Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 4, sản xuất nông lâm thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết bất lợi khi hiện tượng El Nino gây nắng nóng trên diện rộng ở hầu hết các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.
Tuy nhiên, giá bán các sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực vẫn tiếp đà tăng cao từ đầu năm 2024 do thị trường trong nước và xuất khẩu cơ bản ổn định, người sản xuất có lợi nhuận, quan tâm đầu tư vào sản xuất.
Nhờ đó, sản lượng các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản chủ yếu tăng khá, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 4 đạt 5,14 tỉ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 19,06 tỉ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu đạt 4,74 tỉ USD, tăng hơn 71%.
Giá trị xuất khẩu tới các thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương trong 4 tháng đầu năm nay đều tăng từ 20 - 40% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ đã vượt Trung Quốc để quay trở lại vị trí dẫn đầu thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản từ Việt Nam, còn Nhật Bản duy trì ở vị trí thứ ba.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 tháng đầu năm nay, giá trị và giá xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Cà phê tiếp tục là mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng mạnh nhất về lượng và giá. 4 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu gần 756.000 tấn cà phê (tăng 5%) với giá bình quân 3.402 USD/tấn (tăng 50%) và thu về 2,57 tỉ USD (tăng 58%).
Ngành nông nghiệp dự báo nếu duy trì lượng và giá xuất khẩu như vậy, cả năm nay xuất khẩu cà phê có thể thu về ít nhất 4 tỉ USD.
Tiếp đến là gạo, trong vòng 4 tháng, chúng ta bán 3,23 triệu tấn gạo với giá bình quân 644 USD/tấn (tăng 22%) và thu về 2,08 tỉ USD (tăng 36,5%).
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu rau quả cũng tăng mạnh khi tới 1,8 tỉ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, giá xuất khẩu một số mặt hàng khác tăng so với cùng kỳ như cao su 1.487 USD/tấn (tăng 7%), hạt tiêu 4.214 USD/tấn (tăng 36%). Riêng hạt điều 5.375 USD/tấn (giảm 8%), chè 1.632 USD/tấn (giảm 2%).
Đối với thị trường trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong tháng 4, giá cả hàng nông sản tương đối ổn định, sức tiêu thụ tăng.
Giá rau quả tăng so với tháng 3 do thị trường tiêu thụ mạnh, tuy nhiên một số trái cây như xoài, sầu riêng giá giảm do đang vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào.
Thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng... vào vụ thu hoạch
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định tháng 5 và các tháng tiếp theo, các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, châu Á... tiếp tục tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, các cuộc xung đột quân sự gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt... làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng chi phí vận chuyển.
Nhiều quốc gia thực thi chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước và đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung, ứng phó với tác động tiêu cực của El Nino trong năm 2024.
Trong nước, các mặt hàng rau củ quả có nguồn cung dồi dào, tương đối ổn định, nhiều loại nông sản sắp vào vụ thu hoạch...
Do đó, bộ sẽ nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi. Đồng thời chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.
Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản và mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận