25/08/2023 15:00 GMT+7

Elon Musk và khoảnh khắc 'Oppenheimer' với Ukraine

Trong quá khứ, "cha đẻ" của bom nguyên tử Robert Oppenheimer từng vật lộn với việc can dự vào chính trị, cắn rứt lương tâm do không chắc bom nguyên tử đại diện cho hòa bình hay chiến tranh. Elon Musk cũng có một ý nghĩ tương tự.

Ông Elon Musk - CEO của Tesla, SpaceX và chủ sở hữu mạng xã hội X (trước đây là Twitter) - Ảnh: REUTERS

Ông Elon Musk - CEO của Tesla, SpaceX và chủ sở hữu mạng xã hội X (trước đây là Twitter) - Ảnh: REUTERS

Vào tháng 10-2022, tờ Politico có bài bình luận ví Elon Musk như một người mắc chứng rối loạn nhân cách kịch tính (HPD), cho rằng vị tỉ phú công nghệ này đang ảo tưởng bản thân là Henry Kissinger - một nhà ngoại giao nhiều màu sắc trong lịch sử nước Mỹ.

Nhưng có vẻ Musk không ảo tưởng. Dù có đạt tới tầm vóc của Kissinger hay không, hiện tại CEO của SpaceX và Tesla thực sự đã được ví như một nhà ngoại giao.

Khi tỉ phú Mỹ nói chuyện với tổng thống Nga

Không lâu sau khi Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" (tháng 2-2022), cái tên Elon Musk đã xuất hiện trong lĩnh vực quốc phòng. Ukraine gặp nhiều khó khăn trong khâu liên lạc và thường xuyên tố cáo Nga đánh vào các cơ sở hạ tầng của họ.

Giữa lúc tưởng như bế tắc, Kiev tìm thấy giải pháp ở hệ thống Internet Starlink của SpaceX. Những thiết bị phát sóng nhỏ gọn của Starlink có phạm vi hoạt động ngắn nhưng nếu đặt trên toàn quốc, sẽ rất khó để Nga có thể tiêu diệt toàn bộ.

Trong những ngày đầu ông Musk đã hỗ trợ nhiệt tình cho Ukraine, gửi cho nước này hàng trăm ngàn thiết bị Starlink. Nhưng sau vài tháng, trong thư gửi Bộ Quốc phòng Mỹ, ông tuyên bố ngừng miễn phí dịch vụ Internet vệ tinh cho Kiev.

Tầm quan trọng của SpaceX đối với xung đột Ukraine khiến lời nói của ông Musk có sức nặng hơn. Điều đó góp phần lý giải vì sao một tỉ phú công nghệ như ông, dù là người giàu nhất thế giới, lại gây tranh cãi gay gắt khi đưa ra quan điểm về "đề xuất hòa bình" cho Ukraine.

CEO của SpaceX đã hứng chịu những lời lẽ nặng nề từ quan chức Ukraine, đồng thời trở thành một kẻ ảo tưởng trong mắt không ít nhà phân tích chính trị ở Mỹ.

Tuy nhiên trong bài viết hôm 21-8, tạp chí New Yorker cho biết các quan chức Mỹ thực sự đã xem Elon Musk là một nhà ngoại giao vì tầm ảnh hưởng của tỉ phú này với xung đột tại Ukraine. Vào tháng 10-2022, ông Colin Kahl - khi ấy là thứ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề chính sách - đã có những thảo luận với ông Musk. Trong một số trao đổi với quan chức Mỹ, ông Musk tiết lộ đã nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Không nhiều người ở Mỹ có thể nói chuyện với Tổng thống Nga theo tư cách cá nhân như vậy. Và dù cáo buộc tỉ phú Musk "thân Nga", quan chức Mỹ vẫn phải xem ông là một kênh đối thoại hữu ích với nhà lãnh đạo của Nga. Bài báo của New Yorker là lần đầu tiên có một cựu quan chức Mỹ thừa nhận đã xem ông Musk là "nhà ngoại giao trên thực tế".

Cắt Internet của Ukraine vì tự vấn lương tâm?

Bất chấp những tranh cãi, ông Musk vẫn nằm trong nhóm nhỏ các tỉ phú xứng đáng để báo chí tranh luận về việc liệu ông có phải một thiên tài hay không.

Những sản phẩm của Tesla hay SpaceX đều có hướng đi riêng, thay đổi đáng kể diện mạo của các ngành công nghiệp tưởng như không bao giờ thoát khỏi cái bóng của các tập đoàn truyền thống trong lĩnh vực xe hơi và hàng không vũ trụ.

Thế giới của những người có khả năng tạo ra sản phẩm thay đổi thế giới như Elon Musk không phải lúc nào cũng đơn giản, nhất là khi họ tham gia chính trị.

Thật thú vị khi câu chuyện của Elon Musk được đưa ra vào đúng thời điểm ngành điện ảnh lên cơn sốt với bộ phim Oppenheimer của đạo diễn Christopher Nolan, kể về nhân vật có thật J. Robert Oppenheimer (1904-1967). Oppenheimer được lịch sử ghi danh như "cha đẻ" của bom hạt nhân, giám đốc dự án Manhattan trong Thế chiến II.

Hai quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki liệu có phải sự kiện giúp chấm dứt chiến tranh và đem lại hòa bình vĩnh viễn, hay chỉ là sự khởi đầu cho một cuộc đua hạt nhân khốc liệt, đẩy nhân loại vào sự diệt vong?

Đây được xem là câu hỏi ám ảnh ông Oppenheimer cách đây hơn nửa thế kỷ. Và dù không có một sản phẩm hủy diệt như vậy, ông Musk ngày nay cũng thừa nhận có những cắn rứt tương tự trong câu chuyện Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí New Yorker nói trên, cựu thứ trưởng quốc phòng Mỹ Kahl cũng tiết lộ ông Musk cân nhắc rút hệ thống Starlink khỏi Ukraine vì lo ngại sẽ bị xem là kẻ gây chiến ở Nga.

Doanh nhân 52 tuổi từ lâu cũng dè dặt về việc hệ thống Internet của mình bị sử dụng cho mục đích tấn công. Một số thông tin gần đây cho biết ông đã buộc Ukraine phải từ bỏ một kế hoạch tấn công bằng máy bay không người lái ở Biển Đen bằng cách chặn truy cập Starlink trong khu vực xung quanh bán đảo Crimea.

Lầu Năm Góc hiểu rõ vai trò của SpaceX

Lầu Năm Góc được cho là đã không xem Elon Musk là một bên cung cấp vũ khí đơn thuần như Boeing hay Lockheed Martin.

Họ cố gắng thuyết phục ông gia hạn vài tuần để xử lý vấn đề hợp đồng cung cấp thiết bị Starlink. Ông Kahl nói với CEO SpaceX: "Nếu anh cắt Internet thì việc này cũng không chấm dứt được chiến tranh".

Theo một nguồn tin của báo Telegraph, cấp dưới của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng từng tìm cách trấn an ông Musk, cam kết rằng hệ thống Starlink chỉ nhằm mục đích "phòng thủ, tiến lên và sinh tồn".

Elon Musk: X sẽ không còn cho phép người dùng chặn tài khoản khácElon Musk: X sẽ không còn cho phép người dùng chặn tài khoản khác

Tỉ phú Elon Musk lên tiếng về việc mạng xã hội X do ông sở hữu sẽ không còn cho phép người dùng có thể chặn tài khoản khác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên