10/04/2023 11:41 GMT+7

Dòng tiền khó, doanh nghiệp bất động sản muốn bán dự án hàng ngàn tỉ đồng

Giám đốc điều hành Savills Việt Nam Neil MacGregor cho biết doanh nghiệp này đang đàm phán đến 5 vụ mua bán dự án bất động sản, giá trị giao dịch ở mức 50-100 triệu USD (khoảng 1.170-2.350 tỉ đồng).

Dòng tiền khó, doanh nghiệp bất động sản muốn bán dự án hàng ngàn tỉ đồng - Ảnh 1.

Các dự án bất động sản đang được xây dựng tại TP.HCM - Ảnh minh họa: NGỌC HIỂN

Là doanh nghiệp hàng đầu trong M&A (mua bán và sáp nhập) bất động sản, ông Neil MacGregor - giám đốc điều hành Savills Việt Nam - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng chưa bao giờ doanh nghiệp này nhận được nhiều yêu cầu tư vấn M&A từ những doanh nghiệp bất động sản đang “khát” vốn như hiện nay.

Dòng tiền khó, doanh nghiệp bất động sản muốn bán dự án hàng ngàn tỉ đồng - Ảnh 2.

Ông Neil MacGregor - giám đốc điều hành Savills Việt Nam

Sôi động thị trường bán mua dự án bất động sản 

* Từ thực tế các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang gặp khó trăm bề, nhất là về dòng tiền, ông đánh giá ra sao về giá thị trường M&A Việt Nam?

- Chưa bao giờ bộ phận tư vấn đầu tư của chúng tôi bận rộn như hiện nay bởi nhận được rất nhiều yêu cầu tư vấn từ khách hàng, đặc biệt là bên bán bất động sản. Họ là những chủ đầu tư đang tìm cách huy động vốn trong thời điểm khó khăn khi việc vay vốn từ ngân hàng gặp khó. 

Trong khi đó, chúng tôi cũng nhận thấy nhu cầu đầu tư rất cao từ các nhà đầu tư đã hợp tác với chúng tôi nhiều năm qua, điển hình là các nhà đầu tư Nhật Bản, Singapore, Đài Loan. 

Vậy các doanh nghiệp đang muốn bán dự án qua các hình thức nào, bán luôn cả dự án hay chỉ bán một phần?

- Thực tế cho thấy hiện có nhiều chủ tài sản chịu áp lực về tài chính do lãi suất rất cao. Vì vậy, các chủ sở hữu đang tìm cách cơ cấu lại nợ và vốn chủ sở hữu trong các dự án của họ thông qua bán một lượng cổ phần hoặc cổ phần chi phối. 

Trong quá trình đó, chúng tôi tham gia tư vấn cho bên mua và bên bán về những ưu và nhược điểm của từng cấu trúc giao dịch khác nhau, nhằm đạt được kết quả có lợi cho cả hai bên trong giao dịch. 

Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện đàm phán 5 giao dịch lớn ở nhiều giai đoạn khác nhau, đây là con số lớn hơn rất nhiều so với thời điểm cùng kỳ các năm trước. Giá trị các giao dịch ở mức từ 50-100 triệu USD. 

Không dễ để bán dự án bất động sản

* Tuy nhiên thực tế để bán dự án cũng không hề dễ dàng nếu các dự án còn vướng các quy định liên quan đến pháp lý?

- Đúng là mặc dù các nhà đầu tư quan tâm rất lớn đến các thương vụ M&A tại Việt Nam, nhưng thực tế hoạt động M&A đang bị kìm lại bởi một số thách thức chính. Ví dụ, các dự án phát triển tiếp tục gặp nhiều khó khăn xoay quanh việc quyết toán tiền sử dụng đất, xác định tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận và phê duyệt quy hoạch khác… 

Những vấn đề này khiến cả bên mua và bên bán đều gặp khó khăn trong việc hoàn tất một giao dịch M&A. Nếu giải quyết được vấn đề này, thị trường M&A sẽ sôi động hơn.

* Với tình hình hiện nay, ông đánh giá thị trường M&A sẽ chuyển biến ra sao trong thời gian tới và hình thức M&A nào sẽ là xu hướng?

- Hiện tại, bên bán có sự quan tâm rất lớn đến hoạt động M&A do gặp nhiều khó khăn từ trong nước từ pháp lý, quy hoạch và khả năng ra mắt dự án mới, đặc biệt là dự án khu dân cư.

Trong khi đó, "bóng ma" lãi suất cao cũng bao trùm nền kinh tế toàn cầu, tác động không nhỏ đến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, sẽ có nhiều doanh nghiệp muốn huy động vốn thông qua bán tài sản. 

Chúng tôi dự báo từ nay đến năm 2024, thị trường M&A có thể sôi động chưa từng có. Ở bức tranh rộng hơn, nhu cầu và sự quan tâm sâu sắc của các nhà đầu tư đối với Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ và đây vẫn là thị trường hấp dẫn nhất tại Đông Nam Á.

Nhà đầu tư Đông Âu dòm ngó dự án bất động sản Việt

Ông Nguyễn Văn Đính - chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho biết thị trường bất động sản xuất hiện các nhóm nhà đầu tư ngoại đổ bộ vào tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển tại Việt Nam thông qua hoạt động M&A. Nổi bật là nhóm nhà đầu tư đến từ Đài Loan và Đông Âu.

Theo ông Đính, hiện phương thức chuyển nhượng chủ yếu là chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp. Ông Đính cảnh báo Nhà nước chưa có nhiều biện pháp nhằm kiểm soát hoạt động này, nên xảy ra nhiều trường hợp doanh nghiệp trốn thuế khi thực hiện chuyển nhượng dự án.

Novaland thay ‘tướng’, bổ nhiệm tổng giám đốc người MalaysiaNovaland thay ‘tướng’, bổ nhiệm tổng giám đốc người Malaysia

Novaland tiếp tục thay đổi nhân sự cấp cao khi ông Dennis Ng Teck Yow, cựu tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam, làm tổng giám đốc của Novaland thay cho ông Nguyễn Ngọc Huyên từ ngày 17-3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên