Chính phủ Mỹ viện trợ cho Ukraine bằng nguồn nào?
Theo Vụ khảo cứu Quốc hội Mỹ, tính đến tháng 12-2022, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt tổng cộng 48,9 tỉ USD ngân sách viện trợ cho Ukraine. Từ khi Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát tại Hạ viện hồi tháng 1-2023, Nhà Trắng chưa đề xuất khoản ngân sách mới nào.
Theo trang tin Defense One, đến ngày 15-5, các gói viện trợ quân sự trị giá 36,4 tỉ USD trích từ nguồn ngân sách 48,9 tỉ USD trên đã được chuyển, ký hợp đồng sản xuất cho Ukraine.
Hơn một nửa trong số tiền 36,4 tỉ USD được chi thông qua Quyền rút vốn của tổng thống (Presidential Drawdown Authority - PDA) và phần lớn số còn lại cho Chương trình hỗ trợ an ninh Ukraine (USAI).
Quyền rút vốn của tổng thống cho phép Tổng thống Mỹ Joe Biden lấy trực tiếp khí tài từ quân đội Mỹ gửi cho Ukraine mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội. Sau đó, Nhà Trắng sẽ sử dụng khoản ngân sách viện trợ đã được Quốc hội thông qua để mua vũ khí mới bù cho quân đội của mình.
Ngày 9-5 vừa qua, Mỹ công bố gói viện trợ mới nhất dành cho Ukraine. Gói viện trợ trị giá 1,2 tỉ USD này được thực hiện thông qua chương trình USAI, nghĩa là đặt các nhà cung cấp vũ khí sản xuất khí tài mới hoàn toàn cho Ukraine.
Do đó, các khí tài, trang thiết bị trong gói viện trợ này sẽ không được chuyển đi lập tức và gói viện trợ này nhằm việc củng cố năng lực quốc phòng Ukraine dài hạn, thay vì đáp ứng nhu cầu hiện tại của chiến trường.
Trang tin Defense One dự đoán với tần suất giải ngân của Chính phủ Mỹ hiện tại, phần ngân sách còn lại (hơn 11 tỉ USD) sẽ chỉ đủ để trang trải trong khoảng 4 tháng tới.
Khủng hoảng tài chính khiến viện trợ Ukraine bấp bênh
Mặc dù cả Nhà Trắng và Quốc hội đều nhiều lần lên tiếng sẽ ủng hộ Ukraine đến cùng, tình hình tài chính phức tạp của Mỹ khiến thời gian và quy mô của ngân sách nước này viện trợ cho Ukraine trong tương lai xa đều khó đoán định.
Hồi đầu tháng 5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo nếu trần nợ không được nâng sớm, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ vỡ nợ ngay đầu tháng 6-2023. Từ đó đến nay, Nhà Trắng và Điện Capitol vẫn chưa thể tiến gần đến một thỏa thuận nâng trần nợ.
Lý do chính là các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện kiên quyết yêu cầu chính phủ phải cắt giảm chi tiêu nếu muốn nâng trần nợ. Nếu Đảng Dân chủ và chính quyền Tổng thống Biden nhượng bộ, ngân sách viện trợ cho Ukraine có thể sẽ là một trong những khoản bị cắt giảm.
Bên cạnh đó, việc Nhà Trắng chưa đề xuất khoản ngân sách viện trợ Ukraine nào dưới thời Hạ viện mới cũng khiến không ít chuyên gia đặt nghi vấn về khả năng ông Biden thuyết phục được Quốc hội cho chi thêm, theo báo New York Times.
Tình hình kinh tế bất ổn sau loạt khủng hoảng ngân hàng cùng với chuỗi tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang (Fed) để kìm đà lạm phát cao khiến viễn cảnh suy thoái kinh tế Mỹ nửa cuối năm 2023 ngày một rõ ràng. Đây chắc chắn sẽ là một trong những nhân tố được nhắc đến khi giới cầm quyền nước này bàn bạc về ngân sách năm tài khóa mới.
Nỗi lo mang tên Đảng Cộng hòa
Không chỉ kinh tế, chính trị cũng là trở ngại để Mỹ đẩy mạnh viện trợ Ukraine. Cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 đang đến gần và cả hai đảng đều sẽ thận trọng hơn trong các chính sách của mình. Không đảng nào muốn đưa ra quyết định liều lĩnh lúc này, vì hậu quả của nó với kết quả bầu tổng thống là khôn lường.
Bên cạnh đó, dù chưa nhiều, song bộ phận đòi cắt giảm chi tiêu cho Ukraine trong Đảng Cộng hòa vẫn tăng đều và bắt đầu giành sự chú ý. Báo Politico dẫn lời Thượng nghị sĩ Marco Rubio, phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện: "Có vẻ như họ (Ukraine - PV) đang kỳ vọng được tăng ngân sách viện trợ. Họ sẽ quay lại và tiếp tục đòi thêm tiền. Tôi nghĩ đó là sai lầm".
Việc cựu tổng thống Trump từ chối nêu rõ muốn bên nào chiến thắng ở Ukraine trong buổi phỏng vấn cùng Đài CNN hôm 10-5 cũng có thể xem là hồi chuông cảnh báo.
Dù vấp phải nhiều rủi ro pháp lý, ông Trump vẫn được xem là ứng viên số một của Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống. Không ít người lo rằng khả năng hỗ trợ Ukraine của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng và chiến sự ở Ukraine kéo dài sang năm 2025.
Ông Zelensky lo lắng?
Theo báo New York Times, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hiểu rõ và cực kỳ lo ngại với tình hình trên. Chuyến công tác liên tục qua bốn nền kinh tế lớn nhất châu Âu vừa kết thúc hôm 15-5 của ông Zelensky phản ánh nhận thức này.
Chuyến công du được xem là cực kỳ thành công khi hàng tỉ USD viện trợ được Ý, Đức, Pháp, Anh lần lượt công bố. Các khoản viện trợ này là sự bổ sung vô cùng quan trọng khi chiến sự ở Ukraine bước vào giai đoạn bước ngoặt, đồng thời là động thái trấn an nước này khi khả năng hỗ trợ lâu dài của Mỹ bị bỏ ngỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận