04/04/2023 19:47 GMT+7

Nhà thầu đua nhau giảm giá, thậm chí lỗ để thắng thầu

Các ‘ông lớn’ trong ngành xây dựng nói với Tuổi Trẻ Online việc nhiều nhà thầu đang đua nhau giảm giá, thậm chí chấp nhận lỗ vẫn làm.

Nhà thầu đua nhau giảm giá, thậm chí lỗ để thắng thầu - Ảnh 1.

Nhiều dự án bất động sản ở các thành phố lớn ngưng trệ khiến cho nhu cầu xây dựng giảm xuống đáy, nhà thầu thiếu việc - Ảnh: NGỌC HIỂN

Nhà thầu chấp nhận làm dưới giá vốn

Cuộc cạnh tranh của các nhà thầu xây dựng tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn hết sức khốc liệt khi nhu cầu xây dựng sụt giảm trầm trọng. Điều này đang đẩy các nhà thầu cuốn vào cuộc đua giảm giá để có được đơn hàng.

Trong đó, các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành xây dựng Việt Nam cũng phải kêu trời vì bị "phá giá".

Ngành xây dựng đang tồn tại thách thức nghiêm trọng là sự thiếu tin tưởng. Thị trường có quá nhiều nghi ngờ, mánh khóe và quan hệ giữa các doanh nghiệp xây dựng đang đi xuống. Điều quan trọng hiện nay là các doanh nghiệp xây dựng phải tin tưởng nhau, kết nối và hỗ trợ nhau để cùng nhau tạo ra những giá trị lớn hơn cho chủ đầu tư và xã hội.
Ông Phạm Quân Lực - phó tổng giám đốc Coteccons

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Quân Lực - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Coteccons - cho biết tổng thầu xây dựng đầu ngành này đang phải đối mặt với thực trạng do đơn hàng xây dựng khan hiếm nên các nhà thầu đã đua nhau giảm giá để thắng thầu, thậm chí có nhiều đơn vị còn chấp nhận làm dưới giá vốn.

Theo ông Lực, điều này đã tạo nên một "cuộc đua xuống đáy" nguy hiểm trong ngành xây dựng, càng làm càng lỗ. "Nhiều công ty cố gắng hạ giá để có được dự án, điều này đã dẫn tới những ảnh hưởng về chất lượng, sự an toàn và nhiều điều khó lường khác", ông Lực khẳng định.

Tương tự, ông Lê Viết Hải - chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM) - cũng cho hay do các nhà thầu xây dựng đều thiếu trầm trọng công trình, đơn hàng nên các nhà thầu đã chấp nhận chạy đua về giá.

Theo ông Hải, các nhà thầu lớn, nhà thầu nhỏ đang nhận thầu với tiêu chí "giá nào cũng làm", dẫn đến các doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận rất mỏng trong khi rủi ro lại cao.

Nhà thầu săn tìm khu công nghiệp, nhà ở xã hội

Nhà thầu đua nhau giảm giá, thậm chí lỗ để thắng thầu - Ảnh 3.

Bất động sản nhà ở, các dự án cao tầng hiện khan hiếm đối với các nhà thầu xây dựng - Ảnh minh họa: NGỌC HIỂN

Để giữ công ăn việc làm cho người lao động giai đoạn khó khăn này, các nhà thầu xây dựng buộc phải đa dạng hóa chiến lược kinh doanh, mở rộng các lĩnh vực mà trước nay chưa mặn mà.

Để tránh phụ thuộc vào chu kỳ khó khăn của ngành bất động sản, ông Phạm Quân Lực cho biết Coteccons đã có chiến lược đa dạng hóa kinh doanh khi phát triển sang các lĩnh vực như nhà xưởng công nghiệp, hạ tầng và ưu tiên chăm sóc những khách hàng lớn có sức khỏe hoạt động lành mạnh.

Theo ông Lực, phía doanh nghiệp này đang tập trung vào hiệu quả chất lượng của các dự án, quy mô dự án thay vì tập trung vào số lượng. Trong khi đó, cơ cấu dự án của nhà thầu này hiện đang dịch chuyển dần để đón đầu làn sóng FDI sẽ vào Việt Nam.

Theo ông Lực, điểm sáng gần đây là doanh nghiệp này đã trúng thầu xây dựng dự án của Tập đoàn LEGO tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư của tập đoàn này lên đến 1 tỉ USD.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng "xoay trục" tập trung để được trao cơ hội tại những dự án hạ tầng có nguồn vốn đầu tư công như sân bay Long Thành.

Tương tự, đại diện một nhà thầu lớn khác tại TP.HCM cho biết dù thị trường chững lại nhưng doanh nghiệp này vẫn nỗ lực hoàn thành hàng chục dự án đang xây dựng khắp cả nước và tìm kiếm những đơn hàng mới. Theo vị này, rất khó để tìm kiếm những đơn hàng xây dựng các nhà ở thương mại trong giai đoạn hiện nay, do đó nhà thầu này buộc phải lấn sâu để tìm kiếm các công trình đầu tư cho hạ tầng, công trình đầu tư công và xây dựng nhà xưởng để trước mắt là nuôi nhân viên dù lợi nhuận không cao.

Trong khi đó, ông Lê Viết Hải cho biết Tập đoàn Hòa Bình cũng không còn cách nào khác là phải tìm kiếm thêm các đơn hàng thuộc các công trình công nghiệp, hạ tầng, đầu tư công và nhà ở xã hội.

Tuy vậy, ông Hải thừa nhận rất khó để tăng doanh thu của những mảng này từ chỗ doanh thu 600 - 1.000 tỉ đồng mỗi phân khúc lên vài ngàn tỉ đồng để bù đắp những mảng đang sụt giảm hiện nay như nhà cao tầng, bất động sản du lịch…

Doanh thu giảm do phân khúc nhà ở cao tầng "đóng băng"

Ông Phạm Quân Lực cho biết năm ngoái Coteccons gần như không phát triển khách hàng mới cho phân khúc nhà ở cao cấp mà tập trung vào công tác quản trị rủi ro, thu hồi công nợ. Doanh thu 2022 ghi nhận sự bùng nổ tăng 60,1% so với 2021 nhưng so với giai đoạn thị trường bất động sản tích cực 2014 - 2017, quy mô doanh thu của doanh nghiệp này hiện chỉ đạt xấp xỉ một nửa.

Điều này được ông Lực lý giải là do phân khúc nhà cao tầng đang chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn việc của ngành xây dựng nhưng hiện đóng băng. Bên cạnh đó, 14% nợ cảnh báo nằm trong phải thu ngắn hạn từ thời kỳ trước 2021 đã chuyển thành nợ xấu khiến doanh nghiệp này phải trích lập dự phòng, đây là những rủi ro mất khả năng thanh toán trong bối cảnh môi trường không thuận lợi mà các doanh nghiệp xây dựng đang phải đối mặt.

Nhà thầu xây dựng Nhà thầu xây dựng 'đứng hình'

Thị trường bất động sản tụt dốc, các dự án ngưng trệ dắt dây các doanh nghiệp (DN) trong ngành vật liệu xây dựng, nhà thầu chính nhà thầu xây dựng phụ cũng chới với.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên