15/04/2023 11:45 GMT+7

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 5: Đi 'chợ trời' xứ bom đạn triền miên

Nền văn hóa dân gian cổ của Afghanistan có câu "Mọi thứ đều đến với Kabul". Vì sao vậy? Đến "chợ trời" khổng lồ Pul-e Khishti được ví như "viên ngọc quý" thì bạn có thể hiểu trong sự choáng ngợp kỳ lạ.

Tác giả ở chợ chim Kabul thu hút nhiều du khách - Ảnh: L.K.G

Tác giả ở chợ chim Kabul thu hút nhiều du khách - Ảnh: L.K.G

Xộc vào mũi chúng tôi mỗi khi ra phố Kabul là mùi thịt nướng thơm lừng ở khắp nơi. Thịt nướng xiên que (gọi là Afghan Kabob) được tẩm ướp đậm đà chính là món ngon khoái khẩu của người địa phương bất kể sang hèn.

Bánh mì dẹp kẹp thịt nướng xiên tuyệt ngon

Hầu như mọi ngày ở Afghanistan, chúng tôi đều ăn món này ở một trong hai bữa chính. Gọi Kabul là "thành phố thịt nướng" hẳn không ai phản đối, vì hầu hết quán ăn đều bán chúng với quầy nướng thịt bằng than đặt ngay mặt tiền lộ thiên, dễ dàng khiến người qua lại... "đói bụng".

Người dân Afghanistan ăn thịt cừu, dê, bò nướng xiên que kèm các miếng bánh mì dẹt (dân địa phương gọi là nan-i-Afghan, Afghani Nan hoặc Naan) giòn rụm. Đây là món ăn cơ bản thường ngày không thể thiếu của người Afghanistan, hệt như cơm ở Việt Nam vậy.

Bánh mì của nước này dày khoảng hơn 1cm, được làm với nhiều kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Một số loại bánh có thì là, vừng hoặc hạt anh túc rắc lên trên.

Có nhiều cách ăn bánh mì dẹt ở đây rất thú vị: bạn có thể xé miếng bánh mì ăn kèm thịt nướng kebab, biến hóa miếng bánh mì thành... chiếc muỗng quẹt súp hoặc các món hầm rồi đưa lên miệng, hoặc đơn giản là ăn bánh cùng trà cho buổi điểm tâm sáng hay ăn nhẹ khi trời tối.

Thường ngày chúng tôi cũng hay ăn món kabuli palaw, tức cơm thập cẩm thịt cừu trộn cà rốt bình dân nổi tiếng của Afghanistan. Món này được đặt ở giữa bàn ăn bên cạnh các món khác, rất ngon miệng dù hơi mặn và nhiều dầu mỡ. "Mọi thứ đều đến với Kabul" có thể bắt đầu bằng ẩm thực, khi các món có sự pha trộn gia vị từ vùng Trung Đông, Iran, Ấn Độ và cả Địa Trung Hải.

Bữa ăn có thể thêm nhiều loại nước xốt sền sệt cà ri nấu với thịt cừu, thịt gà hoặc trứng ốp la cùng cà chua xắt nhuyễn. Không có canh ở đây, nhưng bù lại bạn được phục vụ chén nước xốt sữa chua loãng có rau, tỏi tây bằm thay thế. Trong tiệm thực phẩm gần nhà trọ, tôi thấy bán khá phong phú với đậu bắp, rau bina, cà tím, bạch đậu khấu...

Chúng tôi có dịp vào bên trong một tiệm nướng bánh mì dẹt trong sự chào đón vui vẻ của mọi người. Faizi, anh chủ lò ngồi bó gối trên sạp cùng cả trăm chiếc bánh mới ra lò, cho biết mỗi ngày có thể bán ra hàng ngàn chiếc bánh được nướng liền tù tì.

Sáu người thợ nướng đều hiếu khách, chỉ dạy tôi "tham gia" công đoạn tạo ra một chiếc nan-i-Afghan. Bánh mì dẹt ở đây được trộn bột mì nguyên hạt với bột mì trắng, thêm muối, men và nước. Ở nhiều nơi còn bổ sung sữa chua, dầu và trứng vào công thức vo bột.

Trên gác lửng chất đầy những bao bột mì, có hai nhân viên trẻ măng vo bột ướt thành cục. Họ thảy xuống cho hai người ngồi dưới sàn đập bột dẹp ra rồi chuyển cho hai người đưa bánh xuống hầm lò lửa đỏ rực ngay bên dưới. Bánh nào chín vàng thơm phức thì được bác Anas già nhất tiệm vớt lên bằng móc sắt rồi tung lên sạp một cách điệu nghệ.

Trong tiệm nướng bánh mì dẹp kiểu Afghanistan - Ảnh TRUNG NGHĨA

Trong tiệm nướng bánh mì dẹp kiểu Afghanistan - Ảnh TRUNG NGHĨA

"Viên ngọc" Pul-e Khishti

Mặc dù Kabul đã thay đổi rất nhiều với những tòa nhà cao tầng hiện đại, song các khu chợ, đền đài và nhiều địa danh cổ xưa vẫn giữ được vị trí linh hồn của cuộc sống thành phố này. Thậm chí có những khu chợ độc đáo ra đời theo thời cuộc lịch sử như "Chợ Bush" (năm 2022 Taliban đổi tên thành chợ Mujahideen).

Mở ra cách đây 14 năm ở Kabul, chợ đặt theo tên cựu tổng thống Mỹ George W. Bush, người ra lệnh đưa quân Mỹ vào Afghanistan năm 2001. Thời thịnh, chợ có tới 500 gian hàng, bán nhiều mặt hàng chiến trường cũ mà quân đội phương Tây xài rồi để lại như quần áo, ba lô, thiết bị quân sự, dao cạo râu... khiến du khách có cảm tưởng như đi bảo tàng quân sự ngoài trời.

Khi đến chợ Pul-e Khishti sát cạnh dòng sông Kabul khô cạn, chúng tôi nhanh chóng lọt thỏm vào một không gian đầy hỗn tạp của muôn vạn sắc màu, ngập tràn mùi hương và âm thanh rộn rã.

Đây được xem là một trong những khu chợ ngoài trời cổ kính và đẹp nhất thế giới, cho dù từng bị phá hủy vào những năm 1980. Tên gọi Pul-e Khishti được ghép từ "cây cầu" và "gạch" trong tiếng Dari - có nghĩa là chợ "được xây bằng gạch". Hàng hóa ở đây đa dạng đến mức bạn có thể loanh quanh mua sắm cả ngày.

Đi chợ, bạn cảm nhận rõ ràng Afghanistan là một quốc gia nông nghiệp chủ đạo nên họ có các sản phẩm từ động thực vật phong phú, với mọi loại rau củ quả hạt cho đến thịt, sữa, sữa chua cung cấp cho nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Những thúng đựng thảo mộc, gia vị đủ sắc màu vàng, cam và đồng sáng được chất cao thành chóp núi tuyệt đẹp, phả mùi hương như nước hoa. Tất cả mọi cửa hiệu hay quầy hàng lộ thiên đều do đàn ông đứng bán, cho dù mặt hàng là áo ngực phụ nữ hay nhụy hoa nghệ tây (saffron) đắt đỏ đang trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Afghanistan.

Khách hàng ở chợ hầu hết cũng là đàn ông, nhưng tôi cũng thấy khá nhiều phụ nữ mặc áo burqa xanh hoặc áo choàng đen đi mua sắm cùng bạn hoặc trẻ nhỏ.

Khu bán thịt ở chợ có thể gây sốc cho những du khách yếu bóng vía bởi xác những con cừu và gia súc móng nhỏ vừa giết thịt còn đỏ tươi hoặc được ướp muối phơi khô đều treo ngược trên những chiếc móc sắt nhọn. Thịt treo nhiều đến nỗi tôi suýt bị đụng đầu vào chúng khi thử vào quầy bán.

Đàn cừu đông đúc ngay trên phố Kabul - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Đàn cừu đông đúc ngay trên phố Kabul - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Tôi nhanh chóng thối lui để bước qua khu bán quần áo để chọn mua một chiếc khăn quàng cổ giữa "ma trận đồ" các loại khăn sặc sỡ đủ loại kiểu cách, loại vải và màu sắc rất đẹp. Nhiều loại khăn xếp đạo Sikh, mũ sọ hay nón vành thừng truyền thống của dân địa phương cũng bán với nhiều giá cả mà bạn cần phải quyết liệt trả bớt nếu không muốn mua quá hớ.

Tôi rất ưng ý khi mua chiếc mũ bện thừng với giá 200 AFN và chiếc khăn mới giá 150 AFN trên phố. Không chỉ giúp du khách "nhập gia tùy tục" sử dụng trong những ngày ở Afghanistan, đó còn là những vật kỷ niệm để mang về nhà.

Từ chợ Pul-e Khishti, đi một đoạn ngắn là chúng tôi tới con hẻm nhỏ quanh co có từ thời Trung cổ được gọi là chợ Ka Farushi - được biết đến như là chợ bán chim nổi tiếng của Kabul mà du khách rất thích ghé qua.

Tên chợ nghĩa là "ngõ bán cỏ rơm" vì từng là nơi mua và bán thức ăn cho ngựa. Chợ chim rất tấp nập người đi kẻ lại vì việc nuôi các loài chim biết hót như thú cưng bầu bạn trong nhà là một truyền thống thư giãn lâu đời của người Afghanistan (trong kinh Koran có chi tiết về loài chim hudhud là "sứ giả tin tức" của nhà tiên tri kiêm vua Solomon).

Ngang qua các ngăn cửa hiệu có tường đắp bằng bùn cứng, tôi hơi ngợp khi thấy người bán nhét chen chúc hàng ngàn con chim bên trong vô số lồng bằng gỗ và kim loại ở chợ.

Chim sẻ, cút, chiền chiện, hoàng yến hót lảnh lót, bồ câu gù rù, vẹt xanh vùng nhiệt đới đến chukar - loài chim lông xám vệt đen trắng và mỏ đỏ rất được yêu thích.

Nhưng "vua của các loài" bán ở đây chính là gà gô chọi lông trắng, hay kêu quác quác trong lồng. Chọi gà là thú vui cổ xưa rất phổ biến ở Afghanistan, khi cánh đàn ông tụ tập vào thứ sáu hằng tuần xem đá gà và đặt cược.

Trước khi chúng tôi đến và rời khỏi Afghanistan, những vụ bom tự sát vẫn nổ ở Kabul, hầu hết do Tổ chức Hồi giáo cực đoan IS nhận trách nhiệm. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn ở các khu tham quan, đền thờ, công viên... với các đàn bồ câu bay rợp trời.

Kỳ tới: Bom nổ, bồ câu vẫn bay lượn

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 4: Đi nhanh, nói khẽ trên phố lạ KabulĐến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 4: Đi nhanh, nói khẽ trên phố lạ Kabul

Cảm giác bước chân trên đường phố Kabul (có nhiều cách phát âm na ná khác là Cabool, Cabol, Kabol hay Cabul) mang đến cho bạn rất nhiều cảm xúc đặc biệt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên