Cây viết Trung Nghĩa của Tuổi Trẻ lên đường đến Afghanistan từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3-2023 trong tâm thế du khách để mắt thấy tai nghe từ bên trong quốc gia từng được xem là một trong những nơi nguy hiểm chết chóc nhất thế giới.
Thành phố Mazar-i-Sharif sát biên giới Afghanistan - Uzbekistan. Hơn 2h sáng. "Rầm, rầm!". Tôi đang thiu thiu ngủ đầy mỏi mệt sau một ngày dài di chuyển trên xe hơn 12 tiếng đồng hồ từ khu vực giữa Afghanistan ra sát biên giới phía bắc đất nước này thì tiếng gõ dồn dập vào cánh cửa phòng trọ cùng loạt tiếng nói địa phương vang lên bên ngoài.
Tay súng AK kiểm tra lúc rạng sáng
Cửa mở. Ba tay súng AK yêu cầu kiểm tra giấy tờ tùy thân, khép nép bên cạnh là ông chủ nhà trọ. Sau khi xem đầy đủ hộ chiếu, visa cùng tờ giấy thông hành (permission) khổ A4 cấp phép cho du khách nước ngoài được đi đến các thành phố khác ngoài Kabul, những kẻ cầm súng này mới có vẻ hài lòng, chúc ngủ ngon và rời đi.
Những người nước ngoài khi đến Afghanistan du lịch thuộc diện "quan tâm" đặc biệt, như cuộc kiểm tra giấy tờ đột xuất giữa đêm hôm khuya khoắt như thế này. Cũng có thể do tôi đến đây trọ đã khá muộn (22h).
Đây là gian nhà trọ hai tầng nằm ngay ở góc quảng trường lớn trung tâm thành phố, tầng trệt là quán ăn nhưng tầng trên tối âm u như một nhà kho.
Ban nãy người chủ trọ sao chụp hộ chiếu, mở sổ trọ ghi các dòng thông tin và yêu cầu khách lăn tay thay cho ký tên. Giá trọ qua đêm trong gian phòng có sẵn hai giường đơn chỉ là 500 afghani (AFN - 140.000 VNĐ).
Thật ra, qua nhiều ngày di chuyển từ Kabul rồi đến những thành phố như Bambyan, Mazar-i-Sharif..., chúng tôi đã quen thuộc với việc kiểm tra giấy tờ khi đến các trạm gác an ninh trên quốc lộ, hoặc bất kỳ tình huống, sự cố gì xảy ra.
Ở nhiều chốt gác an ninh ở đường ra vào thành phố, khu vực dân cư khác nhau, các binh sĩ Taliban trang bị áo giáp chống đạn, vũ khí đầy người nghiêm túc kiểm tra kỹ lưỡng hộ chiếu và giấy phép thông hành của chúng tôi.
Thỉnh thoảng họ còn dùng điện thoại di động chụp hình lại hai thứ đó hoặc có thể chụp hình luôn dung nhan du khách (lúc này chúng tôi luôn miệng nhoẻn cười mà trong bụng thiệt ra là đang đánh lô tô).
Gần nửa tháng dọc ngang đất nước Afghanistan, tôi luôn trong tâm trạng hồi hộp và phần nào hơi lo ngại mỗi khi xe chở mình phải dừng ở những chốt gác để kiểm tra giấy tờ. Việc này thật ra không gây khó dễ gì.
Nhiều anh lính khá thân thiện, vui vẻ và cười chào xã giao với bạn. Có những chốt gác nhỏ, các binh sĩ chỉ ngó vào rồi khoát tay cho xe đi tiếp bình thường. Khi được "thông quan" đi tiếp thì tôi thở phào nhẹ nhõm và nói lời cảm ơn bằng ngôn ngữ Pashto: "Manana".
Kỳ thực, tôi không cảm thấy những việc kiểm tra này là phiền toái. Đây thậm chí là điều cần thiết để chính quyền sở tại có thể nắm bắt hành trình và hy vọng sẽ hỗ trợ bạn khi cần (dù thực ra chuyện này cũng rất... hên xui ở tùy nơi!).
Nhưng dù gì đi nữa, ở một nơi nhạy cảm như Afghanistan thì điều kiện trước tiên là bạn phải có đầy đủ visa lẫn giấy thông hành - hai thứ có vai trò quan trọng như "bùa hộ mệnh" của du khách.
Và hành trình du lịch mạo hiểm của tôi đến Afghanistan dĩ nhiên cũng phải bắt đầu bằng khâu chuẩn bị thủ tục xin visa "không mấy bình thường".
Nơi nào Taliban cấp visa?
Tháng 8-2021, lực lượng Taliban tràn vào làm chủ thủ đô Kabul và từ đó nắm quyền điều hành đất nước thay cho chính phủ cũ.
Tin cho hay vào cuối năm 2021, bắt đầu có du khách nước ngoài (không tiết lộ danh tánh và quốc tịch) được cấp visa du lịch vào Afghanistan trở lại, đồng thời chính quyền đương nhiệm tuyên bố muốn người nước ngoài có một cái nhìn thực tế và cởi mở hơn về quốc gia này.
Dù vậy, hành trình đến Afghanistan của chúng tôi vẫn không thể bình thường vì nhiều lý do. Khoảng 65-70 cơ quan đại diện ngoại giao từ thời Chính phủ Afghanistan cũ đặt tại nước ngoài nơi nào còn tồn tại có thể vẫn cấp visa nhập cảnh du lịch cho bạn, nhưng phần lớn sẽ không có giá trị.
Nguy cơ 100% là bạn bị Taliban chặn lại ngay ở cửa khẩu, sẽ gặp nhiều rắc rối hoặc có thể bị trục xuất.
Rào cản lớn là cho đến nay vẫn chưa có bất cứ quốc gia nào trên thế giới chính thức công nhận Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan do Taliban điều hành. Trước đây trong thời kỳ lực lượng này nắm quyền từ năm 1996 tới 2001, có ba quốc gia công nhận là Pakistan, Saudi Arabia và UAE.
Sau khi nắm quyền trở lại lần thứ nhì năm 2021, Taliban đã gửi các đại biện lâm thời của mình tới các nước như Nga, Iran, Pakistan, Trung Quốc, Turkmenistan thay thế cho các đại sứ chính quyền cũ, mặc dù các nước này đều chưa công nhận ngoại giao chính thức với họ.
Để được cấp visa có giá trị chắc chắn vào được Afghanistan, tôi nhận được những lời khuyên đáng tin cậy rằng phải xin visa tại sứ quán Afghanistan do Taliban đại diện lâm thời ở thủ đô Islamabad của Pakistan hoặc ở Dubai (UAE). Tôi quyết định lên đường sang Pakistan - nước láng giềng có rất nhiều duyên nợ lịch sử và đường biên giới chung dài 2.700km với Afghanistan.
Tôi được đưa vào bên trong sứ quán Afghanistan tại Islamabad (Pakistan) để viên chức ngoại giao lâm thời Taliban phỏng vấn. Từ đó đến chiều hôm sau, tôi bồn chồn đến nín thở chờ nhận visa để bay đến Kabul - thủ đô từng vô cùng hỗn loạn thời lính Mỹ rút quân hồi tháng 8-2021 và từ đó đến cuối tháng 3-2023 vẫn bị Tổ chức khủng bố IS đánh bom đẫm máu nhiều lần.
Chuẩn bị sẵn... 4 visa
Chuẩn bị nhiều phương án đi lại và phòng tránh rủi ro tối đa cho hành trình đến và rời Afghanistan, tôi đã xin sẵn 4 visa nhập cảnh của các quốc gia: Ấn Độ (là nơi trung chuyển có nhiều chuyến bay thuận tiện đi/về giữa khu vực Tây Nam Á và Việt Nam) cùng visa 3 nước láng giềng lân cận Afghanistan như Pakistan (là nơi có sứ quán Afghanistan do Taliban điều hành), Tajikistan và Uzbekistan.
Tất cả đều là visa điện tử (e-visa) đăng ký và đóng lệ phí hoàn toàn qua mạng rất dễ dàng. Hiện nay Pakistan cấp e-visa du lịch cho công dân Việt Nam chỉ trong 1 ngày làm việc.
Uzbekistan duyệt e-visa khoảng 3 ngày, còn Tajikistan cấp e-visa trong 5 ngày làm việc. Ngoài ra, công dân Việt Nam cũng có thể nhập cảnh 2 quốc gia trong khu vực Tây Á là Kazakhstan và Kyrgyzstan mà không cần xin visa.
Afghanistan có nghĩa "Vùng đất của người Afghan", diện tích 653.032km², dân số năm 2023 trên 41 triệu người (thứ 37 thế giới). Từ ngày 15-8-2021, Afghanistan được quản lý và kiểm soát bởi lực lượng Taliban sau sự sụp đổ của Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan được quốc tế công nhận.
Chính quyền Taliban đã thay quốc kỳ màu trắng, đặt lại tên quốc gia thành Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (Islamic Emirate of Afghanistan) nhưng đến nay vẫn chưa được thế giới công nhận chính thức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận