17/04/2023 10:30 GMT+7

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 7: Người Việt lang thang chiến địa Afghanistan

Bị bắt, lục tung đồ đạc khi nhập cảnh vì visa không thuộc phe đương quyền cấp. Được hộ tống chở đi thẩm vấn. Bị nhốt và cho xem các đoạn clip tra tấn. Được mời dùng bữa trà bánh ngon ngọt và ân cần tiễn biệt...

Lê Kha Giáp nói chuyện với người địa phương ở Kabul - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Lê Kha Giáp nói chuyện với người địa phương ở Kabul - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Đó là bao tình huống hỉ nộ ái ố đến "rụng tim" mà một số rất ít người Việt trải qua khi "dám" du lịch Afghanistan thời gian gần đây.

Thiện cảm với người dân

Nguyễn Minh Hoàng Anh và Vũ Thị Quỳnh Hoa - đôi vợ chồng gốc Bình Dương và Hải Phòng đã du lịch gần 110 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, cùng với hai người bạn nam nữ khác cũng thuộc loại "dân đi có cỡ" là Trần Công Hiếu và Võ Thùy Linh đã có trải nghiệm không bao giờ quên khi ghé Afghanistan trong hành trình du lịch qua nhiều nước Trung Á của họ.

"Chúng tôi bị vịn ngay cửa khẩu đường bộ Tajikistan - Afghanistan vì visa từ sứ quán chính quyền cũ không còn giá trị, bị xé đi. Tuy chặn chúng tôi nhưng cuối cùng biên phòng cũng tìm ra cách giải quyết.

Họ hộ tống cả nhóm tới văn phòng Bộ Ngoại giao cách biên giới 40km để phỏng vấn và nộp lệ phí thị thực mới, sau đó được cấp visa nhập cảnh tại chỗ (visa on arrival).

Chính thức được vào Afghanistan, chúng tôi lên xe của công ty du lịch có hướng dẫn viên chờ sẵn do đã đặt tour từ trước để bắt đầu hành trình đi qua nhiều thành phố của đất nước này", Hoàng Anh kể với tôi.

Bốn du khách Việt có dịp "tham quan nhiều phong cảnh, đền đài đặc sắc, đi từ chỗ nghèo nhất tới chỗ giàu nhất, trải nghiệm đời sống người dân, thưởng thức ẩm thực truyền thống, lắng nghe những câu chuyện về nội tình Afghanistan thời Taliban lên cầm quyền lần hai và rất nhiều thứ chưa từng biết khác".

Việc đi đâu, ăn gì, ở chỗ nào và chi phí ra sao các bạn đều chủ động và trút bỏ dần sự sợ hãi để có ấn tượng sâu sắc về một quốc gia đang ở thời kỳ tương đối yên bình nhất sau hàng thập niên chiến tranh.

Ngay cả đối diện với binh sĩ vũ trang, nhóm của Hoàng Anh cũng thể hiện tự tin "kinh nghiệm ngoại giao", bình tĩnh chào hỏi bắt tay và linh động cười đùa vui vẻ.

"Dù vậy chúng tôi vẫn tuân thủ những điều quan trọng như không được chụp ảnh khu vực nhạy cảm, thái độ tôn nghiêm trong các buổi cầu nguyện cùng người dân và lính tráng địa phương...", Hoàng Anh kể.

Khép lại chuyến đi bảy ngày ở Afghanistan hồi tháng 10-2022, nhóm bạn Việt chia sẻ rằng họ ấn tượng rất nhiều về sự hiếu khách, thiện cảm của người dân. Dù không dư dả gì nhưng họ vẫn mời mình cùng ăn, vượt qua rào cản ngôn ngữ để kể cho mình biết nhiều điều về cuộc sống thường ngày của họ.

Lê Kha Giáp - chàng trai đi bộ đến Afghanistan

Tháng 2-2023, Lê Kha Giáp, chàng trai 29 tuổi quê Hải Dương, đang thực hiện ước mơ đi bộ vòng quanh thế giới đã nhập cảnh vào Afghanistan qua ngả đường bộ sau khi có nhiều tháng ngày lang thang Ấn Độ, Nepal và Pakistan...

Giáp khiến người dân lẫn binh sĩ Taliban canh gác ở các địa phương "mắt tròn mắt dẹt" ngạc nhiên khi thấy anh đi bộ cùng chiếc xe kéo hai bánh chở đồ tự chế rất tiện gọn, tiện dụng của mình.

Vừa đi, Giáp còn vừa giơ điện thoại di động hoặc camera hành trình GoPro quay hình tứ phía để tường thuật cho kênh YouTube du hành đã chứa 260 video và 186.000 người theo dõi của cậu.

"Ở một số nơi, tôi được lính địa phương mời cùng dùng bữa ăn uống, cho ngủ tá túc tại trụ sở. Đôi bên từ xa lạ thành bạn bè, lưu số điện thoại của nhau để tiện liên lạc và chúc chuyến đi bình an", Giáp kể lại với tôi khi hai người gặp gỡ tay bắt mặt mừng ở Afghanistan và bắt đầu chung dịp đồng hành cùng nhau.

Chàng du khách Việt đi bộ xuyên quốc gia này từng gặp sự cố khá nghiêm trọng ở thành phố miền đông Jalalabad.

Giáp cho hay: "Tôi phải trải qua những giờ phút nghẹt thở nhất cuộc đời khi bất ngờ bị giữ lại 24 giờ đồng hồ. Không hiểu ý gì mà có cậu lính còn cho tôi xem các đoạn clip tra tấn người lưu trên mạng. Tôi hoảng sợ gào thét lên và bỏ chạy tháo thân nhưng cũng không thoát được và bị níu tay đến tứa máu!".

"Khi được thả ra, tôi quyết định bắt taxi chạy thẳng một mạch về Kabul mà còn chưa hết sợ", Giáp nói.

Một người lính thân thiện mà Giáp quen trước đó khi được kể câu chuyện đã lý giải rằng "có thể là vì lo cho sự an toàn của một người nước ngoài lại dám... đi bộ xuyên tỉnh ở Afghanistan như anh nên các anh lính khu vực có trách nhiệm phải giữ lại để xin ý kiến cấp trên. Anh đừng tìm cách bỏ chạy sẽ gây hiểu lầm và rắc rối hơn".

Nhóm bạn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ học sinh tại Bảo tàng Quốc gia Afghanistan - Ảnh: H.A

Nhóm bạn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ học sinh tại Bảo tàng Quốc gia Afghanistan - Ảnh: H.A

Làm sao rời Kabul?

Sau nhiều ngày ở Kabul, Kha Giáp và tôi quyết định rời khỏi thủ đô để tham quan các nơi khác. Một đơn vị tour chuyên nghiệp ở Kabul chào giá cho chúng tôi mức phí 15 triệu đồng/người phục vụ cho bốn ngày chở đi lên hướng bắc và ghé qua các thành phố Bamyan, Mazar-i-Sharif...

Chúng tôi cũng biết có công ty bán bảo hiểm cho du khách ở Afghanistan với giá từ 19 triệu đồng/người/tuần để "24/7 giải quyết tình huống khủng hoảng đặc biệt như nguy cơ bắt cóc, đòi tiền chuộc hoặc mất tích không ai hay".

Không muốn bị "chém đẹp" về giá khi từng bị hét giá 2 triệu đồng cho việc đón từ sân bay Kabul và cũng ngần đó tiền cho việc xin giấy thông hành, chúng tôi liều mình nhờ Kamar - một thanh niên địa phương hào hiệp - dẫn đi xin giấy thông hành để đủ điều kiện rời Kabul.

Chúng tôi ra phố mỗi người mua một tờ giấy A4 được gọi mẫu đơn rồi đưa cho một cụ già ngồi ngay trước đầu đường vào trụ sở Bộ Thông tin và Văn hóa ở trung tâm Kabul làm dịch vụ... "điền nội dung đơn".

Một đoạn đường liên tỉnh ở Afghanistan - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Một đoạn đường liên tỉnh ở Afghanistan - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Trong lúc chờ cụ hí hoáy viết tay khá cẩn thận vào đơn, mắt tôi sáng lên khi phát hiện ngay sau lưng cụ là một sạp bán báo gần như độc nhất vô nhị ở thủ đô. Tôi đề nghị anh đứng sạp gom hết các tờ báo nhật báo tiếng Anh The Kabul Times (xuất bản từ năm 1962) cũ lẫn mới bán cho tôi mỗi số một tờ để tham khảo tin tức.

Tôi cũng lấy vài tờ Shariat in ngôn ngữ bản xứ, phát hành 2 số/tuần để lưu làm kỷ niệm. Các tờ báo đều in màu một mặt trên giấy trắng định lượng tốt. Tổng cộng tôi mua từ sạp báo hơn 10 tờ các loại mà chỉ trả 320 AFN (90.000 VNĐ).

Kamar xông pha dẫn lối qua mấy vòng bảo vệ vũ trang để chúng tôi được vào bên trong Bộ Thông tin và Văn hóa gửi đơn xin giấy thông hành. Chúng tôi mong mình sẽ được phép lên đường đến thung lũng Bamyan, một trong những điểm du lịch tuyệt vời nhất Afghanistan.


Quỳnh Hoa cho biết: "Ấn tượng vui nhất là ở một số nơi chúng tôi nhìn thấy các nữ sinh viên đi học ở các trường đại học.

Ở các chốn sang trọng, nhà hàng 5 sao, nhiều phụ nữ xuất hiện với diện mạo rất xinh đẹp và hiện đại: nhuộm tóc màu, mặc đồ gọn gàng, khoác khăn hijab chứ không phải che kín bưng như áo burqa. Họ ngồi trong phòng riêng cho gia đình hoặc dành riêng cho phụ nữ".

Bamyan là nơi có hai di tích tượng Phật có niên đại 1.500 năm khắc trong các hốc đá sa thạch. Tháng 3-2001, Taliban phá tung cả hai tượng Phật này khiến cả thế giới chấn động, vừa phẫn nộ vừa tiếc nuối khôn nguôi.

Kỳ tới:Chiêm bái tích Phật ở Bamyan

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 6: Bom nổ, máu loang, bồ câu vẫn bayĐến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 6: Bom nổ, máu loang, bồ câu vẫn bay

Afghanistan nay đã có hòa bình tương đối ở một góc nhìn nào đó khi Taliban từ vai "phản diện" trở thành lực lượng nắm quyền quốc gia này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên