Cùng với đó là những lưu ý với doanh nghiệp để hàng hóa được nhanh chóng thông quan.
Mở thêm làn, xây thêm bãi đỗ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vương Trinh Quốc - trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai - cho biết hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành từ đầu năm đến nay vẫn duy trì ổn định và chưa xảy ra hiện tượng ùn tắc.
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nhanh chóng hơn, nhờ đâu?
Lưu lượng hàng hóa thông quan duy trì vào khoảng 200 - 300 xe hàng/ngày. Còn tại cửa khẩu quốc tế ga đường sắt, hoạt động thông quan duy trì với 2-3 chuyến tàu xuất nhập cảnh/ngày.
Từ đầu năm đến ngày 15-2, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai đạt 110 triệu USD, gần 50% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng hóa nông sản xuất qua Trung Quốc chủ yếu sầu riêng, thanh long, chuối, gỗ ván bóc các loại... Đặc biệt là sầu riêng, hiện nhu cầu phía bạn rất lớn nhưng hiện nay đang trái vụ nên không đủ để xuất khẩu.
Để thúc đẩy hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu thuận lợi, ông Quốc cho biết hạ tầng giao thông và bến bãi tại các cửa khẩu trong Khu kinh tế cửa khẩu đã được tỉnh Lào Cai đầu tư tương đối đồng bộ.
Tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành trong năm 2023 đã được đầu tư mở rộng thêm 8,7ha dành cho tập kết xe xuất khẩu, đáp ứng cho việc đậu đỗ của 500 xe xuất khẩu/ngày. Đối với xe nhập khẩu, hiện tại trong khu vực có 5 bãi tập kết, sang tải hàng hóa có diện tích khoảng 20ha, có khả năng tiếp nhận trên 600 xe/ngày.
"Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã đề xuất và được tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính chấp thuận phương án xây dựng thêm làn xuất - nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành từ 2 làn lên 5 làn (trong đó có 2 làn xuất và 3 làn nhập) để tăng lưu lượng lưu thông.
Hiện cửa khẩu đang duy trì thực hiện thủ tục thông quan mỗi lô hàng dưới 2 phút. Đồng thời, đơn vị tăng cường giám sát quy trình thủ tục hành chính của các lực lượng, kết nối dữ liệu với Tổng cục Hải quan để vận hành cửa khẩu số toàn quy trình", ông Quốc thông tin.
Ông Quốc cũng cho biết đơn vị đang phối hợp với Ban quản lý cửa khẩu huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) thực hiện thí điểm "nhập có hàng, xuất có hàng" (phương tiện vận chuyển hai chiều). Việc thí điểm này đến 30-4, sau đó hai bên sẽ đánh giá để tiếp tục triển khai.
Đối với cửa khẩu thông minh, ông Quốc cho biết phía Lào Cai đã áp dụng cửa khẩu số để giám sát quy trình, còn phía bạn đã triển khai cửa khẩu thông minh cách đây 2 năm. Tuy nhiên, do quy định của mỗi nước nên chưa thể kết nối dữ liệu giữa hai bên.
Tới đây, hai nước sẽ thảo luận để thống nhất cùng thúc đẩy xây dựng cửa khẩu thông minh, tiếp tục nâng cao hiệu quả dịch vụ quản lý giám sát cửa khẩu, không ngừng rút ngắn thời gian thông quan, tối ưu hóa quy trình thông quan, nâng cao trình độ tiện lợi hóa thông quan.
Ngoài ra, tỉnh này cũng sẽ thực hiện thủ tục mở, nâng cấp cửa khẩu Bản Vược (Bát Xát, Lào Cai, Việt Nam) - Pả Sa (Vân Nam, Trung Quốc) lên cửa khẩu quốc tế.
Phải nhuần nhuyễn việc khai báo qua cửa khẩu số
Có mặt tại một kho hàng ở bãi xe Bảo Nguyên, khu vực cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng), một chủ hàng có 20 - 30 xe container xuất khẩu xoài Đồng Tháp, mít Tiền Giang mỗi tháng hồ hởi kể hàng hóa vận chuyển nhanh, sang Trung Quốc vẫn tươi, chủ khách rất thích và trả giá cao. "Nhờ khai báo điện tử, mở rộng bến bãi, làm đường mới nên chúng tôi tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại", chủ hàng này nói.
Để nâng cao năng lực thông quan, trung tá Trịnh Quang Hưng, đồn trưởng Đồn biên phòng Tân Thanh, cho biết lực lượng bộ đội biên phòng chủ động tăng thời gian làm việc, hướng dẫn doanh nghiệp khai báo, xử lý phát sinh trên phần mềm cửa khẩu số.
Tuy vậy, việc ùn tắc nông sản có thể diễn ra do lưu lượng hàng hóa tăng đột biến, doanh nghiệp khai báo thiếu thông tin hoặc sai thông tin, ví dụ nhầm ký tự B thành P trên số xe, số rơ moóc.
Do đó, ông đề nghị doanh nghiệp, thương lái trung thực, chuyên nghiệp hóa quy trình thu hoạch, sản xuất, vận chuyển và buôn bán theo hợp đồng, đúng quy định quốc tế. Nông sản xuất khẩu phải đúng mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói.
"Có lái xe chưa thành thạo trong khai báo phải gọi điện thoại nhiều lần cho người làm thủ tục dẫn tới thời gian khai báo lại, có khi mất 10 - 15 phút. Để tránh ảnh hưởng đến quá trình thông quan, doanh nghiệp cần thường xuyên tập huấn khai báo qua cửa khẩu số", ông Hưng chia sẻ.
Ông Hoàng Khánh Duy, phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, cho hay để tránh bị động khi hàng hóa gia tăng khi sầu riêng, vải thiều vào chính vụ, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các ngành chức năng như biên phòng, hải quan, thuế, kiểm dịch đã có phương án hỗ trợ doanh nghiệp.
Đó là tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp khai báo trực tuyến qua phần mềm cửa khẩu số, thời gian từ 2-5 phút/xe, tiết kiệm thời gian, doanh nghiệp không phải lên làm việc trực tiếp như trước. Tỉnh cũng nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng như bãi xe, đường chuyên dụng, có bãi chứa tới khoảng 1.000 xe hàng.
Hàng hóa phải đủ tiêu chuẩn
Để tránh lặp lại các vi phạm về kiểm dịch trong các lô hàng trái cây xuất khẩu như năm 2023, đại diện Cục Bảo vệ thực vật lưu ý người dân, doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như các yêu cầu nêu trong các nghị định thư và không nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm.
Ông Ngô Xuân Nam, phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), chia sẻ có thể thấy gần đây Trung Quốc đã ban hành các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật đối với từng ngành hàng nên nếu chúng ta vi phạm thì sẽ bị đối tác nhập khẩu cảnh báo, gây ảnh hưởng và thiệt hại cho doanh nghiệp và đặc biệt là ảnh hưởng đến cả ngành hàng và thương hiệu nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cũng theo ông Ngô Xuân Nam, người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng quan tâm tới chất lượng nông sản, chấp nhận giá cao. Bởi vậy người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi kinh doanh cần chú trọng chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng đầy đủ các quy định của nhà nhập khẩu Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết thời gian qua các địa phương đã tập trung chỉ đạo xây dựng được các vùng, quy điểm đạt chuẩn theo yêu cầu các tiêu chuẩn của quốc gia, quốc tế và có cấp được mã số vùng trồng, mã số đóng gói.
"Trong chuyến làm việc vừa qua, phía bạn lưu ý các doanh nghiệp và những người sản xuất ở Việt Nam cần phải chú ý đến vấn đề chất lượng của sản phẩm, mẫu mã hàng hóa thì mới có thể có chỗ đứng vững ở thị trường Trung Quốc" - ông Nam nói và cho biết bộ cũng đề nghị phía bạn xây dựng các chuỗi logistics nông sản bền vững và đảm bảo cung ứng được hai chiều để giảm chi phí vận chuyển, khi đó mới đảm bảo được giá thành khi sang thị trường Trung Quốc.
Làm việc chặt chẽ với các bên
Hiện các cơ quan chức năng cũng đã trao đổi với phía Trung Quốc để tối ưu hóa quy trình kiểm tra, kiểm soát. Trường hợp lưu lượng container tại các cửa khẩu tăng đột biến, hai bên sẽ trao đổi, thống nhất kéo dài thời gian thông quan hàng hóa.
Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn thì cho hay thường xuyên thông báo cho các sở ngành, địa phương có hoa quả xuất nhập khẩu điều tiết, cân nhắc đưa hàng hóa lên các cửa khẩu theo thực tế.
Trong khi đó, từ kinh nghiệm năm 2023, thiếu tá Phạm Tuấn Hùng, trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cho hay có 3 đợt cao điểm xuất nhập khẩu hàng hóa mà doanh nghiệp được lưu ý, tránh chuyển hàng dồn lại một thời điểm. Đó là giai đoạn 1 từ tháng 4 đến giữa tháng 5, giai đoạn 2 là giữa tháng 6 đến hết tháng 7 và giai đoạn 3 là trong tháng 10.
Tính đến cửa khẩu thông minh
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tỉnh Lạng Sơn còn trình Chính phủ xem xét, quyết định mô hình cửa khẩu thông minh trên cơ sở thỏa thuận khung đã ký kết giữa chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn và chủ tịch Chính phủ nhân dân khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), dự kiến thử nghiệm cửa khẩu thông minh với Trung Quốc từ 1-1-2026 đến 31-12-2028.
Cửa khẩu này có thể áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự hành không người lái (AGV), hệ thống quản lý kho sử dụng camera thông minh. Hai bên sẽ nghiên cứu, họp bàn xây dựng trung tâm chỉ huy để chia sẻ, kết nối dữ liệu. Thúc đẩy tương tác về hải quan, giảm chi phí logistics... Tổng kinh phí gần 8.000 tỉ đồng, với hai giai đoạn.
Phần xã hội hóa nhằm đầu tư hạ tầng logistics, xe AGV, cẩu gắp container, hệ thống giám sát tự động, hệ thống viễn thông 5G...
Theo tính toán, cửa khẩu thông minh nâng cao năng lực thông quan, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu từ 2-3 lần hiện nay (vào năm 2027) và tăng 4-5 lần (vào năm 2030). Mô hình này có thể giảm 30 - 40% chi phí thông quan, bến bãi, vận chuyển, dịch vụ tại khu vực cửa khẩu của hai nước, đồng thời hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ kho vận, logistics, thương mại, dịch vụ phụ trợ...
Nhiều tín hiệu tích cực từ phía bạn
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nguồn cung trái cây của Việt Nam càng về giữa năm và cuối năm càng dồi dào đang tạo áp lực lớn về tiêu thụ.
Ngay từ đầu năm 2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã dẫn đầu đoàn công tác của bộ sang Trung Quốc xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường các mặt hàng nông, thủy sản và đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo Thứ trưởng Nam, qua chuyến công tác cho thấy tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn rất lớn.
"Trong buổi làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa qua, Bộ NN&PTNT đã đặt vấn đề và phía bạn đồng ý sẽ đẩy mạnh để mở cửa các sản phẩm trái cây của Việt Nam", Thứ trưởng Nam nói.
Việt Nam có 14 mặt hàng rau quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm nhãn, vải, xoài, thanh long, dưa hấu, chuối, chôm chôm, mít, thạch đen, măng cụt, sầu riêng, chanh leo, ớt, khoai lang.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết đến nay đơn vị đã hoàn thành thủ tục và gửi hồ sơ đề nghị Trung Quốc ký nghị định thư nhập khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa từ Việt Nam. Nếu dừa, sầu riêng đông lạnh Việt Nam được Trung Quốc mở cửa trong năm 2024, triển vọng xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục khả quan, thuận lợi và có thể thu về thêm từ 1 - 1,5 tỉ USD đối với hai mặt hàng này.
Sau khi ký xong hai mặt hàng này, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa dược liệu và quả có múi. Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật cũng đang xây dựng hồ sơ, lấy ý kiến về nghị định thư đối với trái chanh leo, bơ.
Nhìn chung không có trở ngại lớn
Ngày 27-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc không giấu được niềm vui dịp đầu năm hàng hóa xuất khẩu không những trơn tru mà còn rất được giá.
Một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở tỉnh Bình Thuận thu mua thanh long, mít, ớt, sầu riêng... bán qua Trung Quốc với lượng đơn rất nhiều. Doanh nghiệp này chia sẻ câu chuyện bận rộn với đóng hàng, làm hàng qua thị trường này trong những tháng đầu năm với câu chuyện thú vị như sầu riêng người Việt không biếu Tết chứ Trung Quốc lại rất chuộng làm quà Tết.
"Ngoài những vùng nguyên liệu chúng tôi liên kết sản xuất với nông dân, công ty phải thu gom thêm hàng ở các tỉnh miền Trung mới đủ hàng. Mỗi ngày xuất 4-5 container là bình thường", đại diện doanh nghiệp thông tin.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, cho biết dù thanh long trên địa bàn tỉnh chưa vào mùa, lượng không nhiều nhưng đơn hàng rất nhiều. Lý giải và dự đoán thêm tình hình nông sản xuất khẩu qua Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhìn nhận tình hình này sẽ còn tăng.
"Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tháng 1 đạt hơn 490 triệu USD, cao hơn các năm trước. Tình hình Biển Đỏ căng thẳng, hàng Trung Đông và châu Âu đi chậm hơn 15 ngày, chi phí cao nên nước bạn tăng thu mua hàng Việt, vận chuyển nhanh, giá thành ổn", ông Nguyên chia sẻ.
Với tốc độ đơn hàng xuất, với hoạt động thu mua ào ào từ thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp xuất khẩu Việt cho biết đa số hàng hóa xuất cảng với thủ tục hải quan, thuế, doanh nghiệp đều được điều tiết, hỗ trợ như khai báo trực tuyến qua phần mềm cửa khẩu số.
"Nếu có ùn ứ thì là ùn ứ vì... hàng nhiều nên thông quan chậm, chứ không phải Trung Quốc không thu mua mà container đứng yên. Vì thế, nhìn chung không có trở ngại lớn" - ông Nguyễn Hậu Quang, một thương lái nông sản ở Hà Nội, đánh giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận