Ông Putin và đại diện Chính phủ Nga sẽ không dự cuộc họp quan trọng về đàm phán hòa bình Ukraine tới đây. Cuộc họp này dự kiến tổ chức ở Jeddah (Saudi Arabia), với sự tham gia của đại diện 40 nước.
Chiến sự Ukraine khó kết thúc trước… bầu cử Mỹ
Một số quan chức Mỹ và châu Âu lo ông Putin đưa bầu cử Mỹ vào toan tính tại Ukraine. Theo đó, tổng thống Nga có lý do đặt cược rằng Đảng Dân chủ sẽ thất bại.
Kịch bản này đồng nghĩa một chính quyền của tổng thống Đảng Cộng hòa sẽ ít ủng hộ Ukraine hơn. Và sau cùng, ông Putin sẽ ngồi vào bàn đàm phán với nhiều lợi thế hơn.
Mỹ không nắm rõ ông Putin thực sự nghĩ gì. Các cáo buộc cho rằng ông Putin "đặt cược vào ông Donald Trump" cũng chỉ là phỏng đoán. Tuy nhiên, xét quan điểm của Đảng Cộng hòa, lo ngại trên là có cơ sở.
Thời gian qua, không ít thông tin phản ánh sức ép ngưng tài trợ cho Ukraine trong chính trường Mỹ. Một số chính trị gia, đặc biệt bên Đảng Cộng hòa, nêu bật gánh nặng tài chính trong viện trợ Ukraine.
Khảo sát gần nhất của Đài CNN và SSRS cũng cho thấy đa số người Mỹ phản đối việc Quốc hội "bơm" thêm viện trợ cho Ukraine, và dư luận bất đồng trong nhìn nhận về việc liệu Mỹ đã hành động đủ trong cuộc xung đột Ukraine hay chưa.
Hôm 4-8, Đài CNN dẫn lời một quan chức Mỹ nói người này "không nghi ngờ" gì về khả năng ông Putin sẽ cố gắng chờ tới cuộc bầu cử 2024 của Mỹ.
Một nguồn tin tình báo khác nói toan tính của ông Putin liên quan tới bầu cử Mỹ đang là tâm điểm trong quan sát của các nước như Mỹ, Ukraine, và châu Âu.
Một nhà ngoại giao châu Âu còn nói thẳng châu Âu tin rằng việc cố kéo xung đột Ukraine tới bầu cử Mỹ "chính xác là kế hoạch của ông Putin".
Hiện nay ông Trump là ứng viên nặng ký nhất trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa. Nếu được chọn, cựu tổng thống Mỹ nhiều khả năng sẽ gặp lại đối thủ cũ Joe Biden.
Trước đây ông Trump từng tuyên bố có khả năng giải quyết câu chuyện Ukraine "trong 24 giờ".
"Cuộc bầu cử năm sau sẽ làm mọi thứ phức tạp hơn, vì người Nga nghĩ rằng họ thấy ánh sáng cuối đường hầm. Nó khuyến khích ông Putin nghĩ rằng Nga có thể tồn tại lâu hơn người Mỹ, do sự ủng hộ chính trị dành cho Ukraine sẽ bị tổn hại nếu ông Trump đắc cử", cựu đại sứ Mỹ tại Ba Lan Daniel Fried nói.
Sức ép cho cuộc phản công của Ukraine
Toan tính trên khiến Ukraine càng gặp sức ép phải thành công trong cuộc phản công lần này. Theo CNN, tại thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vừa qua, câu chuyện bầu cử Mỹ đã được thảo luận.
Tổng thống Mỹ Biden đã cố gắng giảm bớt lo lắng trên. Tuy nhiên quan chức châu Âu lại không quá lạc quan.
Họ nhìn nhận rằng một cuộc chạy đua khốc liệt, khó đoán giữa ông Biden và ông Trump cũng có thể là lý do để Tổng thống Nga Putin cố gắng kéo dài cuộc xung đột Ukraine tới tháng 11 năm sau.
Đến nay, cuộc phản công của Ukraine vẫn chưa có bước đột phá đáng kể. Theo hai nguồn tin nói với CNN, bầu cử Mỹ cũng là vấn đề Ukraine lo âu. Kiev hy vọng sẽ có thành quả chiến sự mới trong thời gian ngắn, tạo động lực thay đổi cục diện.
Hôm 4-8, trưởng phái đoàn Ukraine tham gia đàm phán ở Saudi Arabia, Andriy Yermak, thừa nhận khó khăn. Hiện Ukraine muốn xây dựng liên minh ủng hộ chính trị mạnh mẽ hơn tại Saudi Arabia. Kiev hy vọng đề xuất giải quyết 10 điểm của họ sẽ được chấp thuận.
Trên chiến trường, Ukraine đặt mục tiêu tái chiếm khu vực xung quanh thành phố Bakhmut. Đây là thành phố nằm ở miền đông Ukraine, và là một trong những chiến trường đẫm máu nhất trong xung đột Nga - Ukraine. Kiev khẳng định đang có những tiến bộ "chậm nhưng tự tin" tại miền nam Bakhmut.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận