22/06/2024 10:55 GMT+7

Cuộc chiến ngăn làn sóng ung thư - Kỳ cuối: Hạn chế người Việt mắc K, được không?

D.LIỄU
và 2 tác giả khác

Tại hội thảo về bệnh ung thư (K) năm 2023, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói rằng số người mắc K dự kiến sẽ gia tăng nhanh trong vòng 20 năm tới.

TS.BS Lê Tuấn Anh - giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy - đang khám bệnh cho một bệnh nhân mắc u đại tràng - Ảnh: DIỆU QUÍ

TS.BS Lê Tuấn Anh - giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy - đang khám bệnh cho một bệnh nhân mắc u đại tràng - Ảnh: DIỆU QUÍ

Đây là gánh nặng bệnh tật rất lớn, ảnh hưởng nguồn lực lao động xã hội và sự phát triển kinh tế đất nước.

Giảm tải tuyến trên thế nào?

Muốn hạn chế người Việt mắc K và nâng cao chất lượng điều trị K, nhất là tại các tỉnh thành, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa bệnh viện tuyến trên với các bệnh viện tuyến dưới, đầu tư nhân lực giỏi chuyên môn và trang thiết bị tốt.

Cùng với đó là sự chủ động của người dân trong việc thay đổi lối sống để hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phòng ngừa, điều trị phù hợp. Với những người có nguy cơ cao, tiền sử gia đình mắc bệnh cần tầm soát phát hiện sớm.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lợi, phó trưởng khoa ngoại lồng ngực Bệnh viện K (Hà Nội), việc giảm tải cho bệnh viện tuyến cuối điều trị K không dễ dàng. Bác sĩ Lợi phân tích đa số các khoa, trung tâm ung bướu tuyến tỉnh đều mới được thành lập.

Cách đây khoảng 20 năm, khi bệnh nhân K còn chưa tăng cao, hầu hết các bệnh viện tỉnh chưa thành lập khoa này. Khoảng 10 năm trở lại đây, các bệnh viện này mới thành lập chuyên khoa điều trị.

"Trong khi đó, chuyên ngành K nhưng thực tế đây là bệnh lý đa khoa. K có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể như phổi, gan, dạ dày, đại tràng, xương...

Tại Bệnh viện K, các loại bệnh K được điều trị theo từng chuyên khoa như khoa ngoại lồng ngực, khoa ngoại vú, khoa ngoại tiết niệu...

Còn tại bệnh viện tỉnh, trung tâm K điều trị đa khoa chứ không được tách thành các chuyên khoa riêng biệt như tuyến cuối. Vì vậy, nhiều người muốn điều trị ở tuyến cuối thay vì điều trị tại địa phương", bác sĩ Lợi nhận định.

Bác sĩ Lợi cho rằng đây là nhu cầu của người dân nên rất khó để hạn chế tình trạng này. Giải pháp hiện nay chỉ có thể tuyến tỉnh nâng cao chất lượng, đầu tư thêm các trung tâm K tại bệnh viện các tỉnh thành, khi người dân tin tưởng điều trị ở tuyến ban đầu mới có thể hạn chế người dân đổ dồn về tuyến cuối. Đây là giải pháp dài hạn và cần được sự đầu tư đúng mức.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc K sẽ chuyển về Trung tâm ung bướu Chợ Rẫy tiếp tục điều trị. TS.BS Lê Tuấn Anh - giám đốc trung tâm này - cho biết để giảm quá tải, bệnh viện đã phân luồng, khung giờ và phân nhóm bệnh nhân, tăng số phòng khám và bàn khám, áp dụng công nghệ...

"Bệnh viện Chợ Rẫy có sự phối hợp giữa các chuyên khoa nên quy trình khám, điều trị K khá nhanh. Bệnh nhân xạ trị được hẹn 1 tuần để tính liều, hóa trị hẹn 1 - 2 ngày để chuẩn bị và pha chế thuốc tập trung. Đến ngày thực hiện, trung tâm sẽ cố gắng giải quyết trong ngày cho người bệnh, không hẹn qua hôm sau", bác sĩ Tuấn Anh nói.

Còn khu nội trú chỉ dành cho người mắc K thời kỳ cuối và người gặp tác dụng phụ sau khi hóa trị, xạ trị. "Quá trình điều trị có kế hoạch chứ không ép bệnh nhân vào điều trị nội trú, hay là gây tâm lý lo lắng cho bệnh nhân ngoại trú", TS.BS Tuấn Anh nói.

Còn theo lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nơi đây chọn cách tăng cường tầm soát, phát hiện sớm bệnh lý K để điều trị hiệu quả hơn, thời gian ngắn hơn, giảm tải người bệnh dồn về quá đông.

TS.BS Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho hay 30 năm từ khi thành lập, bệnh viện đã thực hiện chỉ đạo tuyến bằng việc đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí hỗ trợ thành lập các bệnh viện chuyên điều trị K tại Cần Thơ, Kiên Giang, Khánh Hòa.

Trong khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đưa các cán bộ y tế và máy móc, kỹ thuật điều trị K đến bệnh viện các tỉnh Lâm Đồng, Trà Vinh. Mục đích là nâng cao năng lực điều trị K, đáp ứng nhu cầu trị bệnh của người dân địa phương.

Ròng rã nhiều năm, các đơn vị này dần nhận được sự tin tưởng điều trị từ bệnh nhân, thậm chí có nơi còn quá tải. Hai đơn vị điều trị K ở Cần Thơ và Khánh Hòa đang có dự án xây dựng mới bệnh viện ung bướu 500 giường.

Mới đây, trong chương trình liên kết vùng của TP.HCM và 23 tỉnh thành, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã ký kết với bệnh viện đa khoa các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai và Kon Tum để chuyển giao kỹ thuật điều trị bệnh nhân K ở các khu vực này.

Ngoài giải pháp y tế, để góp phần hạn chế “làn sóng” K ở Việt Nam, cần phải thêm nhiều giải pháp đồng bộ - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Ngoài giải pháp y tế, để góp phần hạn chế “làn sóng” K ở Việt Nam, cần phải thêm nhiều giải pháp đồng bộ - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Đề xuất chính sách tầm soát ung thư

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2023, chi phí của 6 nhóm bệnh K thường gặp bao gồm: vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày và tuyến tiền liệt từ quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) là 6.186 tỉ đồng.

Mới đây, trong dự thảo Luật BHYT, Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất nghiên cứu mở rộng chi trả BHYT cho sàng lọc một số bệnh không lây nhiễm đang gia tăng.

Trong đó, có đề xuất chi trả cho sàng lọc K vú và K cổ tử cung. Hai bệnh lý có tỉ lệ mắc cao tại Việt Nam, đồng thời nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ đem lại hiệu quả cao.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc sàng lọc K cổ tử cung và K vú mang lại lợi ích chi phí. Trong đó, người bệnh được sàng lọc, phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ tiết kiệm được chi phí điều trị so với người bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn.

Đó là về chi phí, việc phát hiện sớm còn giúp người bệnh có thể can thiệp điều trị sớm, kéo dài thời gian sống khỏe mạnh. Từ đó nâng cao chất lượng sức khỏe, có thể làm việc phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, do quỹ BHYT có hạn nên đề xuất này phải được nghiên cứu thêm và chưa thể đưa vào thực hiện. Hiện nay, chủ yếu người dân cần chủ động tầm soát sớm, điều trị sớm.

Về đề xuất của Bộ Y tế trong việc dùng BHYT chi trả tầm soát, sàng lọc bệnh ung thư, TS.BS Lê Tuấn Anh cho hay cần làm rõ thuật ngữ "tầm soát" là tìm một loại bệnh K cụ thể trong một cộng đồng dân cư.

"Chúng ta phải làm bài toán về chi phí hiệu quả, xem xét các mặt có lợi khi tầm soát như phát hiện sớm bệnh, giảm chi phí điều trị... trước khi triển khai", ông Tuấn Anh nói.

Cũng theo ông, những người khám sức khỏe cá nhân nên xem việc tầm soát K là khám sức khỏe tổng quát. Không áp dụng xét nghiệm đại trà cho tất cả các loại K vì sẽ gây tốn kém chi phí rất lớn, tạo tâm lý lo lắng cho người tầm soát, đặc biệt là các xét nghiệm máu vì độ tin cậy không cao.

Hình thành "Mạng lưới phòng chống ung thư vùng"

Ngày 8-6, Sở Y tế TP.HCM đã hợp tác với sở y tế các tỉnh vùng Đông Nam Bộ về kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới phòng chống ung thư cho vùng này, gồm 2 cấp độ:

Hợp tác cấp 1: Phát huy hiệu quả, tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP.HCM nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của từng bệnh viện theo nhu cầu của mỗi địa phương.

Hợp tác cấp 2: Hình thành "Mạng lưới phòng chống ung thư vùng" nhằm chăm sóc bệnh nhân từ lúc tầm soát, phát hiện K cho đến giai đoạn cuối, điều trị giảm nhẹ, chăm sóc ở tuyến cuối cho đến cộng đồng ở TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ.

Quản lý thực phẩm an toàn, thay đổi lối sống

Ngoài các giải pháp y tế, nhiều bác sĩ và chuyên gia sức khỏe - dinh dưỡng cũng cho rằng để góp phần hạn chế "làn sóng" K ở Việt Nam, cần phải có thêm nhiều giải pháp đồng bộ.

Đơn cử việc đầu tiên là phải tăng cường chương trình quốc gia về an toàn thực phẩm, bảo đảm từ đầu vào nguyên liệu thực phẩm đến chế biến đạt chuẩn an toàn cho người dân.

Việc này cần có cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể, được thực thi đồng bộ, hiệu quả, liên tục và có sự giám sát khả thi.

Ngoài ra cũng cần có những chính sách, biện pháp cụ thể để người dân tăng cường tập thể dục, giảm béo phì.

Chẳng hạn ngành giáo dục có thể thêm giờ giáo dục thể chất học đường; các cơ quan, xí nghiệp có giờ thể dục bắt buộc trong ngày, trong tuần. Việc thay đổi lối sống lành mạnh không chỉ góp phần giảm nguy cơ mắc K mà còn nhiều bệnh khác.

Cuộc chiến ngăn làn sóng ung thư - Kỳ 1: Kiệt quệ vì điều trị ung thưCuộc chiến ngăn làn sóng ung thư - Kỳ 1: Kiệt quệ vì điều trị ung thư

Người mắc bệnh ung thư tại Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng và trẻ hóa. Các bệnh viện điều trị ung thư tuyến cuối ở TP.HCM, Hà Nội… luôn chật kín người chờ đợi khám, điều trị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên