Sàn chứng khoán New York (NYSE) ngày 12-8 - Ảnh: REUTERS
Đài CNN đưa tin chỉ số Dow Jones giảm 391 điểm, tức khoảng 1,5%, vào cuối phiên giao dịch ngày 12-8 theo giờ Mỹ.
Tương tự, S&P 500 và NASDAQ mỗi chỉ số đều giảm 1,2%. Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm mạnh vì nhà đầu tư lo ngại đổ tiền đi mua các tài sản khác, tìm nơi trú ẩn an toàn hơn.
Giới đầu tư quốc tế đã bắt đầu cảm nhận được tác động rõ rệt của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với kinh tế toàn cầu. Nguy cơ các biện pháp ăn miếng trả miếng được tung ra giữa hai bên vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, theo CNN.
"Tranh chấp thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc dường như sẽ leo thang thành một cuộc xung đột kinh tế toàn diện" - ông David Kostin, chiến lược gia trưởng về thị trường vốn ở Mỹ của Ngân hàng Goldman Sachs, viết trong một thông báo gửi tới khách hàng của mình.
Theo CNN, các loại cổ phiếu nhạy cảm với diễn biến Trung Quốc như Caterpillar (CAT), Deere (DE) và Boeing (BA) đều giảm hơn 1%.
Goldman Sachs lại một lần nữa điều chỉnh dự đoán ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đối với kinh tế Mỹ.
Ngân hàng này ước tính tăng trưởng quý 4-2019 của Mỹ sẽ giảm còn 1,8%, thấp hơn mức 2% được đưa ra trước đó.
"Thương chiến kéo dài càng lâu, lại càng đè nặng lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu và khiến nền kinh tế thế giới thêm chật vật. Đây là tin tiêu cực đối với tinh thần trên toàn thị trường", ông Joe Manimbo - nhà phân tích thị trường cấp cao của Western Union Business Solutions, cho biết.
Giới đầu tư trở nên càng nhạy cảm hơn khi cuộc biểu tình tại Hong Kong vẫn tiếp tục trong ngày 12-8. Hàng trăm chuyến bay tới và rời Hong Kong đều bị hủy trong ngày 12-8. Tuy đã mở lại vào ngày 13-8, khoảng 200 chuyến bay vẫn bị hủy.
Các nhà đầu tư nhanh chóng chuẩn bị cho mình phương án phòng vệ. Giá vàng thế giới tăng mạnh lên mức 1.520 USD/ounce trước khi giảm nhẹ về 1.510,2 USD/ounce.
Các chiến lược gia của Morgan Stanley, dẫn đầu bởi Michael Wilson, thông báo cho khách hàng của mình, rằng thị trường tài chính đang trong tình trạng rất kém kể từ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất nhẹ hồi cuối tháng 7. Đây là lần giảm đầu tiên sau gần 11 năm.
Bên cạnh chiến tranh thương mại, ông Wilson cho rằng các nhà đầu tư đang phản ứng tiêu cực khi nhận ra rằng FED đã chuyển từ tư thế diều hâu của mình sang ôn hòa hơn vì viễn cảnh kinh tế ảm đạm.
"FED đã thay đổi quan điểm của mình sau 9 tháng qua vì viễn cảnh đối với nền kinh tế, cả trong và ngoài nước (Mỹ), đều suy yếu nghiêm trọng", ông Wilson nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận