Thống đốc Chris Christie (phải) tham gia vận động gây quỹ cùng ông Trump tại New Jersey, ngày 19-5 - Ảnh: Reuters |
Những phát biểu mà họ đưa ra cho đến thời điểm này không có nhiều triển vọng lắm.
Không đồng tình về TPP
Cả ông Trump và bà Clinton đều phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong các bài diễn văn tranh cử và cả trên mạng xã hội, ông Trump đã chỉ đích danh Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ và Mexico là những quốc gia sẽ lấy đi số lượng lớn công việc của người Mỹ khi khai thác lao động giá rẻ.
Nhưng có vẻ Quốc hội Mỹ đa số đã đồng ý về TPP nên vấn đề này sẽ không thuộc thẩm quyền của bất kỳ tổng thống nào trong tương lai nữa.
Ông Trump đã đề nghị sẽ tái thương lượng nhiều hiệp định thương mại song phương với từng quốc gia ở châu Á và cả những nơi khác để Mỹ có được lợi ích nhiều hơn.
Đối với những quốc gia khó thương lượng như Trung Quốc, ông dọa sẽ tăng thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa lên 45% và sẽ làm giảm thiểu việc thao túng tiền tệ bằng những chính sách trả đũa khác.
Ông Trump có một lợi thế vượt trội so với những tổng thống tiền nhiệm khác bởi ông là một bậc thầy về thương lượng!
Bà Clinton, từng đảm nhiệm vai trò thượng nghị sĩ và bộ trưởng ngoại giao, từng tích cực ủng hộ tự do thương mại và thúc đẩy TPP như là một tiêu chuẩn vàng của những hiệp ước giao thương.
Nhưng năm vừa qua, dưới áp lực mạnh mẽ của các công đoàn và những nhóm chống toàn cầu hóa như của ông Bernie Sanders trong Đảng Dân chủ, bà Clinton đã có lúc gợi ý rằng sẽ không ủng hộ TPP nữa.
Vì vậy, khi Tổng thống Obama mãn nhiệm vào tháng 1-2017, sẽ không còn sự ủng hộ nào từ Đảng Dân chủ dành cho TPP. Giống như ông Trump, bà Clinton cũng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc vì đã thao túng thương trường quá nhiều.
Bà đề nghị thành lập một cơ quan chính phủ mới chuyên trách thực thi những quy định thương mại để chống lại sự thao túng của Trung Quốc.
Cả bà Clinton và ông Trump đều mong muốn xây dựng nền kinh tế Mỹ vững mạnh hơn. Cả hai đưa ra những chính sách tương tự nhau nhằm kêu gọi sự can thiệp mạnh mẽ hơn nữa từ chính phủ vào lĩnh vực kinh tế để giúp thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế quốc dân.
Cả ông Trump và bà Clinton đều ủng hộ chính sách ngăn chặn các công ty Mỹ di dời ra nước ngoài bằng cách đánh mức thuế cao, phạt, hay thực thi những chính sách cản trở khác. Nếu đắc cử tổng thống, ông Trump sẽ thi hành những chính sách này một cách triệt để.
Ưu tiên đối nội
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng đối với an ninh Mỹ. Dưới thời ông Obama và khi bà Clinton còn là bộ trưởng ngoại giao, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đặc biệt quan tâm hơn cả khu vực Trung Đông.
Đầu năm 2009, bà Clinton tuyên bố rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là trọng điểm nhận được nhiều ưu ái thương mại, đầu tư, phát triển cùng với việc tăng cường an ninh và các cơ sở quân sự của Mỹ tại đây.
Việc ký kết TPP là tâm điểm của chương trình này. Nhưng hiện nay, chính sách tập trung vào châu Á mang tính lý thuyết nhiều hơn thực tế vì Mỹ vẫn đang tiêu tốn rất nhiều tiền của vào khu vực Trung Đông.
Thêm vào đó, những vấn đề trong nước làm ông Obama không thể dành nhiều thời gian cho đối ngoại. Ông thậm chí thay đổi thuật ngữ “xoay trục” thành “tái cân bằng” để mọi người không lầm tưởng nước Mỹ không còn quan tâm đến khu vực Trung Đông nữa.
Ông Trump vẫn chưa chắc chắn liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thật sự đóng vai trò quan trọng như vậy không. Ông đề nghị cắt giảm ngân sách dành cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Theo ông, các quốc gia và lãnh thổ này nên tự tăng cường quốc phòng cho riêng mình.
Đáng quan ngại hơn, ông Trump còn đề nghị sẽ trang bị vũ khí hạt nhân cho Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm tạo đối trọng với Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Ngược lại với ông Trump, bà Clinton có lẽ sẽ vẫn tập trung đầu tư nhiều vào khu vực châu Á. Là cựu bộ trưởng ngoại giao và từng tháp tùng chồng sang châu Á, không có gì ngạc nhiên khi bà Clinton tỏ ra rất ưu ái Việt Nam.
Bà đã viếng thăm Việt Nam bốn lần và từng thể hiện sự ủng hộ đối với TPP nhằm thúc đẩy sự đầu tư và hợp tác an ninh giữa hai quốc gia.
Mặc dù bà đã thoái lui khỏi những hiệp định thương mại được cho là làm lợi cho Việt Nam nhiều hơn, nhưng bà vẫn tỏ ra ủng hộ những chính sách đầu tư vào Việt Nam cũng như tăng cường hợp tác an ninh giữa hai nước.
Dự đoán
Có lẽ vẫn còn quá sớm để dự đoán chính xác những chính sách đối ngoại của ông Trump và bà Clinton. Trong thời gian gần đây, ông Trump vẫn không có những chính sách đối ngoại quyết đoán.
Hiện tại, các cố vấn của ông Trump gọi những chính sách của ông là những “gợi ý” hơn là “đề xuất” bởi vì ông liên tục thay đổi quan điểm của mình. Việc ông Trump sẽ thay đổi lập trường về những chính sách đối ngoại với châu Á trong tương lai là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Bà Clinton dường như cũng dễ dàng thay đổi quan điểm của mình khi bị chỉ trích, chẳng hạn như vụ TPP. Bà Clinton sẽ chịu nhiều áp lực từ ông Bernie Sanders, ứng viên đối thủ trong những vòng bầu cử sơ bộ. Ông Sanders là một người theo chủ nghĩa biệt lập và chống toàn cầu hóa.
Thêm vào đó, nhiều nhóm trong Đảng Dân chủ muốn tập trung đầu tư vào an sinh xã hội hơn là những vấn đề đối ngoại. Vì vậy, có lẽ bà Clinton sẽ chịu nhiều sự gò bó hơn là ông Trump.
Theo dự đoán cá nhân của tôi thì chính phủ do ông Trump cầm quyền, nếu ông đắc cử, sẽ bất ổn và có thể có nhiều chính sách táo bạo. Nếu bà Clinton cầm quyền thì Washington sẽ đi theo những lối mòn dễ dàng tiên đoán được.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của hai ứng cử viên này sẽ không thể giúp sự hiện diện của Mỹ ở vai trò “đàn anh” khắp thế giới như mọi người mong muốn, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ai đứng liên danh? Dù cuộc đua bên Dân chủ vẫn còn tiếp tục nhưng giới truyền thông đã bắt đầu đưa ra những cái tên cho “cặp đôi” mỗi bên trước kỳ tranh cử chính thức vào tháng 11. Bên Đảng Dân chủ, theo AFP, có vẻ bà Hillary vẫn nổi trội hơn nên cái tên hàng đầu đứng cặp với bà là ông Bernie Sanders, thượng nghị sĩ bang Vermont, người vẫn đang so kè với bà. Nếu có được vị thượng nghị sĩ 74 tuổi này đứng cùng liên danh thì bà Hillary mới có khả năng tranh tài với ông Donald Trump. Ngoài ra cũng có những cái tên khác được gợi ý như bà Elizabeth Warren (66 tuổi, thượng nghị sĩ bang Massachusetts, cựu giáo sư ĐH Harvard), ông Tim Kaine (58 tuổi, thượng nghị sĩ bang Virginia, có kinh nghiệm đối ngoại và là một người thân cận ông Barack Obama), ông Julian Castro (41 tuổi, bộ trưởng nhà ở), Mark Warner (61 tuổi, cựu thống đốc và thượng nghị sĩ bang Virginia), Tom Vilsack (65 tuổi, bộ trưởng nông nghiệp)... Bên Đảng Cộng hòa, ông Trump có thể lựa chọn ông Chris Christie (thống đốc bang New Jersey), ông Newt Gingrich (72 tuổi, cựu chủ tịch Hạ viện), ông Rob Portman (60 tuổi, thượng nghị sĩ bang Ohio), ông Ben Carson (ứng viên da màu từng tham gia kỳ bầu cử sơ bộ), bà Mary Fallin (61 tuổi, thống đốc bang Oklahoma)... |
__________
Kỳ tới: Trump và Hillary trong mắt nhau
Các kỳ trước: >> Kỳ 1: Người giỏi công kích đối thủ >> Kỳ 2: Donald Trump: Hồn Dân chủ, da Cộng hòa >> Kỳ 3: Donald Trump đang phá vỡ những rào cản >> Kỳ 4: Bầu cử Mỹ liệu sẽ có đảng thứ ba? >> Kỳ 5: Những người "không giống ai" phía sau Donald Trump >> Kỳ 6: Donald Trump trong mắt “quân sư” Manafort >> Kỳ 7: Obama bắt đầu tấn công Donald Trump |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận