Cảnh sát Bỉ kiểm tra xe tải để ngăn chặn người di cư tìm đường sang Anh - Ảnh: MAXPPP
Biển Manche nối liền Pháp với Anh là điểm qua lại phổ biến từ giữa thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Rất nhiều người di cư châu Âu dừng chân bên bờ biển này trước khi xuống tàu sang Mỹ...
Tiền trao cháo múc
100 năm sau, người di cư chủ yếu là dân các nước vùng Sừng châu Phi, Trung Đông, Afghanistan, Iran cũng qua bờ biển này nhưng bây giờ tìm đến "miền đất hứa" nước Anh.
Điểm quá cảnh của họ trước khi đến Anh là thị trấn Calais thuộc tỉnh Pas-de-Calais (miền bắc nước Pháp) hoặc Angres cách Calais gần 100km. Calais chỉ cách biển Manche 38km.
Từ Angres đi cảng Calais mất 90 phút rồi từ cảng này sang Anh mất ngần ấy thời gian, ráng chịu đựng ba giờ là thoát nạn.
Tháng 12-2002, trung tâm dành cho người di cư của Hội Chữ thập đỏ cách Calais 10km bị đóng cửa.
Người di cư tản ra dọc bờ biển Manche dựng lán trại. Khi Pháp tăng cường biện pháp kiểm soát và các chốt biên giới tăng cường kiểm tra, chuyện vượt biên từ Pháp sang Anh ngày càng khó.
Người di cư buộc phải sống lây lất gần các điểm xe tải có thể dừng lại như cảng, trạm dừng nghỉ, trạm dịch vụ ở khắp miền bắc nước Pháp và ở Bỉ để tìm cơ hội leo lên xe tải.
Cảnh sát Pháp đã nhiều lần mở chiến dịch giải tỏa các lán trại cất trái phép, người di cư vẫn tìm cách bám trụ.
Thời gian chờ đợi để bọn đưa người lậu sắp xếp đi sang Anh có thể kéo dài đến một năm rưỡi. Nguy cơ bị cảnh sát bắt trong thời gian chờ rất cao. Người di cư muốn yên thân phải răm rắp nghe theo lời bọn đưa người lậu và phải "tiền trao cháo múc" hẳn hoi.
Nếu tiếc tiền, không muốn sử dụng "dịch vụ" của bọn đưa người lậu và mạo hiểm tự tìm đường leo lên xe tải đi sang Anh, người di cư sẽ phải trả giá đắt.
Báo La Voix du Nord (Pháp) đưa tin ngày 20-6-2014, người dân địa phương nhìn thấy một người di cư Việt Nam trong điệu bộ hốt hoảng đã đưa đến đồn cảnh sát thị trấn Liévin (tỉnh Pas-de-Calais) trình báo.
Nạn nhân giải thích do không muốn sử dụng "dịch vụ" của bọn đưa người lậu nên tự đến trạm dừng chân ở Angres định trèo lên xe tải sang Anh. Bọn đưa người đã tóm lấy nạn nhân đánh đập không thương tiếc rồi khống chế suốt năm ngày.
May mắn, nạn nhân tìm cách trốn qua cửa sổ. 10 ngày sau, cảnh sát bắt giữ khoảng 30 người Việt tại lán trại dựng tạm ở Angres. Cuối cùng, một người bị truy tố về tội tham gia băng nhóm đưa người sang Anh.
Người di cư chờ đi ở Pháp đều biết chuyện cảnh sát kiểm tra xe tải chỉ mang tính ngẫu nhiên nên một số người chấp nhận rủi ro sẵn sàng leo lên xe tải đông lạnh.
Bọn đưa người lậu đã thuyết phục đi cách này an toàn hơn, có nhiều may mắn tránh được máy quét và chó nghiệp vụ.
Người di cư lấy giấy bọc bằng nhôm trùm lên người vì tin rằng làm thế không bị máy quét phát hiện.
Bọn đưa người lậu đã hướng dẫn khi sang đến Anh, người di cư phải xé bỏ giấy tờ, khai báo thông tin giả nếu bị bắt và tuyệt đối không được khai gì về bọn đưa người, nếu không sẽ bị trả thù.
Nếu bị tài xế xe tải phát hiện hoặc bị cảnh sát bắt, họ có cơ hội được trả tự do ngay hoặc bị giam giữ tối đa 25 ngày. Khi được trả tự do, họ phải gọi điện thoại cho bọn đưa người thông báo địa điểm để được đưa trở lại Angres bằng xe taxi hoặc tự đi về bằng tàu hỏa hoặc xe buýt.
Nếu tiếc tiền, không sử dụng “dịch vụ” của bọn đưa người lậu, dân di cư sẽ phải trả giá đắt.
Báo La Voix du Nord
Đường đến Calais (Pháp), cảnh sát canh gác người di cư bám theo xe tải tìm cơ hội sang Anh - Ảnh: AFP
Các băng nhóm giành địa bàn
Một người di cư đã mô tả với tổ chức thiện nguyện France Terre d’asile (Pháp) về bọn đưa người lậu: "Không có bất kỳ hợp đồng nào hết. Tất cả đều dựa vào lời nói. Nhưng nói chung những người đưa đường đều giữ lời để giữ uy tín làm ăn".
Trong tác phẩm Người di cư trên đường đi nói về những người di cư dừng lại bên bờ biển Manche chờ sang nước Anh, nhà nghiên cứu Olivier Thomas thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) nhận xét người di cư chọn đường dây đưa người nào còn phụ thuộc vào các yếu tố quốc gia và dân tộc.
Ví dụ dân di cư châu Á thường chọn các nhóm đưa người châu Á. Dù vậy cũng có luật trừ. Trong một vụ bố ráp trên toàn châu Âu vào tháng 11-2011, cảnh sát phát hiện một đường dây đưa người Việt Nam từ Pháp và Bỉ sang Anh nhưng bọn đưa người lại là dân người Kurd Iraq.
Tháng 11-2015, một ngư dân trẻ 24 tuổi ở Dunkerque (Pháp) thuộc dạng "ở nhà cháu rất hiền, chỉ lo làm ăn" đã bị tống giam vì tham gia đường dây đưa người vượt biên sang Anh bằng đường biển của bọn Albania.
Chi phí mỗi người gần 14.000 euro, ngư dân nọ được hưởng tiền "cò" 10%. Thông thường, chuyện vượt biển Manche sang Anh bằng đường thủy hơi bị hiếm vì đường thủy bị bố ráp rất gắt.
Nói chung người di cư thuộc đường dây này đều lo sợ bị đường dây khác quậy phá. Bọn đưa người lậu mang quốc tịch Nga hoặc Chechnya đã từng nổ súng tống tiền dân di cư châu Á đang ẩn náu tìm cơ hội leo xe tải sang Anh.
Chúng đòi mỗi người cống nạp 500 euro mỗi tháng mới được vào khu rừng gần trạm dịch vụ. Nhóm châu Á chỉ đưa mỗi người 40 euro. Bọn đầu gấu quay trở lại tấn công bằng chày và búa làm nhiều người bị thương.
Cảnh sát bắt giữ hàng chục người di cư, sau đó ra lệnh trục xuất. Song người di cư châu Á tạm lánh trong khu rừng gần đường cao tốc, xây dựng nơi trú ẩn tạm và tổ chức canh phòng suốt đêm để sẵn sàng đối đầu vì họ biết cảnh sát sẽ không động tay động chân.
Đêm xuống, quả thật bọn đầu gấu quay lại nhưng lần này bị đập không trượt phát nào rồi bị nhốt trong trạm dịch vụ.
Bảy tên bị truy tố về tội âm mưu tống tiền có tổ chức và bị kết án từ 3-5 năm. Dân di cư bình an vô sự vì công tố viên nhận định họ là nạn nhân và chỉ tự vệ.
Tình trạng cạnh tranh giữa các nhóm cùng chung sắc tộc cũng xảy ra. Tại thị trấn Calais đã xảy ra nhiều vụ thanh toán giữa các băng nhóm đưa người trong lúc tranh giành xe tải, giành người di cư và đã có người chết.
Trước đây, rất ít người di cư dám vượt biển Manche bằng đường biển nguy hiểm vì gió lộng, dòng chảy mạnh và giao thông hàng hải dày đặc. Nhưng gần đây, số người di cư vượt biển Manche bằng xuồng hơi tăng vọt...
Sang Anh quá cực, thôi ở lại Pháp!
Trong thời gian chờ sang Anh, do nhiều khó khăn mà đặc biệt là chi phí quá tốn kém, một số người di cư quyết định dừng chân ở lại Pháp.
Người di cư được đầu mối quen biết ở Paris tìm chỗ thuê ở chung với những người đồng cảnh ngộ và tìm việc làm chợ đen. Họ được dặn dò phải sống kín đáo, đừng nói quá nhiều, đừng đòi hỏi gì hết để tránh bị cảnh sát Pháp bắt và trục xuất vì không có giấy tờ hợp pháp.
Ban đầu, họ tính toán đi làm kiếm tiền trang trải chi phí sang Anh nhưng rồi dần dà từ bỏ ý định và quyết định ở lại Paris đi làm trả nợ và tích góp tiền gửi về nhà.
Trước đây, rất ít người di cư dám vượt biển Manche bằng đường biển nguy hiểm vì gió lộng, dòng chảy mạnh và giao thông hàng hải dày đặc. Nhưng gần đây, số người di cư vượt biển Manche bằng xuồng hơi tăng vọt...
Kỳ tới: Liều mạng vượt biển sang Anh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận