21/06/2024 09:39 GMT+7

Cuộc chiến ngăn làn sóng ung thư - Kỳ 4: Để không còn nhắc K là... sợ

D.QUÍ
và 2 tác giả khác

Có khoảng 40% ca ung thư (K) có thể phòng tránh được. Việc phát hiện sớm sẽ tạo ra khả năng trị khỏi cao và tăng thời gian sống lên nhiều lần cho người bệnh so với trước kia.

Bệnh nhân 13 tuổi mắc K não đang được xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 - Ảnh: DIỆU QUÍ

Bệnh nhân 13 tuổi mắc K não đang được xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 - Ảnh: DIỆU QUÍ

Theo TS.BS Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, có khoảng 40% ca ung thư có thể phòng tránh được. Việc phát hiện sớm sẽ giúp khả năng trị khỏi rất cao, chẳng hạn K cổ tử cung và vú.

Nhiều cách điều trị mới, hiệu quả cao

"Điều trị đa mô thức (phẫu trị, hóa trị và xạ trị) nhằm trị khỏi bệnh, kéo dài sự sống và cải thiện chất lượng sống sau đó. Chăm sóc giảm nhẹ giúp làm giảm triệu chứng, nâng đỡ tâm lý cho bệnh nhân", BS Tuấn cho hay.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy phát triển mạnh chẩn đoán hình ảnh qua siêu âm, MRI, CT-scan, PET-CT... để nhanh chóng tìm ra bệnh, phát hiện khối u sớm.

Ngoài hóa trị và xạ trị truyền thống, bệnh viện còn có các phương pháp mới như liệu pháp nhắm đích, liệu pháp miễn dịch.

BS Tuấn cho biết: "Trước đây khi đã phát hiện K phổi rồi nhưng không biết nằm ở tế bào nào, và như vậy chỉ điều trị bằng hóa trị thôi. Việc này làm cho dù có bị tế bào lành hay tế bào ác tính đều chết".

Nhưng bây giờ đã có liệu pháp nhắm đích, chỉ tiêu diệt các tế bào K, không ảnh hưởng các tế bào lành tính, giảm tác dụng phụ, tăng tác dụng điều trị và thời gian sống.

"Chẳng hạn K phổi giai đoạn 4 có thời gian sống trung bình là 9 tháng khi trị bằng hóa trị truyền thống, nay đã tăng lên 18 tháng với việc điều trị nhắm trúng đích, thậm chí tăng lên 33 tháng với liệu pháp miễn dịch", ông Tuấn khẳng định.

Gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy còn bào chế được thuốc phóng xạ, giúp chẩn đoán một số loại K hiếm hơn như K tiền liệt tuyến, thần kinh nội tiết...

Ông Phạm Văn Bình - phó giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) - cho biết với sự tiến bộ của y học, phẫu thuật robot là phương pháp phẫu thuật hiện đại nhất hiện nay. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như hạn chế mất máu, sử dụng hình ảnh 3D giúp phẫu thuật viên xử lý tốt hơn, nạo vét hạch tốt hơn, giúp bác sĩ cắt bỏ được tế bào K và bảo vệ được các cơ quan lành.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng ứng dụng nhiều kỹ thuật phẫu thuật như cắt rộng rồi tái tạo, vi phẫu, giúp mổ lấy khối bướu tận gốc hơn. Với K vú, các kỹ thuật này còn có chức năng thẩm mỹ, bệnh nhân có thể dễ dàng tuân trị hơn.

Nhắc đến bỏ đói khối u, TS.BS Diệp Bảo Tuấn nhận định đây là cách điều trị riêng biệt, khoa học chứ không phải nhịn ăn uống.

Ông cho hay: "Đối với K gan sẽ chụp hình khối u đó với hệ thống mạch máu, biết mạch nào nuôi nó chủ yếu để dùng hóa chất bơm, làm tắc mạch máu đó. Mạch máu không còn nuôi thì khối u lập tức bị bỏ đói.

Nhưng mà khối u cũng "khôn" lắm. Nếu bị bỏ đói một thời gian, nó sẽ sinh ra chất gọi là tăng sinh mạch. Mạch máu kia bị khóa, nó khiến cơ thể sản xuất ra mạch khác để nuôi, cho nên việc này phải làm đi làm lại nhiều lần".

Những cách điều trị K hiện đại không chỉ dừng lại điều trị khỏi bệnh mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.

"Trong tương lai, bệnh viện mong muốn xạ trị proton và hạt nặng. Đây là kỹ thuật chưa có tại Việt Nam, cần mức đầu tư kinh phí lớn. Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện K là hai đơn vị đã được Bộ Y tế đề xuất đặt hai hệ thống xạ trị này" - TS.BS Lê Tuấn Anh, giám đốc Trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ.

Bệnh viện K, Hà Nội thực hiện phẫu thuật bằng robot hiện đại - Ảnh: Bệnh viện K cung cấp

Bệnh viện K, Hà Nội thực hiện phẫu thuật bằng robot hiện đại - Ảnh: Bệnh viện K cung cấp

Thử nghiệm vắc xin cho khối u mỗi người

Theo báo The Guardian, Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) cho biết đang thử nghiệm vắc xin ngừa K theo nhu cầu, điều chỉnh phù hợp với từng bệnh nhân. Cơ quan này hiện đang tuyển hàng ngàn tình nguyện viên cho đợt thử nghiệm lâm sàng vắc xin K "cá nhân hóa" quy mô lớn đầu tiên trên thế giới.

Trước mắt sẽ tập trung vào K đại tràng, trực tràng, da, phổi, bàng quang, tuyến tụy và thận. Trong tương lai sẽ mở rộng hơn các loại K khác. Các chuyên gia đánh giá đây là yếu tố "thay đổi cuộc chơi" trong việc chữa khỏi bệnh K vĩnh viễn.

Theo đó, vắc xin ngừa K được điều chế riêng cho khối u ác tính của mỗi bệnh nhân, điều này chỉ mất vài tuần. Khi vào cơ thể, vắc xin K sẽ hoạt động bằng cách ra lệnh cho hệ miễn dịch của người bệnh săn lùng và tiêu diệt bất kỳ tế bào K nào, ngăn chặn bệnh quay lại.

Tờ Independent đưa tin mới đây hai nghiên cứu của Đại học Oxford (do Cơ quan Nghiên cứu ung thư Vương quốc Anh tài trợ) cho thấy các dấu hiệu cảnh báo trong máu có thể dự đoán được bệnh K tới 7 năm trước khi chẩn đoán, mang lại hy vọng cho các loại thuốc phòng ngừa mới. Đây được xem là bước đầu tiên quan trọng đối với các phương pháp điều trị có thể ngăn ngừa K.

Theo đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra các protein trong máu có liên quan đến sự phát triển của hàng chục loại K khác nhau. Các bệnh K liên quan đến các protein được tìm thấy bao gồm K vú, phổi, buồng trứng, bàng quang và da.

Trong nghiên cứu đầu tiên, nhóm nghiên cứu đã so sánh protein của những người mắc và không mắc K nhưng không thấy bất kỳ khác biệt nào giữa chúng để xác định loại nào có thể liên quan đến K. Nghiên cứu thứ hai xem xét dữ liệu di truyền của hơn 300.000 trường hợp K đã tìm thấy 40 protein trong máu có liên quan đến 9 loại ung thư khác nhau.

Thử nghiệm trị K không cần mổ hay dùng thuốc

Mới đây, các nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã phát hiện một phương pháp không cần dùng thuốc, không xâm lấn, nhưng có thể giúp điều trị cho bệnh nhân ung thư thông qua việc sử dụng xung điện từ kích thích tế bào cơ.

Theo người đứng đầu nhóm nghiên cứu là phó giáo sư Alfredo Franco-Obregón (Viện Công nghệ và Đổi mới y tế NUS), việc tiếp xúc liệu pháp này suốt tám tuần, mỗi tuần một lần, mỗi lần 10 phút sẽ đủ để tạo ra chất ức chế khối u, được gọi là HTRA1.

Việc này tương tự khi bệnh nhân tập thể dục 2 lần/tuần trong 20 phút, kéo dài tám tuần. Các nhà khoa học đang thử nghiệm lâm sàng để đánh giá tiềm năng chống K của liệu pháp.

Gánh nặng K trên toàn cầu

Tháng 2-2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tỉ lệ K toàn cầu sẽ tăng đến 77% vào giữa thế kỷ này. Nguyên nhân bởi tuổi tác, béo phì và hút thuốc, uống rượu.

Dự đoán được Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) của WHO công bố ngày 1-2 cho biết có khoảng 20 triệu ca K được chẩn đoán trên toàn thế giới vào năm 2022, tăng so với 18 triệu ca vào năm 2020. Con số này sẽ tăng 77% lên 35 triệu vào năm 2050.

Theo IARC, các loại K phổ biến nhất năm 2022 là phổi (2,5 triệu ca mới), vú (2,3 triệu), đại trực tràng (1,9 triệu), tuyến tiền liệt (1,5 triệu), dạ dày (970.000). Phổi và vú là hai loại ung thư chiếm đa số, ngang nhau trong năm 2020. Tuy nhiên, tỉ lệ hút thuốc cao ở châu Á đã đẩy số ca ung thư phổi toàn cầu vượt ung thư vú vào năm 2022. Trong khi đó, K vú vẫn là loại K phổ biến nhất ở đại đa số các quốc gia.

Đối với phụ nữ, K vú là bệnh phổ biến nhất và gây tử vong cao nhất, còn căn bệnh nguy hiểm nhất ở nam giới là K phổi. IARC cho rằng K phổi giết nhiều người nhất trong giai đoạn 2020 - 2022, khoảng 1,8 triệu. Tiếp theo là K đại tràng, gan, dạ dày và vú.

---------------

Tại hội thảo về bệnh ung thư năm 2023, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói rằng số người mắc K dự kiến sẽ gia tăng nhanh trong vòng 20 năm tới.

Kỳ tới: Hạn chế người Việt mắc K, được không?

Cuộc chiến ngăn làn sóng ung thư - Kỳ 3: Người mắc K tăng, tuyến cuối Cuộc chiến ngăn làn sóng ung thư - Kỳ 3: Người mắc K tăng, tuyến cuối 'gồng mình'

Với gánh nặng ung thư (K) ngày càng tăng cao, số bệnh nhân phải điều trị "lũy kế" theo từng năm khiến các bệnh viện tuyến cuối liên tục quá tải.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên