06/04/2023 17:47 GMT+7

Chính phủ đề xuất mua bán bất động sản hình thành sắp tới phải qua sàn

Những bất động sản được hình thành trong tương lai do các chủ đầu tư thực hiện phải giao dịch qua sàn để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Chính phủ đề xuất mua bán bất động sản hình thành sắp tới phải qua sàn - Ảnh 1.

Một dự án bất động sản đang xây dựng tại TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký tờ trình dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quy định rõ giao dịch với bất động sản hình thành trong tương lai

Tại tờ trình, bên cạnh kế thừa các nội dung đã được quy định liên quan đến kinh doanh nhà, công trình xây dựng, kinh doanh quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án bất động sản… thì dự thảo bổ sung quy định mới.

Đó là nguyên tắc trong kinh doanh dịch vụ bất động sản; tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch bất động sản. Các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai phải giao dịch qua sàn bất động sản để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Cụ thể, theo điều 57 dự thảo, hai loại giao dịch bất động sản phải thông qua sàn, bao gồm chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hoặc công trình xây dựng hình thành trong tương lai; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật. Các giao dịch khác được khuyến khích thông qua sàn.

Dự thảo cũng quy định điều kiện với người quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản; thù lao môi giới bất động sản và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới; quy định liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm.

Ví dụ như nghiêm cấm thu tiền mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng quy định. Sử dụng tiền mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai của bên mua, thuê mua trái pháp luật.

Việc đưa ra các quy định mới trên theo Chính phủ là do Luật kinh doanh bất động sản hiện hành quy định về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh không rõ ràng.

Trong đó, không xác định được tất cả các công trình xây dựng hay chỉ một số trường hợp công trình xây dựng cụ thể được kinh doanh theo hình thức bán, cho thuê mua. Còn thiếu quy định nhằm mục đích công khai, minh bạch các thông tin của bất động sản hình thành trong tương lai khi đưa vào kinh doanh…

Vì vậy, Chính phủ cho rằng cần thiết phải sửa đổi để quy định cụ thể hơn nhằm đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm giữa chủ đầu tư dự án bất động sản và người mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Can thiệp vào thị trường bất động sản khi có bất thường, đầu cơ

Điểm mới đáng chú ý, dự thảo dành một chương quy định về điều tiết để bình ổn thị trường bất động sản trong các trường hợp khi thị trường tăng trưởng "nóng", "đóng băng".

Theo đó, khi thị trường bất động sản mất cân đối cung - cầu sản phẩm, có biến động tăng - giảm bất thường về lượng, giá giao dịch ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội thì Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ ngành địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định biện pháp điều tiết thị trường.

Việc điều tiết thị trường bất động sản cũng được đưa ra khi xuất hiện yếu tố bất thường như thiên tai, địch họa, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế và các yếu tố khác có thể tác động lớn đến thị trường bất động sản.

Việc điều tiết thị trường bất động sản sẽ thực hiện thông qua các chính sách và theo thẩm quyền. Nguyên tắc là tôn trọng các quy luật thị trường; thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước…

Lý giải về quy định này, Chính phủ cho rằng các quy định hiện hành còn thiếu hoặc lỏng lẻo nên thị trường bất động sản phát triển thiếu kiểm soát, không có quy hoạch, kế hoạch, chạy theo lợi nhuận, phong trào.

Cơ cấu sản phẩm bất động sản không phù hợp, dư thừa bất động sản thuộc phân khúc cao cấp, thiếu bất động sản thuộc phân khúc trung bình và thấp. Giá nhà ở, giá bất động sản, đặc biệt là tại khu vực đô thị còn cao so với mặt bằng thu nhập chung và tốc độ phát triển kinh tế.

“Tình trạng đầu cơ bất động sản vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở các địa phương”, tờ trình nêu. Trong khi đó, hiện chưa có cơ chế cụ thể để kiểm soát, điều tiết thị trường. Chưa quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền kiểm soát, điều tiết thị trường của cơ quan nhà nước.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về xử lý vi phạm như tạm dừng giao dịch một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản, chấm dứt hoạt động của dự án bất động sản; đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

Doanh nghiệp bất động sản có kết quả kinh doanh và nợ ra sao năm 2022?Doanh nghiệp bất động sản có kết quả kinh doanh và nợ ra sao năm 2022?

Trong bối cảnh thị trường gặp thách thức, nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản phải gồng mình cầm cự, tìm cách xoay xở dòng tiền. Bên cạnh kết quả kinh doanh sa sút, khoản nợ phải trả cũng tăng lên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên