Hà Nội đã giãn cách 45 ngày qua để phòng tránh COVID-19- Ảnh: NAM TRẦN
Sau 3 đợt giãn cách xã hội 1,5 tháng, Hà Nội tiếp tục bước vào đợt giãn cách tiếp theo kéo dài đến 21-9.
"Gói" 15 ngày gia hạn mới nghe qua có vẻ "linh hoạt" hơn, không "bó" toàn TP vào một khuôn "phong tỏa" chung, nhưng thực tế thì toàn bộ 10 quận nội thành, cùng với một phần của 5 quận huyện nữa vẫn phải tuyệt đối "ai ở đâu ở yên đó". Các nơi khác yêu cầu thấp nhất cũng vẫn phải tuân thủ chỉ thị 15 của Thủ tướng.
Trong 45 ngày qua, Hà Nội đã làm gì để tranh thủ khoảng thời gian vàng người dân kiên nhẫn tuân thủ "ai ở đâu, ở yên đó"?
Phương pháp chống dịch kiểu "khó đoán" của Hà Nội không dễ đem lại ngay câu trả lời cho băn khoăn của hầu hết người dân thủ đô. Chỉ biết rằng phải đi đến quyết định giãn cách tiếp, Hà Nội giải thích "nguy cơ vẫn còn rất cao, một số ổ dịch phát sinh có nguy cơ lây nhiễm rất lớn".
Lãnh đạo Thành ủy trong cuộc họp thông tin về phương án chia vùng "xanh - đỏ - vàng" cho Hà Nội trong chiều 3-9 cũng thừa nhận: "Mặc dù rất quyết tâm, quyết liệt nhưng một số địa bàn công tác chống dịch vẫn còn lơi lỏng, "chặt ngoài, lỏng trong", vẫn còn hiện tượng lây trong khu cách ly… khiến lãnh đạo trung ương và người dân còn lo lắng".
Không lo sao được khi người dân sau hơn tháng trời "nằm nhà" đã bất an hơn với cơm ăn áo mặc, nhiều người phải chìa tay xin cứu giúp; khi vắc xin, thứ vũ khí quan trọng để chiến đấu với dịch COVID-19, có độ phủ còn thấp, nhất là với người già, người có bệnh nền...
Lo hơn nữa là bao nhiêu câu hỏi dành cho Hà Nội đều rất khó để tìm được nơi trả lời. TP.HCM đang dịch bệnh nặng nề, nhưng vẫn tổ chức họp báo, cung cấp thông tin hằng ngày cho phóng viên, miễn là đảm bảo các yêu cầu phòng dịch.
Còn tại Hà Nội, nhiều cơ quan báo chí hầu như tiếp nhận thông tin từ những bản tin "đồng phục" do TP phát ra, rất khó tiếp cận cơ quan chức năng và lãnh đạo TP.
Trong bối cảnh dịch bùng phát nặng nề ở các tỉnh phía Nam, khó khăn ai cũng thấy là rất nhiều y bác sĩ đã lên đường dốc sức cho chi viện, lực lượng tuyến đầu còn lại ở các bệnh viện không nhiều. Nhưng Hà Nội cũng có thuận lợi khi nhìn thấu bài học của TP.HCM trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo cung ứng hàng hóa, lo an sinh xã hội...
Vấn đề là đã rút kinh nghiệm thế nào, vận dụng ra sao để các hoạt động của TP suôn sẻ, trơn tru?
Công tác xét nghiệm diện rộng đang tiến hành thế nào, đã tầm soát đến đâu? Kế hoạch tiếp nhận và tiêm vắc xin trong thời gian tới ra sao? Rõ ràng với bối cảnh hiện nay, khả năng đưa số ca nhiễm về 0 trong vòng một tháng tới có độ khả thi thấp, chả lẽ cứ tiếp tục giãn cách mãi? Liệu Hà Nội đã đánh giá được mức độ ảnh hưởng của ba đợt giãn cách vừa qua tới người lao động, với chủ trương giãn cách tiếp đến 21-9 thì đời sống của họ sẽ thế nào?
Các kịch bản khám, chữa cho người bệnh COVID-19 cũng như các bệnh nhân khác, các giải pháp để duy trì kinh tế và không làm đứt gãy chuỗi sản xuất trong tình trạng dịch bệnh còn kéo dài ra sao?... Những câu hỏi rất được người dân thủ đô quan tâm này xem ra vẫn chưa có những câu trả lời thỏa đáng.
Rất nhiều ý kiến đặt ra với Hà Nội những ngày này: Giả sử dịch bùng phát ở Hà Nội thì ai chi viện được cho thủ đô, khi TP.HCM cũng đang phải gồng mình để chống dịch? Và những kinh nghiệm, bài học chống dịch tại TP.HCM liệu đã được Hà Nội đúc rút hay chưa?
Nói như Thủ tướng, "chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân", nếu không minh bạch thông tin để dân biết, dân hiểu, dân tin và dân tham gia thì làm sao chống dịch thành công?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận