Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có mặt tại Hiroshima (Nhật Bản) ngày 20-5.
Ông được mời dự Hội nghị thượng đỉnh các nước G7, và nhận tin tích cực về máy bay F-16. Tuy nhiên, viện trợ vũ khí cho Ukraine đang đối diện áp lực phản đối từ nội bộ Mỹ.
Phong trào phản đối này có thể càng phát triển với sự chú ý dành cho cựu tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử 2024.
"Mỗi người Mỹ phải trả 10 USD" cho Ukraine
Hôm 19-5, tờ New York Times dẫn lại câu chuyện về một cuộc họp ở Ba Lan trong tháng. Một phái đoàn Mỹ gồm năm thành viên Đảng Cộng hòa và hai thành viên Đảng Dân chủ đã gặp gỡ đại diện Quốc hội Ukraine.
Phía Ukraine cảm ơn phái đoàn Mỹ, và yêu cầu giúp hỗ trợ máy bay F-16 cho Ukraine. Loại tiêm kích này được Ukraine đặt nhiều hy vọng trong cuộc xung đột với Nga.
Ba thành viên trong phái đoàn Mỹ ấy mô tả cuộc họp là chân thành và nhiều thông tin. Nhưng có một người rời họp trong sự tức giận: dân biểu Cộng hòa của Florida, bà Anna Paulina Luna.
Trở về sau cuộc họp ở Ba Lan ba ngày, bà Luna gửi một lá thư cho các phóng viên. Bức thư viết: "Tôi vừa trở về sau cuộc họp với Quốc hội Ukraine ở Ba Lan. Họ yêu cầu máy bay F-35 và nghĩ rằng mỗi người dân Mỹ có nghĩa vụ phải trả 10 USD/tháng để tài trợ cho cuộc chiến này".
F-35 từng xuất hiện trong các bản tin liên quan tới Ukraine. Tuy nhiên tờ New York Times lưu ý Kiev vừa rồi không yêu cầu loại tiêm kích hiện đại này. Dù vậy bà Luna vẫn khẳng định vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột trên có tiềm năng dẫn tới "Thế chiến 3".
Bà Luna tố Ukraine đánh giá thấp mối quan tâm cử tri của bà. Và nữ nghị sĩ 34 tuổi này cho biết sẽ báo cáo với các đồng nghiệp về màn gặp gỡ trên.
Viện trợ cho Ukraine sẽ bị "soi"
Bà Luna là một trong những người ủng hộ nhiệt thành cho quan điểm "Nước Mỹ trên hết". Lập trường này của cựu tổng thống Trump hoài nghi các cam kết của Mỹ ở nước ngoài.
Đến nay, Mỹ đã cam kết 113 tỉ USD cho Ukraine. Và nhóm nghị sĩ chia sẻ quan điểm với bà Luna cho rằng mỗi đồng USD chi cho Ukraine là một khoản đầu tư đáng hoài nghi từ tiền thuế của dân. Họ lập luận rằng đáng ra số tiền thuế ấy có thể được dùng cho ưu tiên trong nước.
Trong Đảng Cộng hòa, những người theo trường phái "diều hâu" vốn ủng hộ cuộc xung đột Ukraine lo ngại rằng phong trào phản đối sẽ càng mạnh mẽ hơn theo thời gian, khi giao tranh tiếp tục kéo dài. Ngoài ra, họ cũng lo điều này sẽ càng tệ khi ông Trump trở thành tâm điểm trong cuộc bầu cử sắp tới.
Nhìn chung, cam kết của Mỹ với Ukraine có vẻ vẫn được duy trì. Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố viện trợ quân sự thêm 1,2 tỉ USD.
Viện trợ cho Ukraine cũng không được đề cập trong gói cắt giảm 4.500 tỉ USD mà Đảng Cộng hòa ở Hạ viện đang yêu cầu. Phe Cộng hòa hiện muốn cắt giảm chi tiêu công để đổi lại sẽ chấp nhận nâng trần nợ.
Nước Mỹ cần nâng trần nợ để tránh nguy cơ vỡ nợ sớm nhất vào ngày 1-6. Cảnh chính phủ liên bang cạn tiền cũng khiến sức ép viện trợ Ukraine tăng cao. Tuy nhiên, một đề xuất đòi ngưng viện trợ cho Ukraine của hạ nghị sĩ Matt Gaetz đã thất bại. Đề xuất đưa ra hồi tháng 2 này chỉ nhận 10 phiếu thuận/222 đảng viên Cộng hòa, bao gồm bà Luna.
Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy phản đối viện trợ cho Ukraine không hề nhỏ. Các đề xuất kiểm soát ít cực đoan hơn đã nhận được nhiều phiếu hơn.
Ví dụ, thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley yêu cầu thành lập một tổng thanh tra đặc biệt giám sát chi tiêu liên quan tới Ukraine, và đề xuất này nhận được 26 phiếu ủng hộ trên 49 thượng nghị sĩ Cộng hòa.
Một khảo sát tháng trước của Viện nghiên cứu Echelon Insights cho thấy 52% đảng viên Cộng hòa và những cử tri độc lập nghiêng về Đảng Cộng hòa không cho rằng lợi ích của Mỹ đang bị đe dọa ở Ukraine. Tương tự, khảo sát tháng 3 của Axios/Ipsos cho thấy 57% người Cộng hòa phản đối cung cấp vũ khí và tài chính cho Ukraine.
Thượng nghị sĩ J.D. Vance (Cộng hòa, Ohio) gần đây cho biết ông mong muốn Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy hoài nghi nhiều hơn vào viện trợ cho Ukraine. "Tôi cho rằng đó là lập trường đa số cử tri của ông ấy đang theo đuổi", ông Vance nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận