14/04/2023 11:42 GMT+7

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 4: Đi nhanh, nói khẽ trên phố lạ Kabul

Cảm giác bước chân trên đường phố Kabul (có nhiều cách phát âm na ná khác là Cabool, Cabol, Kabol hay Cabul) mang đến cho bạn rất nhiều cảm xúc đặc biệt.

Xe nước mía trên đường phố Kabul - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Xe nước mía trên đường phố Kabul - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Lúc ở Pakistan, tôi đặt may cấp tốc bộ trang phục truyền thống shalwar kameez phổ biến ở vùng Nam Á. Nó thật sự góp phần giúp tôi yên bụng hơn mỗi khi bước ra ngoài phố xá Kabul - nơi mà dáng vẻ người nước ngoài của bạn luôn nhận được những ánh mắt nhìn khi rất vui vẻ nồng ấm thân thiện, lúc lạnh lùng dò hỏi nghi hoặc của dân địa phương.

Nhịp sống sống động ngoài phố Kabul

Sáng nào mở cửa phòng trọ chúng tôi cũng thấy một mâm đặt sẵn ngoài cửa gồm có bánh mì dẹt, vài mẩu mứt táo, dâu, bơ và một bình nước nóng để pha trà. Tôi mang lên sân thượng để ăn cho thoáng đãng hơn, có khi pha thêm tô mì ăn liền mang từ Việt Nam sang cho hạp vị.

Đây cũng là chỗ sân phơi, chứa máy phát điện, các tấm pin mặt trời chuyển đổi điện năng mà nhiều nhà cao tầng, khách sạn ở Kabul cũng có để bù đắp chuyện cúp điện.

Thiếu điện hiện vẫn gây khó khăn cho người Kabul trong năm 2023 này, khi nhiều nơi chỉ có điện 3 ngày/tuần, hoặc mỗi ngày điện sáng từ 4 đến 8 tiếng ban đêm. Afghanistan hiện phụ thuộc nguồn nhập khẩu điện từ các nước láng giềng lên đến 80%.

Nghe nói hễ hệ thống dẫn điện từ Uzbekistan chập chờn là Kabul lại lâm cảnh "tối lửa tắt đèn" trầm trọng hơn.

Tôi đã quen với cảnh nhà trọ cũng như khu vực dân cư thuộc chỗ trung tâm thành phố này cúp điện hằng ngày từ 6h sáng đến chiều tối mới sáng đèn trở lại. Thế nên ăn sáng xong là chúng tôi vội vã mặc áo dài quần thụng shalwar kameez ra phố, hòa vào nhịp sống vô cùng chộn rộn và đa sắc màu của thủ đô 3.500 năm tuổi của Afghanistan.

Những cô gái che mặt, bán hàng trên phố Kabul Ảnh TRUNG NGHĨA

Những cô gái che mặt, bán hàng trên phố Kabul Ảnh TRUNG NGHĨA

Cảm giác bước chân trên đường phố Kabul (có nhiều cách phát âm na ná khác là Cabool, Cabol, Kabol hay Cabul) mang đến cho bạn rất nhiều cảm xúc đặc biệt.

Từ thời cổ đại, Kabul đã là một trung tâm giáo dục, chính trị, văn hóa và đặc biệt là kết nối giao thương nhộn nhịp giữa phương Đông và phương Tây, giữa Nam Á và Trung Á.

Trải qua bề dày lịch sử hiện đại rất không bình yên với nửa thế kỷ chiến tranh, nội chiến, đói nghèo... cuộc sống mưu sinh thường ngày hiện nay của người Afghanistan trong mắt một du khách phương xa như tôi thật nhiều tương phản làm sao.

Rất nhiều nam phụ lão ấu đứng ngồi bên vệ đường Kabul mỗi buổi sáng. Những cụ già gương mặt rám nắng khắc khổ, râu quai nón rậm rạp đặc trưng của thành phố vùng núi như Kabul lặng lẽ uống trà.

Họ có thể ngồi tư lự cả ngày quan sát người qua kẻ lại, hoặc tụm năm tụm bảy trò chuyện nơi bậc thềm các cửa hiệu buôn bán san sát. Những trẻ em í ới gọi nhau. Những thanh niên hay có thói quen khoác vai nhau ra phố.

Bạn có thể tha hồ xem và chọn mua trong cửa hiệu từ vô vàn mẫu mã trang sức đá quý cho đến thảm sàn nhà, thảm cầu nguyện, đồ cổ cả nghìn loại, quần áo, túi xách thêu tay, đồ lưu niệm thủ công, bình điếu và phụ kiện hút shisha...

Faisal, chủ một tiệm trang sức và lưu niệm, than dạo này khách ế ẩm hơn xưa, nên đồng ý bán cho chúng tôi những chiếc đĩa sứ được chạm trổ hoa văn thủ công nhiều màu rất đẹp với giá giảm còn 500.000 đồng/cái.

Tôi cũng đến "dãy phố tình yêu" chuyên bán đồ cưới ở Kabul, thấy trưng đủ cả hoa hòe trang trí, trái tim, gấu bông có chữ "Tình yêu" bằng tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha... đỏ thẫm lãng mạn.

Rất nhiều trẻ em Afghanistan ra đường mưu sinh - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Rất nhiều trẻ em Afghanistan ra đường mưu sinh - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Nỗi bức xúc bất ngờ

Ngoại trừ thứ sáu hằng tuần là ngày nghỉ mọi nơi đều vắng vẻ, mọi ngày khác phố phường khu trung tâm Kabul hầu như rất đông đúc người qua lại.

Các tuyến phố ở Kabul ban đầu chỉ quy hoạch và xây dựng cho quy mô dân số 400.000 người, trong khi bây giờ lượng người sống ở thủ đô đã gấp 13 lần, không nhộn nhịp mới là lạ.

Cư dân ở đây đi rất nhanh, họ len lỏi giữa các dãy xe cộ để băng qua đường rất "nghề" và thậm chí còn bước ra giữa các đầu xe hơi để... chào bán bong bóng.

Các cụ già ngồi trên xe cút kít đợi gọi việc ở Kabul Ảnh TRUNG NGHĨA

Các cụ già ngồi trên xe cút kít đợi gọi việc ở Kabul Ảnh TRUNG NGHĨA

Lòng lề đường là nơi chứa một đời sống mưu sinh vô cùng sống động ở Kabul. Anh chàng có xe bán thịt cừu ngay góc phố liên tục xẻ đùi cừu cân ký bán cho khách qua đường. Có người đặt ba thùng phuy mini có vòi xả để bán trà nóng. 

Trên phố có nhiều xe đẩy bán trái chà là, hạt thông, cà chua, cà rốt, chuối, mía, củ hành, khoai tây, dưa gang... Có xe luộc hạt dẻ khói bốc lên nghi ngút.

Chỉ ngày đầu ra phố, chúng tôi đã phải tăng tốc độ bước chân, đi đâu cũng tự dặn ngó trước trông sau, ai nhìn mình "lăm le" thì giả đò ngó lơ hoặc "cười duyên" đáp lại rồi tiếp tục đi nhanh.

Mỗi lần tôi lỡ miệng nói chuyện gì có liên quan đến từ "Taliban" trên phố hay trong quán ăn thì người bạn đồng hương song hành nhắc nhở: "Anh phải nói trại đi bằng từ "cảnh sát" chẳng hạn!". Đây cũng là lý do mà chúng tôi nên đi nhanh, nói khẽ, lặng lẽ trên phố Kabul.

Chúng tôi vô tình gặp một sự cố nhỏ khi bước vào Slice Bakery & Café - một quán cà phê rất đẹp, không gian sang trọng ở Kabul. Cà phê pha bằng máy, nhiều người vào đây mở laptop làm việc.

Ly cappuccino mang về bàn chưa kịp nhấm thử thì bỗng có một khách ngồi bàn bên bước sang nói liên tục không ngớt bằng tiếng Anh. Người trung niên địa phương ăn mặc cấp tiến này bày tỏ không thích chúng tôi vào quán cà phê này với bộ đồ truyền thống, khăn và chiếc mũ đang đội!

Anh cho biết mình biết tiếng Anh, Đức, Pháp... nên ngày trước công việc khấm khá, song giờ lại thất nghiệp như tình trạng chung của rất nhiều người trong độ tuổi đi làm ở Afghanistan hiện nay.

Lòng anh nghẹt nỗi bức xúc với thời cuộc xã hội nên tình cờ gặp người nước ngoài chúng tôi là "bùng lên tâm sự".

Mohammad, ông chủ nhà trọ ở khu trung tâm thành phố, là người đàn ông có râu tóc bạc phơ rất đẹp lão. Trong trang phục Hồi giáo với chiếc mũ sọ trắng tinh, ông bắt tay tôi niềm nở và liên tục cười nói "Salam alaikum" (Chào mừng cậu). Ông lấy làm vui khi thấy khách phương xa tới cũng "nhập gia tùy tục" mặc bộ shalwar truyền thống.

Nhà trọ có 30 phòng từ tầng trệt đến tầng hai, trải thảm ấm áp các hành lang, hầu hết đều có khách thuê với giá tính trên đầu người là 1.000 AFN (270.000 đồng)/người/ngày (bao gồm phần bánh mì ăn sáng và trà nóng).

Góc tiếp tân vẫn còn để lá cờ Afghanistan ba màu dọc đen, đỏ, xanh lá.

Trong quán ăn, chỉ cần thoáng nghe bạn nói ngôn ngữ khác tiếng địa phương như Dari (ngôn ngữ phổ biến nhất với khoảng 50% dân số dùng) hay Pashto là có thể một người lạ mặt tình cờ ngồi gần đó xoáy mắt hỏi thăm: "Các anh từ đâu tới? Các anh đến đây làm gì?".

Khi đó, chúng tôi lại "cười duyên", nhã nhặn đáp: "Chúng tôi từ Việt Nam và đến đây du lịch".

Cũng có lúc trong một quán ăn kebap (bánh bột kẹp nhân thịt nướng), có người ăn mặc rất chỉnh tề ân cần chào hỏi. Ông cho biết làm tư vấn du lịch cho chính phủ rồi nhiệt tình giới thiệu với chúng tôi số điện thoại một công ty du lịch địa phương để liên lạc nếu cần thiết.

------------------------

Kỳ tới: "Chợ trời" ở xứ sở triền miên bom đạn

Đến Kabul mà chưa đi chợ trời khổng lồ Pul-e Khishti - một trong những khu chợ ngoài trời đẹp nhất thế giới, hay chợ chim Ka Faroshi là "tiếc nửa cuộc đời" vì cơ hội chứng kiến sự hỗn tạp của hình ảnh, màu sắc, mùi hương và âm thanh thị dân ở xứ sở triền miên chiến tranh.

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 3: Salaam, xin chào AfghanistanĐến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 3: Salaam, xin chào Afghanistan

Đã có thời gian dài chỉ những khách du lịch "gan to bằng trời hoặc điên rồ nhất" mới dám đến Afghanistan.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên