻ chia cho đường đến trường của cô bé người dân tộc Tày bớt gian nan.
“Nếu có ai hỏi em cần học bổng không thì em sẽ trả lời rằng em rất cần. Nhà em quá nghèo, số tiền kiếm ra chỉ đủ ăn và sẽ là quá ít để em đi học đại học. Nhìn hoàn cảnh đã có lúc em muốn thôi học. Lúc ấy, niềm tin trong em mất đi hoàn toàn, mỗi lần nghĩ đến nước mắt cứ nhòa xuống ướt đẫm. May thay nhờ thông tin từ cô giáo về học bổng Tiếp sức đến trường đã tiếp thêm sức mạnh cho em viết tiếp ước mơ đại học, để thực hiện hoài bão trở thành một thẩm phán giỏi giúp dân giúp nước”.
Trích lá thư gửi đến Quỹ học bổng Tiếp sức đến trường 2020, Long Thu Nguyệt
Giấc mơ làm thẩm phán thanh liêm
Tròn 1 năm sau ngày nhận suất học bổng đặc biệt, Nguyệt khoác trên mình bộ đồng phục của Học viện Tòa án tràn đầy tự tin, nở nụ cười rạng rỡ. Trong lá thư gửi đến cho Tuổi Trẻ, Nguyệt tâm tình chính món quà quý giá ngày ấy đã tiếp sức cho cô đúng với tên gọi học bổng Tiếp sức đến trường.
Ngày ấy, câu chuyện gói mì bẻ nửa của cô tân sinh viên đã lay động cộng đồng sẵn sàng chung tay, giúp đỡ Nguyệt - Ảnh: HÀ THANH
"Một năm trước, cầm giấy báo đỗ đại học với nỗi bộn bề, lo lắng lấy tiền đâu để đóng học phí, ở nơi đất khách quê người sẽ lấy ai để nương tựa vào đây? Gia đình khó khăn nay lại càng chồng chất khó khăn, đã nghèo khó lại càng thêm nghèo khó.
Đã có những lúc mặc cảm với hoàn cảnh, thương bố mẹ đang phải xoay trở trả nợ, tôi đã nghĩ không đi học nữa.
May mắn tôi không cô đơn, trong khó khăn vẫn có những tấm lòng sẵn sàng dang tay giúp đỡ, an ủi, động viên tôi tiếp tục học tập và tặng cho tôi những món quà thực sự ý nghĩa.
Mong muốn rằng quỹ học bổng Tiếp sức đến trường sẽ giúp đỡ nhiều hoàn cảnh hơn nữa và lan tỏa yêu thương đến mọi người.
Với các bạn tân sinh viên, hãy cố gắng kiên định với con đường mình đã chọn. Cho dù con đường đó có đầy sỏi đá chông gai, nhưng đừng chùn bước mà hãy vững tin, hãy cố gắng để vượt qua nghịch cảnh. Bởi ở đâu đó, ánh sáng của thành công, niềm tin, hy vọng đang ở cuối con đường", Nguyệt viết trong bức thư gửi về cho Tiếp sức đến trường năm 2021.
Mạnh mẽ bước đi
Trần Thị Hồng Ngọc rạng rỡ ở ngôi trường mới - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nhận giấy báo trúng tuyển, Trần Thị Hồng Ngọc (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) định bụng "đóng khung" giấy báo để cất như một kỷ vật, gác lại ước mơ vào giảng đường đại học.
Hai năm sau gửi lá thư đến quỹ học bổng, Ngọc chia sẻ nay bệnh tình của mẹ dù phải điều trị thuốc nhưng được thăm khám thường xuyên, cuộc sống của Ngọc cũng dần ổn định hơn với công việc làm thêm, tham gia hoạt động cộng đồng.
"Trên hành trình nhân ái này em Ngọc không hề cô đơn mà luôn có những người bạn đồng hành. Trong một thế giới mà trí tuệ nhân tạo được tôn vinh thì lòng nhân ái càng phải được đề cao. Người ta có thể chế tạo ra những bộ óc siêu việt, nhưng không thể tạo ra được trái tim dù nhỏ bé".
Trích bài phát biểu của GS.TS Phạm Quang Minh, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội năm 2019
Mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, Hồng Ngọc từng nghĩ sẽ từ bỏ con đường đại học - Ảnh: DOÃN HÒA
"Trước thềm năm học mới, nhiều cánh cổng mở ra nhưng đồng thời cũng đem đến sự lựa chọn khó khăn cho bao người giữa ước mơ trên giảng đường đại học hay đi làm phụ giúp gia đình.
Hai năm trước, tôi cũng đã từng đứng giữa hai con đường đấy, có lúc tưởng chừng như buông xuôi, "đóng khung" ước mơ thành kỷ niệm. Nhưng "ngọn gió mát lành" từ mọi người đã tiếp thêm động lực, trao cho tôi thêm niềm tin và hy vọng.
Một mình nơi thủ đô rộng lớn, nỗi lo về mẹ ở nhà một mình với bệnh tật, nhiều lúc bản thân đã muốn dừng lại. Nhưng chính mẹ lại tiếp sức, động viên con gái vượt qua khó khăn. Nhớ lại quãng thời gian được mọi người giúp đỡ, trao gửi niềm tin, tôi tự hỏi: Tại sao không tin vào chính mình?
Tất cả đã cháy lên trong tôi khát khao, một lần nữa mạnh mẽ đứng dậy và bước tiếp, học cách thích nghi với hoàn cảnh, tự lập và quản lý thời gian, từng bước hoàn thiện mình. Cũng bởi, chiến thắng chính bản thân mình mới là chiến thắng hân hoan nhất".
Cô gái ngày ấy nay viết tiếp câu chuyện nhân ái với công tác thiện nguyện - Ảnh: NVCC
Trải qua 2 năm học tại giảng đường, "mầm xanh" ngày ấy đã mạnh mẽ và tự tin hơn, bắt đầu hành trình tiếp nối những yêu thương, tích cực tham gia vào các công tác tình nguyện, hoạt động cộng đồng.
"Mong rằng các bạn tân sinh viên năm nay sẽ luôn nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ. Có thể hoàn cảnh đã từng khiến bạn gục ngã nhưng không bao giờ được từ bỏ".
Viết giấc mơ từ bản làng xa xôi
Hơn 3 năm trước, Lò Văn Mạnh rời căn nhà sàn lụp xụp ở bản làng, xuống thành phố Sơn La xin phụ hồ kiếm tiền đóng học phí. Nhà Mạnh thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ làm cả đời cũng chẳng đủ ăn, nói gì đến lấy tiền nuôi các con ăn học.
Đến kỳ thi THPT, Lò Văn Mạnh đạt 27 điểm (tính cả điểm cộng). Biết điểm thi đại học, Mạnh giấu nhẹm đi vì sợ bố mẹ lo đến tiền học phí.
Giọt mồ hôi lao động ngày đó đã trui rèn cho Mạnh trở thành chàng trai mạnh mẽ ở giảng đường Trường ĐH Luật Hà Nội - Ành: HÀ THANH
Thế nhưng khó khăn vật chất không đong đếm được bằng cú sốc về mặt tinh thần. Năm 2018, trong lúc cơ quan an ninh đang điều tra đường dây gian lận thi cử ở Sơn La, Mạnh bị cuốn vào "cơn bão dư luận" khi đăng tải dòng trạng thái với số điểm đại học. Rất nhiều người vào bình luận công kích, chửi bới và nói chàng trai trẻ… chạy điểm.
Mạnh chỉ biết cười buồn. Là con em dân tộc Thái, gia đình Mạnh nghèo lắm, lấy đâu ra tiền để chạy điểm? Biết đến hoàn cảnh của Mạnh, báo Tuổi Trẻ đã tìm đến tận nơi, xúc động chứng kiến nỗ lực lao động không biết mỏi mệt của chàng trai vừa tròn 18. Chính những giọt mồ hôi ướt đẫm lưng áo ngày ấy đã tôi rèn trong Mạnh một trái tim kiên cường, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, viết tiếp ước mơ nơi giảng đường Trường ĐH Luật Hà Nội.
"Từ một cậu sinh viên nhút nhát, còn nhiều bỡ ngỡ, nay tôi đã thích nghi dần với cuộc sống nơi đây. Tôi có những người bạn tốt luôn sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn.
Tôi cũng chăm chỉ hơn tham gia hoạt động ở trường lớp và làm thêm việc để có thể phụ giúp gia đình.
Còn nhớ 3 năm trước khi cầm trên tay giấy báo nhập học, cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Nuôi hy vọng theo đuổi ước mơ nhưng tôi lại lo lắng khi nghĩ đến chi phí phải trang trải cho cuộc sống sinh viên tại thành phố lớn.
Khi "cơn bão" gian lận điểm thi ập tới, nỗi lo nhân lên gấp bội không biết có thể hòa đồng được với các bạn ở một môi trường mới hay không?
May mắn thay trong lúc gặp khó khăn, tôi đã nhận được một phần học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.
Học bổng đã giúp tôi rất nhiều, giúp tôi ổn định cuộc sống mới ở Hà Nội. Không chỉ hỗ trợ về vật chất mà học bổng còn tiếp thêm tinh thần cho tôi vững bước trên con đường theo đuổi ước mơ.
Năm nay dù chúng ta đang phải đối mặt với khó khăn bởi dịch bệnh, nhưng tôi mong muốn rằng các bạn tân sinh viên tự tin vững bước, hãy luôn kiên trì cố gắng dù gặp bất kỳ khó khăn hay thất bại nào trên con đường của mình. Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ".
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận