Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2024 khai mạc sáng 8-5 tại Trung tâm triển lãm và sự kiện (SECC) Q.7, TP.HCM, thu hút 450 gian hàng của hơn 400 doanh nghiệp. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường, tiếp cận nhà mua hàng quốc tế.
Nâng cao giá trị hàng xuất khẩu
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết thời gian qua nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, thủy sản, dệt may, điện tử, sản phẩm công nghiệp… đã tận dụng được những lợi thế cạnh tranh và tạo ra giá trị gia tăng cao cho sản phẩm.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu qua các cảng tại TP.HCM đạt 12,5 tỉ USD, tăng 69,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, như dệt may đạt 1,2 tỉ USD, tăng 40,3%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng đạt 912,8 triệu USD, tăng 40,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 175,6 triệu USD, tăng 80,3%; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù đạt 141,8 triệu USD, tăng 47,7%...
Để tiếp tục phát triển ngành xuất khẩu, theo ông Dũng, thành phố cần tập trung vào việc phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo và công nghệ cao để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn nữa cho sản phẩm xuất khẩu.
Cùng với đó, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu. Quan trọng hơn nữa, đó là sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng để thúc đẩy ngành xuất khẩu của thành phố phát triển bền vững.
"Với sự lấp đầy 450 gian hàng của 400 doanh nghiệp, cùng các đoàn nhà mua hàng từ Nga, Ấn Độ cũng trực tiếp tham gia gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp, hội chợ hứa hẹn một mùa giao thương cực kỳ tấp nập và hiệu quả", ông Dũng bày tỏ kỳ vọng.
Cơ hội mở rộng thị trường quốc tế
Ông Nguyễn Đức Hưng - CEO Napoli Coffee - tham gia gian hàng ở hội chợ - cho biết dù đã có sản phẩm xuất khẩu đi 40 quốc gia trên thế giới nhưng những hội chợ do TP.HCM tổ chức luôn có ý nghĩa với các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường ra thế giới.
Hiện Napoli cũng đã nhượng quyền thành công với 3.000 điểm bán trên cả nước và đang có kế hoạch mở rộng nhượng quyền ra quốc tế.
Đem đến hội chợ một không gian trẻ trung với các phiên livestream nông sản, bà Đặng Thùy Linh - chủ tịch Công ty APG Eco - cho biết với hình thức đưa nông sản lên các nền tảng mạng xã hội, đơn vị hướng đến những người tiêu dùng trẻ, và đưa lại hình ảnh thân thiện hơn về mặt hàng gạo, trái cây sấy dẻo...
"Nông sản, lúa gạo của Việt Nam rất được thế giới ưa chuộng. Chúng tôi muốn nâng cao giá trị hình ảnh các sản phẩm này từ thị trường trong nước, song song với xuất khẩu quốc tế", bà Linh cho biết.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết hội chợ diễn ra trong bối cảnh nhiều chỉ số sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại, xuất khẩu trên địa bàn thành phố đều tăng trưởng khá nhưng thực tế đang ở giai đoạn hồi phục.
Do đó, nhiệm vụ hàng đầu ở hội chợ là tạo không gian cho doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, vượt qua giai đoạn khó khăn khi nhu cầu thị trường suy giảm.
Các đoàn nhà mua hàng từ Nga, Ấn Độ cũng trực tiếp tham gia gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam, hứa hẹn một mùa giao thương cực kỳ tấp nập và hiệu quả tại đây.
Đây cũng được xem là thành công của ban tổ chức khi nỗ lực kết nối với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để tổ chức các đoàn nhà mua hàng quốc tế đến tham gia hội chợ, tạo cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hội chợ năm nay kéo dài từ ngày 8 đến 11-5, chào đón hàng ngàn khách tham quan, kết nối giao thương và mua sắm tiêu dùng. Các doanh nghiệp tham gia bên cạnh đặt mục tiêu tiếp cận với nhà mua hàng quốc tế đều có kế hoạch mở rộng thị trường, làm mới hình ảnh sản phẩm "Made in Vietnam".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận